Chỉ số đường huyết lúc sáng sớm có gì đặc biệt?

Chỉ số đường huyết lúc sáng sớm cung cấp những dấu hiệu quan trọng về cách cơ thể một người đang xử lý lượng đường trong máu. Lượng đường trong máu có xu hướng đạt đỉnh khoảng 1 giờ sau khi ăn và giảm dần vào những giờ sau đó.

1. Chỉ số đường huyết lúc sáng sớm là gì?

Chỉ số đường huyết lúc sáng sớm (hoặc chỉ số đường huyết đói) là một cận lâm sàng đơn giản nhằm tầm soát và chẩn đoán những trường hợp tiền đái tháo đường, đái tháo đường và đái tháo đường thai kỳ cũng như để theo dõi đáp ứng điều trị của những người đã được chẩn đoán mắc bệnh.

Glucose là một loại đường cần thiết cho cơ thể, tế bào sử dụng glucose giúp cơ thể sản sinh ra năng lượng cần cho các hoạt động thường ngày.

Khi bạn nhịn đói, cơ thể sản sinh ra Glucagon, một loại hormon từ tuyến tụy, làm tăng lượng glucose trong máu. Đối với một cơ thể hoàn toàn bình thường, cơ thể sẽ sản sinh ra Insulin, cũng là một loại hormon tiết ra từ tuyến tụy, tác động lên các mô cơ thể, giúp các tế bào tăng thu nhận Glucose, giúp cân bằng lại sự tăng lượng Glucose máu do Glucagon gây ra. Vì vậy, khi thử đường huyết vào buổi sáng sớm, chỉ số đường huyết của bạn sẽ ở mức thấp nhất, đây là một xét nghiệm vô cùng chính xác trong việc chẩn đoán đái tháo đường.

Ở những người bị đái tháo đường, tiền đái tháo đường cơ chế này bị mất cân bằng, nguyên nhân do tuyến tụy tiết ra không đủ insulin hoặc các mô không còn sự nhạy cảm đối với insulin, dẫn tới tăng đường huyết.

Bên cạnh đó, chỉ số đường huyết buổi sáng cũng vô cùng quan trọng ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán đái tháo đường, giúp người bệnh cũng như bác sĩ theo dõi đáp ứng bệnh với thuốc tốt hơn.

2. Đọc kết quả đường huyết

Để chuẩn bị cho việc thử đường huyết vào sáng sớm đạt kết quả chính xác nhất, bạn cần nhịn ăn và nhịn uống (trừ uống nước) từ 8 tới 12 tiếng. Bạn sẽ được lấy máu và đem đi xét nghiệm. Kết quả thường được trả nhanh, chỉ trong vòng vài giờ. Để được chính xác nhất, bạn có thể cần phải thử máu 2 lần cách nhau 2-3 ngày để có những kết luận chính xác.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới lượng đường trong máu mà bạn cần tránh hoặc báo cho bác sĩ biết bao gồm:

  • ThuốcCorticosteroid
  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc tránh thai
  • Liệu pháp hormone
  • Thuốc Aspirin (Bufferin)
  • Thuốc chống loạn thần
  • Liti
  • Epinephrine (Adrenalin)
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs)
  • Phenytoin
  • Thuốc sulfonylurea
  • Căng thẳng nghiêm trọng cũng có thể gây ra sự gia tăng tạm thời lượng glucose trong máu của bạn: sau phẫu thuật, chấn thương, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Kết quả của chỉ số đường huyết lúc sáng sớm:

  • Bình thường: 3.9 tới 5.4 mmol/l (70 – 99 mg/dL)
  • Tiền đái tháo đường hoặc rối loạn đường huyết đói: 5.5 tới 6.9 mmol/l (100 – 125 mg/dl)
  • Đái tháo đường: 7.0 mmol/L (126 mg/dL) hoặc cao hơn.
  • Hạ đường huyết: dưới 3.9 mmol/L (< 70 mg/dL)

Nếu kết quả của bạn cho thấy mức đường huyết cao hơn bình thường, điều đó có nghĩa là bạn đã hoặc đang có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Mức đường huyết cao cũng có thể là một dấu hiệu của một số bệnh lý khác như:

  • Cường giáp
  • Rối loạn chức năng tuyến tụy
  • Stress do phẫu thuật, bệnh rất nặng hoặc chấn thương

