Bài viết được viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thu Giang - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus. Tuy nhiên khi trẻ sốt cao trên 38,5 °C, cha mẹ sẽ không khỏi lo lắng và băn khoăn tìm mọi cách tốt nhất để hạ sốt. Bên cạnh các biện pháp vật lý như lau người, chườm ấm, nới lỏng bỉm, quần áo, cha mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ với nhiều dạng bào chế, thích hợp với tình trạng của trẻ.
Hiện tại, trên thị trường có 3 dạng thuốc phổ biến nhất là: dạng tiêm truyền tĩnh mạch, dạng uống và dạng đặt hậu môn.
1. Dạng tiêm truyền tĩnh mạch
- Hoạt chất thường dùng: Paracetamol hay còn gọi là Acetaminophen với các biệt dược quen thuộc như Perfalgan, Paracetamol Kabi...1g/ 100ml
- Dạng dùng này thường được sử dụng tại các cơ sở y tế, không nên sử dụng tại nhà
- Ưu điểm của dạng dùng này là thuốc tránh được sự phá hủy và hao hụt thuốc do các yếu tố ở đường tiêu hóa nên hấp thu thuốc ổn định hơn đường tiêu hóa. Thuốc phát huy tác dụng nhanh, có thể duy trì tác dụng liên tục, định lượng được liều chính xác, đặc biệt với trẻ nhỏ, kiểm soát tốc độ đưa thuốc và đặc biệt phù hợp với người bệnh nặng, không uống được, không đặt hậu môn được.
- Nhược điểm: Việc sử dụng thuốc đòi hỏi điều kiện vô trùng nghiêm ngặt vì độ an toàn thấp, dễ gây sốc, gây đau, áp xe, nhiễm trùng không chỉ ở vị trí tiêm truyền mà có thể gây nhiễm trùng máu nếu kỹ thuật tiêm truyền không vô trùng. Cha mẹ khó có thể tự sử dụng và cũng không nên tự sử dụng cho trẻ. Ngoài ra, các thuốc dạng tiêm truyền thường có giá thành cao hơn các dạng dùng khác và cần dùng kèm vật tư khác như: bơm, kim tiêm, dây truyền dịch.
2. Dạng thuốc uống
- Hoạt chất thường dùng là Paracetamol (với các biệt dược quen thuộc như Efferalgan, Hapacol, Panadol, Tylenol...) và Ibuprofen (với các biệt dược có trên thị trường như Brufen, Gofen, Sotstop...) hay viên kết hợp paracetamol với ibuprofen như Alaxan...
- Ưu điểm của dạng thuốc uống là cách sử dụng thuốc đơn giản, thuận tiện, dễ sử dụng. Nhìn chung, dạng dùng này an toàn hơn đường tiêm với dạng bào chế sẵn có và giá thành tương đối rẻ.
- Nhược điểm: Sự hấp thu thuốc chịu nhiều yếu tố tác động như tình trạng sinh lý, cách uống thuốc, các thuốc dùng kèm, đồ ăn, thức uống dùng gần với thời điểm uống thuốc... và thời gian có tác dụng chậm hơn đường tiêm.
- Dạng dùng này có cả dạng viên uống (viên nén, viên nang, viên sủi bọt), dạng gói bột và dạng siro. Mỗi dạng dùng có những ưu nhược điểm và lưu ý sử dụng riêng:
+ Dạng siro: hấp thu nhanh hơn thuốc viên,thường có mùi thơm và vị ngọt dễ uống, giảm kích ứng đường tiêu hóa và phù hợp cho trẻ nhỏ, tuy nhiên dạng thuốc này khó bảo quản và vận chuyển hơn, thông thường có thời gian sử dụng sau khi mở nắp khá ngắn và một số sản phẩm cần bảo quản ở nhiệt độ mát trong tủ lạnh. Dạng thuốc này có độ nhớt khá cao do đó cha mẹ nên pha loãng với nước để trẻ dễ uống và tăng hấp thu thuốc. Dạng thuốc này cũng dễ chia liều hơn dạng viên.
+ Dạng gói bột pha thành dung dịch hoặc hỗn dịch uống, dạng viên sủi bọt: cũng gần tương tự như dạng siro, dễ chia liều, dễ uống và dễ hấp thu, phù hợp với trẻ nhỏ không hoặc chưa có khả năng nuốt nguyên viên.
+ Dạng viên nén hoặc viên nang: dễ đóng gói, bảo quản và vận chuyển, với trẻ nhỏ dùng dạng thuốc này cần nghiền nhỏ hoặc chọc nang để lấy thuốc và việc lấy chính xác liều thuốc không chính xác. Dạng thuốc này chỉ phù hợp cho trẻ lớn, dùng nguyên viên.
3. Dạng thuốc đặt hậu môn
- Hoạt chất thường dùng là Paracetamol với biệt dược hay dùng như Efferalgan suppo nhiều hàm lượng.
- Ưu điểm: Dạng thuốc này thích hợp cho những trẻ khó hoặc không uống được thuốc như trẻ nhỏ, nôn nhiều, tắc ruột, hôn mê... Ngoài ra, dạng dùng này cũng tránh được mùi vị khó chịu, kích ứng đường tiêu hóa, tránh được tác động của dịch vị và hệ men ở đường tiêu hóa.
- Nhược điểm: Dạng thuốc này hấp thu khá thất thường, phụ thuộc nhiều yếu tố như bản chất của hoạt chất, tá dược, kỹ thuật bào chế, sinh lý trực tràng... Các thuốc này khó bảo quản hơn các dạng dùng còn lại, dễ chảy ở nhiệt độ từ 37 độ trở lên, nên thường được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, đặc biệt trước khi sử dụng. Dạng bào chế này thường có giá thành đắt hơn dạng thuốc uống. Với những trẻ đang bị táo bón, tiêu chảy hoặc có bệnh lý vùng trực tràng không nên sử dụng dạng thuốc này.
4. Cha mẹ cần lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ
- Thuốc dùng cho trẻ em thường được tính liều theo cân nặng của trẻ, cụ thể như:
+ Liều dùng của paracetamol là 10-15mg/kg/ lần, các lần cách nhau 4-6 giờ, liều tối đa một ngày là 75mg/kg nhưng không quá 4g/ ngày. Liều thuốc được tính cho tất cả các đường dùng và dạng dùng.
+ Liều dùng của ibuprofen là 4-10 mg/kg/ lần, các lần cách nhau 6-8 giờ, liều tối đa một ngày là 40mg/kg nhưng không quá 2400mg/ ngày
- Thuốc hạ sốt có nhiều biệt dược có chứa cùng hoạt chất nên cần thận trọng, tránh dùng đồng thời nhiều biệt dược gây quá liều, ngộ độc thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Dược lâm sàng, Uptodate