Chỉ số CA125 tăng trong trường hợp nào?

Xét nghiệm CA125 thường được chỉ định trong một số trường hợp nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Vậy chỉ số CA125 bình thường là bao nhiêu? CA125 tăng trong trường hợp nào?

1. Xét nghiệm CA125 là gì?

CA125 có cấu trúc là 1 glycoprotein, được phát hiện lần đầu năm 1981. Đây là 1 chất chỉ điểm có độ chính xác cao với các khối u biểu mô không nhầy của buồng trứng. Chất chỉ điểm khối u này có độ nhạy và đặc hiệu cao đối với bệnh ung thư buồng trứng, giúp ích cho bác sĩ trong việc chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.

Xét nghiệm CA 125 (carcinama antigen) là xét nghiệm kiểm tra nồng độ CA125 trong máu.

2. Chỉ số xét nghiệm CA125 tăng trong trường hợp nào?

Ở người khỏe mạnh bình thường, chỉ số CA 125 thường duy trì ở mức dưới 35 UI/ml.

Vậy chỉ số CA125 tăng trong trường hợp nào? Cụ thể, chỉ số Ca 125 sẽ tăng cao trong các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư tử cung và ung thư phổi. Nếu chỉ số CA 125 tăng tới trên 65 UI/ml thì tiên lượng lên tới 90% là u ác tính.

Ngoài ra, có một số trường hợp cá biệt cũng khiến nồng độ CA125 trong cơ thể phụ nữ tăng cao. Đó là:

  • Phụ nữ trong những ngày có kinh nguyệt hay đang mắc các bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, viêm nhiễm âm đạo hoặc mắc một số bệnh lành tính như viêm tụy, viêm gan, viêm phần phụ,... cũng có chỉ số CA125 cao hơn bình thường;
  • Phụ nữ mang thai có chỉ số CA125 cao nhất trong tam cá nguyệt đầu tiên - 3 tháng đầu của thai kỳ. Chỉ số CA 125 lúc này thường ở khoảng 16 - 268 UI/mL. Sang tam cá nguyệt thứ 2 còn 12 - 25 UI/ml; tam cá nguyệt thứ 3 là 17 - 44 UI/ml;
  • Các tình trạng khác: Ung thư tuyến tụy, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư ống dẫn trứng, ung thư biểu mô phúc mạc, viêm phúc mạc, viêm màng trong tim,...

Do đó, để phân biệt được các trường hợp nồng độ CA 125 trong huyết tương tăng cao là do ung thư hay không do ung thư, bệnh nhân cần được theo dõi sự biến đổi chỉ số này khoảng thời gian tối thiểu là 2 tuần - 1 tháng.

3. Khi nào nên làm xét nghiệm CA 125?

Ở người khỏe mạnh bình thường, nồng độ CA 125 trong máu thấp. CA 125 tăng trong nhiều loại bệnh ung thư. Vì vậy, xét nghiệm này thường được sử dụng cho những bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng. Nhìn chung, mục đích khi thực hiện xét nghiệm CA 125 là:

  • Tầm soát ung thư buồng trứng ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh;
  • Hỗ trợ chẩn đoán hoặc loại trừ bệnh ung thư;
  • Theo dõi hiệu quả điều trị ung thư;
  • Kiểm tra sự tái phát của bệnh ung thư sau khi điều trị.

Có tới 50 - 70% bệnh nhân ung thư buồng trứng có nồng độ CA 125 trong máu tăng cao. Tuy nhiên, chỉ số CA 125 tăng cũng không đồng nghĩa với việc bệnh nhân bị ung thư buồng trứng. Đồng thời, chỉ số CA125 bình thường cũng không loại trừ khả năng bệnh nhân mắc ung thư vì có tới 30 - 50% bệnh nhân ung thư buồng trứng có nồng độ CA 125 không cao. Trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư buồng trứng nhưng CA125 vẫn bình thường thì có thể làm thêm các xét nghiệm HE4, CEA, CA19-9.

4. Xét nghiệm CA125 được thực hiện như thế nào?

Khi thực hiện xét nghiệm CA 125, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của bệnh nhân bằng cách đâm kim vào tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cánh tay. Mẫu máu sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Đây là xét nghiệm đơn giản, an toàn, không cần chuẩn bị gì và người bệnh có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường sau khi lấy máu.

Chỉ có một số rủi ro chung cho các xét nghiệm máu là: Khó lấy mẫu máu dẫn tới đâm kim nhiều lần, chảy máu ở nhiều vị trí lấy máu, choáng váng hay ngất xỉu vì mất máu hoặc nhiễm trùng. Tuy nhiên, các rủi ro này cũng cực kỳ hiếm gặp.

Có thể thấy xét nghiệm CA125 có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị bệnh ung thư buồng trứng và một số bệnh ung thư khác. Tuy nhiên, vì có nhiều yếu tố có thể làm tăng chỉ số CA125 nên cần theo dõi và đánh giá lại kết quả xét nghiệm này để đảm bảo tính chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe