Bài viết bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh gout là tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp hoặc hạt tophi. Điều trị gout cơ bản dựa trên 2 chiến lược chính đó là kiểm soát tình trạng viêm do gout, giảm đau và hạ axit uric máu, tránh hình thành tinh thể urat mới gây gout cấp.
1. Đại cương về bệnh gout
Bệnh gout (thống phong) là bệnh rối loạn chuyển hóa gây lắng đọng các tinh thể monosodium urate trong tổ chức. Biểu hiện lâm sàng là tăng axit uric trong máu, gây đau ở khớp, sụn, xương, dưới da, thận. Tỉ lệ mắc bệnh gout ở Việt nam theo điều tra trong cộng đồng năm 2003 là 0,14%, ngày nay, con số này ngày càng gia tăng do tình trạng lạm dụng rượu bia và chế độ ăn giàu đạm. Ở Úc, bệnh gout cũng là một vấn đề phổ biến, nó có liên quan đến nhiều bệnh đi kèm nghiêm trọng như tăng huyết áp, bệnh thận mãn tính, béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch. Những thay đổi gần đây bao gồm cách sử dụng các loại thuốc cũ hơn, cũng như các phương pháp trị liệu mới hơn có sẵn hoặc đang được phát triển.
Tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh gout là tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp hoặc hạt tophi. Điều trị gout cơ bản dựa trên 2 chiến lược chính đó là kiểm soát tình trạng viêm do gout, giảm đau và hạ axit uric máu, tránh hình thành tinh thể urat mới gây gout cấp.
2. Các yếu tố nguy cơ của bệnh gout
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout chính là:
- Yếu tố gia đình và chủng tộc: Các nghiên cứu gần đây cho biết, trong cơ thể có nhiều gen tham gia kiểm soát, duy trì nồng độ máu axit uric máu (AU), các gen này có thể nằm trên nhiễm sắc thể thường hoặc nhiễm sắc thể giới tính X.
- Yếu tố tuổi và giới: Tăng AU máu và bệnh gout thường xuất hiện ở nam giới tuổi trên 30. Bệnh thường kết hợp với một số rối loạn chuyển hóa khác như: Rối loạn lipid máu, béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp.
- Uống nhiều bia rượu: Làm tăng dị hóa ATP thành AMP làm tăng axit lactic máu gây giảm đào thải AU qua thận, tăng sản xuất AU, ngoài ra bia rượu cũng là nguồn cung cấp purin ngoại sinh phong phú làm tăng AU máu.
- Bệnh thận: Nhiều bệnh lý của hệ tiết niệu là nguyên nhân gây tăng AU máu và bệnh gout như: Suy thận, sỏi thận, sỏi đường tiết niệu, thận đa nang. Các bệnh thận gây tăng AU máu là do giảm độ thanh lọc AU, giảm bài tiết AU, tăng tái hấp thu AU ở ống lượn xa.
- Thuốc dùng trong điều trị:
- Thuốc lợi tiểu: Framingham nghiên cứu thấy có 50% bệnh nhân gút có liên quan đến thuốc lợi tiểu nhóm thiazide; Thuốc Salicylate: liều nhỏ dưới 2g/24h gây ức chế bài tiết urat ở ống thận, liều cao >3g/24h gây ức chế tái hấp thu.
- Thuốc chống lao: Pyrazinamide, ethambutol, acid nicotinic làm giảm thanh thải AU qua thận. Cyclosporin, Levodopa, corticoid và một số thuốc cản quang cũng ảnh hưởng đến quá trình thanh thải AU ở thận gây tăng AU máu.
3. Bệnh gout và biến chứng nguy hiểm
Người mắc bệnh gout sẽ thường xuyên phải gánh chịu các cơn đau nhức tại các khớp, nhất là ở các khớp như khớp ngón chân, khớp ngón tay, khớp gối hoặc là mắt cá chân...Đặc biệt khi thời tiết thay đổi, chuyển đột ngột từ nóng sang lạnh thì cơn đau càng trở nên dữ dội hơn, đau nhiều hơn về ban đêm khiến bệnh nhân bị mất ngủ, suy nhược cơ thể trầm trọng, lúc nào cũng tỏ ra mệt mỏi...
Ngoài ra, bệnh gout kéo dài sẽ chuyển sang mãn tính và gây ra biến chứng như:
3.1 Làm xuất hiện các hạt tophi ở xung quanh khớp
Đây là biểu hiện và cũng là biến chứng của bệnh gout mạn tính gây ra. Các hạt này có thể nhiều hoặc ít, lớn hoặc nhỏ gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ của bệnh nhân, thiếu tự tin khi giao tiếp, đồng thời còn làm giảm khả năng cử động, vận động của các khớp.
