Sử dụng thuốc điều trị gout đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong kiểm soát và giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Thuốc không chỉ giúp giảm đau, viêm mà còn ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương khớp. Kết hợp sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ với chế độ ăn uống cùng lối sống lành mạnh, người bệnh có thể quản lý gout hiệu quả và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Đào Thị Trang - Bác sĩ Nội cơ xương khớp thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Khi nào cần dùng thuốc hạ acid uric điều trị gout?
Bệnh gout là bệnh lý xảy ra do tăng nồng độ axit uric trong máu, khiến tinh thể axit uric hình thành trong khớp và gây ra các cơn đau gout. Nếu nồng độ axit uric duy trì cao trong thời gian dài, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và tổn thương khớp.
Dù chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế rượu, đồ uống có cồn có thể giúp kiểm soát bệnh gout, nhưng những phương pháp này không phải lúc nào cũng đủ hiệu quả. Khi trở nặng, sử dụng các loại thuốc làm giảm nồng độ axit uric là điều cần thiết. Điều trị lâu dài bằng thuốc đặc biệt hữu ích khi các cơn đau gout xảy ra thường xuyên hoặc khi bệnh nhân gặp các biến chứng do bệnh gout gây ra, ví dụ như sỏi thận.
Bệnh có thể khởi phát ở dạng cấp tính và sau đó trở thành mãn tính.Vì thế, việc quyết định dùng thuốc hạ acid uric điều trị gout phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi người, vì điều trị bằng thuốc cần thời gian dài và có thể gây tác dụng phụ hoặc tương tác với các loại thuốc khác.
Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân đánh giá kỹ lưỡng lợi ích và rủi ro của việc điều trị, từ đó đưa ra quyết định phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe và nhu cầu cá nhân.
2. Trường hợp nào phải dùng thuốc hạ acid uric điều trị gout?
Việc sử dụng các loại thuốc hạ acid uric điều trị gout được đặc biệt khuyến khích trong những trường hợp sau:
- Các cơn đau do gout xuất hiện thường xuyên hoặc nghiêm trọng.
- Tổn thương ở các khớp.
- Các hạt tophi đã hình thành.
- Sỏi thận do nồng độ axit uric quá cao.
Ngoài ra, điều trị bằng thuốc cũng được khuyến nghị trong trường hợp chế độ ăn uống của người bệnh không đủ để giảm nồng độ axit uric hoặc khi nồng độ axit uric ở mức đáng lo ngại.
Trong trường hợp cơn đau gout xuất hiện lần đầu, quyết định có dùng thuốc hay không khá khó khăn. Một số người không gặp vấn đề gì sau cơn đau gout đầu tiên, trong khi nhiều người khác lại bị đau thường xuyên hơn.
3. Có những loại thuốc hạ acid uric nào để điều trị bệnh gout?
Allopurinol - một loại thuốc hạ axit uric, thường được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh gout. Thuốc hạn chế quá trình phân hủy purin, từ đó giảm nồng độ axit uric. Allopurinol được khuyến khích uống sau bữa ăn và nên uống nhiều nước.
Thông thường, việc dùng thuốc sẽ được thực hiện với liều thấp là 100 mg, sau đó tăng dần cho đến khi nồng độ axit uric trong máu giảm xuống dưới 360 micromol mỗi lít (µmol/L). Việc giữ nồng độ axit uric dưới mức này là rất quan trọng để ngăn chặn sự hình thành tinh thể axit uric trong máu.
Sau khi bắt đầu dùng thuốc điều trị gout, các bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra nồng độ axit uric, thường là mỗi ba tháng, để đảm bảo mức độ này đủ thấp. Sau giai đoạn đầu điều trị, việc kiểm tra có thể ít thường xuyên hơn, chẳng hạn như mỗi năm một lần.
Nếu allopurinol không đạt được hiệu quả trong việc giảm nồng độ axit uric, febuxostat có thể sử dụng thay thế. vì nó cũng hoạt động theo cách tương tự. Tuy nhiên, febuxostat thường nên được cân nhắc cẩn trọng ở các bệnh nhân có bệnh lí tim mạch vì nguy cơ cao hơn về các vấn đề tim mạch so với allopurinol.
4. Tác dụng phụ của thuốc hạ acid uric điều trị gout
Phát ban là một trong những tác dụng phụ khi sử dụng allopurinol, xảy ra khoảng 1 trên 100 người. Đa số các trường hợp phát ban đều nhẹ và không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở một số ít trường hợp, phát ban có thể là biểu hiện của phản ứng quá mẫn với allopurinol, qua đó tiềm ẩn nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.
Đặc biệt, những người mắc bệnh thận mãn tính có nguy cơ xuất hiện phát ban cao hơn. Do đó, nếu trải qua các triệu chứng như phát ban, sốt hoặc các triệu chứng giống cảm lạnh, hãy gặp các bác sĩ ngay lập tức.
Về febuxostat, hiện chưa có nhiều nghiên cứu đáng tin cậy về tác dụng phụ của thuốc. Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện như buồn nôn và đau khớp. Phát ban và phản ứng quá mẫn nghiêm trọng cũng có thể xảy ra trong quá trình sử dụng febuxostat để điều trị bệnh gout. Febuxostat còn liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn so với allopurinol.
5. Cần cân nhắc gì trong quá trình dùng thuốc?
Trong vài tháng đầu dùng thuốc điều trị gout, bệnh nhân có thể gặp phải cơn đau gout nhiều hơn. Để ngăn chặn các cơn đau gout trong giai đoạn này, các bác sĩ thường kê đơn colchicine ở liều lượng thấp trong tối đa khoảng sáu tháng đầu. Điều này giúp giảm nguy cơ bị cơn gout một cách hiệu quả. Điều quan trọng là ngay cả khi xảy ra các cơn đau gout, bệnh nhân không nên ngừng sử dụng thuốc giảm axit uric.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.