Hiện nay, phẫu thuật thay khớp vai ngày càng trở nên phổ biến, nhờ kỹ thuật này mà nhiều bệnh nhân đã dần phục hồi lại chức năng ở khớp vai và trở lại cuộc sống bình thường. Vậy những trường hợp nào cần chỉ định thay khớp vai?
1. Chỉ định thay khớp vai
Trong số những nguyên nhân khiến khớp vai hư hỏng thì thoái hóa khớp và gãy xương phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay là phổ biến nhất:
- Thoái hóa khớp vai có hai loại là thoái hóa khớp vai thứ phát (do bệnh lý như sau chấn thương, viêm khớp dạng thấp...) và thoái hóa khớp vai nguyên phát (thường do yếu tố tuổi tác). Trong hai loại trên thì thoái hóa khớp vai thứ phát phổ biến hơn. Tổn thương ở khớp vai chủ yếu là do chấn thương. Nếu thoái hóa khớp vai ở mức độ nặng, khó kiểm soát các cơn đau, hoặc khớp vai không thể cử động được thì bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân cân nhắc thay khớp vai.
- Đối với trường hợp bị gãy xương phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay hoặc gãy chỏm và cổ xương cánh tay, bác sĩ sẽ xem xét mức độ tổn thương và đề nghị người bệnh cân nhắc thay khớp vai.
Như vậy, thay khớp vai vai bằng phương pháp phẫu thuật được xem xét tiến hành khi khớp vai bị tổn thương nặng, ảnh hưởng đến khả năng cử động của khớp và các chi khác, đồng thời khiến người bệnh khó chịu vì những cơn đau xuất hiện mỗi ngày. Chỉ định thay khớp vai cần phải dựa vào đánh giá về chuyên môn của bác sĩ cũng như mong muốn, nguyện vọng của người bệnh.
2. Quy trình phẫu thuật thay khớp vai
2.1. Trước khi phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết trước toàn bộ quá trình mổ thay khớp vai được thực hiện như thế nào. Điều này sẽ giúp bệnh nhân an tâm và có thể phối hợp tốt hơn với bác sĩ trước, sau và trong suốt quá trình phẫu thuật.
Đồng thời, bệnh nhân cũng được đề nghị kiểm tra thể chất toàn diện nhằm bảo đảm sức khỏe đang ở trong tình trạng tốt nhất. Nhân viên y tế sẽ lưu lại thông tin tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Từ cơ sở này, bác sĩ chuyên khoa sẽ so sánh và kiểm tra mức độ cơn đau ở hiện tại, cũng như khả năng thực hiện các cử động cũng như sức mạnh của mỗi vai.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra trước khi mổ thay khớp vai chính là bước chuẩn bị cho phẫu thuật, giúp bác sĩ dự liệu được bất kỳ tình huống hoặc vấn đề nào có nguy cơ xảy ra khi bệnh nhân xuất viện về nhà.
Bệnh nhân không nên ăn và uống sau nửa đêm vào ngày trước khi mổ thay khớp vai. Đồng thời cần thu xếp để ở lại bệnh viện trong vài đêm, thời gian nhập viện sẽ được bác sĩ yêu cầu cụ thể tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người bệnh.
2.2. Quá trình phẫu thuật
- Bác sĩ sẽ tiến hành gây mê kết hợp gây tê vai và cánh tay để giảm đau kéo dài sau mổ cho người bệnh.
- Kế đó, bác sĩ sẽ rạch một vết trên mặt trước của vai để tiếp cận vào khớp vai. Cụ thể là rạch da, tách cơ Delta, vén cơ và thần kinh mạch máu sang 1 bên, cắt vào bao khớp để có thể để nhìn thấy được khớp.
- Phần chỏm xương cánh tay sẽ được lấy ra bằng một cái cưa xương y khoa chuyên dụng.
- Tiếp theo, bác sĩ sẽ quan sát lòng tủy xương cánh tay và lựa chọn kích thước dụng cụ nhân tạo phù hợp đặt vào xương cánh tay.
- Những phần sụn bị hư của ổ chảo xương ở cánh tay sẽ được mài bỏ. Bác sĩ sẽ tiến hành khoan lỗ phù hợp để đặt phần ổ chảo nhân tạo vào.
- Buổi phẫu thuật sẽ được hoàn thành bằng việc đặt phần xương cánh tay và ổ chảo vào, sau đó nối vào chỏm khớp.
- Trước khi kết thúc buổi phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra thật kỹ độ vừa vặn của khớp. Nếu hài lòng với độ vừa khít thì sẽ khâu bao khớp lại với nhau. Các cơ ở vùng phẫu thuật cũng trả về vị trí chính xác như cũ. Cuối cùng là tiến hành khâu da lại.
2.3. Sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hồi sức. Mỗi ngày, nhân viên y tế sẽ chăm sóc vết mổ và thay băng vai thường xuyên. Để giúp cho máu và chất lỏng không tụ lại trong khớp, bác sĩ có thể đặt một ống dẫn lưu nhỏ vào khớp vai. Đồng thời, một đường truyền tĩnh mạch (IV) cũng được đặt trong cánh tay để cung cấp thuốc và kháng sinh cho người bệnh.
Trong vài trường hợp, bác sĩ có thể đặt vai của bệnh nhân vào máy chuyển động thụ động liên tục CMP ngay sau khi phẫu thuật. Máy sẽ hỗ trợ vai di chuyển nhẹ nhàng và hạn chế khớp bị cứng. Nếu không sử dụng máy chuyển động thụ động liên tục CPM, người bệnh sẽ dùng dây đeo vai để hỗ trợ cánh tay và vai.
3. Quá trình hồi phục chức năng
Sau khi mổ thay khớp vai, bạn nên gặp và trao đổi với chuyên viên vật lý trị liệu để có thể bắt đầu chương trình phục hồi chức năng ở khớp vai, giúp bạn dần hồi phục lại các cử động của vai. Nhằm đảm bảo tính an toàn khi bạn bước ra khỏi giường và di chuyển xung quanh, các bác sĩ cần phải kiểm tra và đánh giá tình trạng khớp vai của bạn thông qua một số bài tập.
Bạn vẫn có thể được các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám và đánh giá khớp vai sau khi đã xuất viện về nhà, được gọi là giai đoạn điều trị ngoại trú.
Khi vai của bạn đã khá hơn thì có thể bắt đầu thực hiện 1 vài động tác nhẹ mô phỏng lại hoạt động hàng ngày, như mặc quần áo, chải tóc,... Đến lúc khớp vai đã được cải thiện, người bệnh có thể dần trở lại cuộc sống với những hoạt động cơ bình thường. Nếu khớp vai hồi phục tốt hơn nữa, người bệnh có thể khôi phục lại tất cả các cử động như trước. Tuy nhiên, vẫn nên tuân thủ các lưu ý từ bác sĩ và tránh các việc nặng hoặc động tác khiến vai phải lặp lại nhiều lần.
Sau khi phẫu thuật thay khớp vai, bệnh nhân nên chú ý chế độ dinh dưỡng, cố gắng thực hiện các bài tập trị liệu nhằm phục hồi chức năng và hạn chế vận động mạnh. Ngoài ra, cần kiểm tra khớp vai định kỳ để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp hư hỏng, hao mòn khớp vai, đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.