3.2 Dẫn tới dò hạt tophi khó liền
Bệnh càng để lâu thì các hạt tophi này sẽ bị dò, vỡ, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công các khớp, gây ra nhiễm trùng khớp rất nguy hiểm.
3.3 Gây ra biến chứng ở thận, điển hình là gây sỏi thận
Thận có nhiệm vụ bài tiết các acid uric ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, với những người bị bệnh gout thì lượng acid uric quá lớn, thận không lọc kịp, từ đó dễ gây ứ đọng ở thận, lâu ngày sẽ hình thành nên sỏi thận. Sỏi urat của thận vốn là loại sỏi không cản quang nên chỉ có thể phát hiện thông qua siêu âm hệ tiết niệu.
3.4 Dẫn tới suy thận mạn
Một khi thận bị suy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, các chất độc trong cơ thể sẽ không được đào thải ra ngoài, dẫn tới nhiều bệnh tật khác, đặc biệt lúc này việc dùng thuốc chống viêm cũng không còn hiệu quả.
3.5 Gây ra viêm tĩnh mạch nông chi dưới
Tình trạng này thường gặp những bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa đi kèm, ví dụ như bị tăng đường máu, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu...
3.6 Gây khó khăn cho việc điều trị bệnh
Với những người để bệnh kéo dài quá lâu thì việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn, phức tạp hơn. Trong quá trình điều trị dễ gặp phải các biến chứng do trước đó bệnh nhân có dùng thuốc chống viêm giảm đau, dễ dẫn tới viêm loét dạ dày hành tá tràng, dễ bị chứng mạch vành, suy thận, đồng thời còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn máu đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
4. Phải làm gì để đối phó với bệnh gout và biến chứng?
Dự phòng bệnh gout cấp tính được khuyến cáo ở những người bắt đầu điều trị hạ acid uric. Gout cấp bắt đầu điều trị hạ acid urate là rất phổ biến và điều trị dự phòng nhằm mục đích ngăn chặn đợt cấp tái phát. Thời gian điều trị dự phòng được đề nghị hiện nay dài hơn so với những gì đã được sử dụng trước đây. Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ khuyến nghị: Thời gian ít nhất 6 tháng, hoặc 3 tháng sau khi đạt được acid urate huyết thanh mục tiêu ở bệnh nhân không có tophi, hoặc 6 tháng sau khi đạt được acid urate huyết thanh mục tiêu ở bệnh nhân nhiễm tophi khi khám.
Điều trị bệnh nhân gout bằng hạ acid urate huyết thanh mục tiêu là điều cần thiết để giảm cơn gout cấp tái phát và giải quyết các hạt tophi. Đối với những người không có tophi, nên sử dụng mục tiêu acid urate huyết thanh <0,36 mmol/L; đối với những người có tophi, nên xem xét mục tiêu acid urate huyết thanh<0,30 mmol /L(theo EULAR 2016).
Giáo dục bệnh nhân: Nghiên cứu đã gợi ý rằng những bệnh nhân mắc bệnh gout thiếu tự tin trong phương pháp điều trị đã giảm sự tuân thủ với thuốc. Sự thiếu tự tin trong điều trị có thể xuất phát từ bệnh gout của họ bùng phát sau khi bắt đầu điều trị hạ acid urate. Giáo dục về điều này và các khía cạnh khác của bệnh gout rất quan trọng để đảm bảo bệnh nhân hiểu rằng mặc dù bệnh của họ có thể bùng phát trong thời gian ngắn, nhưng họ đang điều trị hướng tới mục tiêu chung là không có cơn gút trong thời gian dài. Ngoài ra, việc trang bị cho những bệnh nhân mắc bệnh gout có kỹ năng và động lực để tuân thủ điều trị bằng thuốc có lẽ cũng rất quan trọng.
Một lượng lớn đường hoặc nước ngọt có ga, chẳng hạn như cola hoặc nước chanh, là một nguy cơ được công nhận cho bệnh gout. Bệnh nhân bị bệnh gout nên hạn chế uống những đồ uống này.
Bằng chứng dịch tễ học cũng cho thấy, chế độ ăn nhiều purin làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout, nhưng có bằng chứng ít ỏi cho thấy chế độ ăn ít purine ở những người mắc bệnh gout giúp giảm cơn gút hoặc acid uric huyết thanh có ý nghĩa lâm sàng.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị bệnh gout tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tham khảo tài liệu:
- Lawrence M. Ryan, MD (2015). Gout.Professor of Medicine, Medical College of Wisconsin.
- The management of gout: Much has changed). Philip C Robinson; Lisa K Stamp;Volume 45, No.5, May 2016 Pages 299-302