Nếu bạn bị đái tháo đường, mức đường huyết thấp hơn bình thường có thể do:

  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường
  • Ăn không đủ, đặc biệt là sau khi dùng thuốc đái tháo đường
  • Hoạt động thể chất nhiều hơn bình thường

Nếu bạn không bị đái tháo đường, mức đường huyết thấp có thể là dấu hiệu của:

  • Bệnh gan
  • Bệnh thận
  • Tuyến thượng thận, tuyến yên hoặc tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp)
  • Rối loạn sử dụng rượu

3. Tầm soát đái tháo đường

Một số người sẽ có nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn những người khác và cần phải tầm soát chỉ số đường huyết sáng sớm bao gồm:

  • Những người thừa cân hoặc béo phì.
  • Người từ 45 tuổi trở lên cần tầm soát đường huyết ít nhất 1 lần mỗi năm.
  • Những người có người thân trực hệ mắc bệnh đái tháo đường (chẳng hạn như cha mẹ, con cái hoặc anh chị em ruột).
  • Các cá nhân là người da đen, thổ dân Alaska, da đỏ, người Mỹ gốc Á, người gốc Tây Ban Nha/ Latino, người Hawaii bản địa, người dân đảo Thái Bình Dương.
  • Những người có đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con nặng cân (từ 4kg trở lên).
  • Người bị tăng huyết áp (140/90 hoặc cao hơn).
  • Những người có mức HDL-c, một protein vận chuyển mỡ máu, dưới 25 mg/dl hoặc nồng độ triglyceride trên 250mg/ dl.
  • Người bị rối loạn glucose lúc đói hoặc rối loạn dung nạp glucose.
  • Người không hoạt động thể chất; tham gia tập thể dục ít hơn 3 lần một tuần.
  • Người bị hội chứng buồng trứng đa nang, còn được gọi là PCOS.
  • Những người có gai đen (acanthosis nigricans), là vùng da sẫm màu, dày và mượt quanh cổ hoặc nách.

4. Triệu chứng của lượng đường huyết cao hoặc thấp

Lượng đường trong máu quá thấp (tình trạng hạ đường huyết) có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:

  • Run rẩy, đổ mồ hôi, mệt mỏi
  • Cảm thấy bồn chồn
  • Khó tập trung
  • Da nhợt nhạt
  • Trong những trường hợp nghiêm trọng, lượng đường trong máu quá thấp có thể gây ra co giật, mất ý thức, lú lẫn, nếu kéo dài có thể gây tổn thương não.

Lượng đường trong máu cao hoặc tăng đường huyết, chỉ số đường huyết sáng sớm cao có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Tăng cảm giác đói hoặc khát
  • Đi tiểu nhiều
  • Sụt cân không rõ nguyên do
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Cũng như lượng đường trong máu thấp, lượng đường trong máu cao có thể gây mất ý thức hoặc co giật nếu không được điều trị. Lượng đường trong máu cao liên tục có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng liên quan đến bệnh đái tháo đường, chẳng hạn như bệnh tim mạch.

5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào về chỉ số đường huyết sáng sớm đều cần đến bác sĩ. Những người mắc bệnh đái tháo đường và những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường nên gặp bác sĩ khi:

  • Lượng đường trong máu trở nên cao hoặc thấp bất thường
  • Mức đường huyết được quản lý tốt đột nhiên bắt đầu dao động
  • Các triệu chứng mới hoặc trầm trọng hơn của bệnh đái tháo đường
  • Thay đổi thuốc của hoặc ngừng sử dụng
  • Huyết áp cao bất thường
  • Nhiễm trùng hoặc vết loét sẽ không lành

Bệnh đái tháo đường cần được theo dõi liên tục và việc điều trị có thể thay đổi theo thời gian. Thông tin về chế độ ăn uống và tập thể dục là rất quan trọng để bác sĩ vạch ra một kế hoạch điều trị thích hợp cho từng cá nhân.

Để kiểm soát bệnh đái tháo đường, điều quan trọng là phải theo dõi và duy trì mức đường huyết lúc sáng sớm thật ổn định. Đối với những người bị tiền đái tháo đường, quản lý lượng đường trong máu có thể giúp đảo ngược tình trạng và ngăn ngừa sự phát triển của bệnh đái tháo đường.

Những người bị đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường cần phải kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên và ghi lại kết quả. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi hoặc triệu chứng bất thường nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe