Chỉ định chụp X Quang cột sống

Có nhiều kỹ thuật khảo sát hình ảnh cột sống gồm có: X quang quy ước, CT, MRI... Mỗi kỹ thuật đều có ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay chụp X quang cột sống được xem là chỉ định cơ bản nhất trong nhiều bối cảnh lâm sàng riêng biệt.

1. Giải phẫu cột sống con người

Giải phẫu cột sống con người bao gồm 7 đốt sống cổ (C1-C7), 12 đốt sống ngực (D1-D12), 5 đốt sống lưng (L1-L5), 5 đốt sống cùng (S1-S5), 4 đốt sống cụt.

Mỗi đoạn đốt sống sẽ những hình dạng, đặc điểm khác nhau nhưng cấu tạo chung của mỗi đốt sống cơ bản sẽ bao gồm các cấu trúc như thân đốt sống, cuống sống, mỏm ngang, mỏm gai, mỏm khớp...

Để khảo sát hình ảnh cột sống chi tiết, toàn diện nhất thì cần chụp X quang cột sống ở nhiều tư thế khác nhau, bao gồm:

Chụp cột sống cổ bao gồm các tư thế chụp thẳng, nghiêng, chếch, há miệng, gập-ưỡn và mỗi tư thế có những ưu điểm khác nhau:

Các đốt sống còn lại (ngực, thắt lưng, cùng, cụt) thường chụp X quang cột sống cơ bản là chụp thẳng và chụp nghiêng.


Hình ảnh giải phẫu cột sống thắt lưng
Hình ảnh giải phẫu cột sống thắt lưng

2. Một số bệnh thường gặp khi chụp X quang cột sống

Chụp X quang cột sống là phương tiện chẩn đoán hình ảnh được chỉ định đầu tiên để đánh giá những bất thường ở cột sống. Thông qua hình ảnh cột sống trên phim X quang giúp bác sĩ chẩn đoán được một số bệnh lý sau:

Chụp X quang đốt sống cổ, đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng, đốt sống cùng, đốt sống cụt ở các tư thế chụp thẳng, chụp nghiêng:

  • Phát hiện các bệnh lý như thoái hoá cột sống, vỡ thân sống, trượt hoặc xẹp đốt sống...
  • Dị tật bẩm sinh như gù vẹo cột sống, gai đôi, dính thân đốt sống...
  • Một số bệnh lý khác như u nguyên phát hoặc di căn, lao cột sống...

Chụp X quang cột sống cổ tư thế chếch 3⁄4: Chụp chếch là tư thế khi tia X chiếu chếch 45 độ so với bình diện thẳng của cột sống. Tư thế đặc biệt này giúp phát hiện tình trạng hẹp lỗ ghép khi lâm sàng bệnh nhân có dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh hoặc chèn ép động mạch đốt sống.

Chụp X quang cột sống cổ tư thế há miệng: Kỹ thuật đặc biệt giúp chẩn đoán gãy mỏm nha ở đốt sống cổ C1 và C2.


Thoái hóa cột sống là bệnh lý thường gặp về cột sống
Thoái hóa cột sống là bệnh lý thường gặp về cột sống

3. Chỉ định của phương pháp chụp X Quang cột sống

Chỉ định chụp X quang cột sống rất đa dạng, hay gặp nhất là bệnh nhân đau vùng cột sống tương ứng trong các bệnh lý hay gặp như: thoái hóa cột sống hoặc hình dạng cột sống thay đổi bất thường... Một số chỉ định của X quang cột sống bao gồm:

3.1. Dị dạng cột sống

  • Cong vẹo cột sống: Trên phim X quang cột sống tư thế thẳng, hình ảnh cột sống bị lệch trục, một số đốt sống bị xoay trục hoặc thân sống biến dạng kiểu hình chêm;
  • Gù đốt sống: Thường phát hiện khi chụp X quang cột sống tư thế nghiêng khi đường cong cột sống thay đổi lồi ra sau;
  • Dị dạng cột sống do rối loạn chuyển tiếp: Một số bất thường có thể phát hiện được như 8 đốt sống cổ, còn xương sườn ở C7 (gây chèn ép thần kinh cánh tay), đốt sống D12 thắt lưng hóa, thắt lưng hóa S1 hoặc cùng hóa L5...
  • Gai đôi: Thường do quá trình cốt hóa xương không hoàn chỉnh, hay gặp ở đốt sống L5 hoặc S1 khi hình ảnh mỏm gai tách đôi.
  • Hở eo: Nguyên nhân tương tự gãy đôi, do cốt hóa không hoàn thiện phần cung sau đốt sống, thường gặp ở 2 đốt sống L4 và L5. Trên phim X quang cột sống tư thế chếch 3/4 xuất hiện hình ảnh đặc trưng “đứt cổ chó”. Bệnh lý này thường gây biến chứng trượt đốt sống ra trước.
  • Dính hai thân đốt bẩm sinh: Để phân biệt dính thân sống thứ phát (do lao), dính 2 thân sống bẩm sinh ở cả phần khe đĩa đệm và phần cung sau, đồng thời cột sống không gù vẹo do không có hiện tượng phá hủy thân sống.

Gù đốt sống là một dạng dị dạng cột sống
Gù đốt sống là một dạng dị dạng cột sống

3.2. Bệnh thoái hoá cột sống

Thoái hóa cột sống là bệnh lý thoái hóa xương khớp rất hay gặp, đặc biệt là người trên 40 tuổi. Cơ chế gây thoái hoá cột sống bao xơ quanh đĩa đệm thoái hóa theo thời gian, do đó đĩa đệm phồng lên và lồi ra bên ngoài, các dây chằng bị kéo giãn và hình thành các gai xương do đóng vôi quanh đĩa đệm. Các đặc điểm của thoái hóa trên phim X quang cột sống bao gồm:

  • Khe đĩa đệm ít thay đổi thời gian đầu nhưng lâu dần cũng bị hẹp do thoái hóa xương dưới sụn;
  • Gai xương ở các thân sống, hay gặp ở đốt sống cổ và thắt lưng;
  • Cầu xương: Hiện tượng này xảy ra khi 2 gai xương hai gần nhau dính vào nhau;
  • Xơ hóa xương dưới sụn với hình ảnh cột sống có đường mờ đậm ở bờ trên và bờ dưới thân sống.

3.3. Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xảy ra do thoát vị nhân nhầy đĩa đệm do rách bao xơ bên ngoài và gây chèn ép ống tủy, rễ thần kinh. Bệnh hay gặp ở cột sống thắt lưng hoặc cột sống cổ nhưng hiếm gặp ở cột sống ngực.

Chụp X quang cột sống quy ước thường khó phát hiện được thoát vị đĩa đệm. Khi đó bệnh nhân có thể được chỉ định chụp X quang bao rễ thần kinh với các hình ảnh sau:

  • Thoát vị đĩa đệm thể trung tâm: Hình ảnh cắt cụt hoàn toàn thuốc cản quang ở ngang đĩa đệm bị thoái hóa;
  • Thoát vị đĩa đệm loại lệch bên: Chụp X quang bao rễ thần kinh tư thế chếch 3⁄4 có hình ảnh cột thuốc cản quang khuyết lõm vị trí thoát vị.

Thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh
Thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh

3.4. Chấn thương cột sống

Chấn thương cột sống có thể phát hiện khi chụp X quang cột sống, hay gặp do tai nạn giao thông, sinh hoạt hoặc tai nạn lao động... Hình ảnh cột sống ghi nhận được có các đặc điểm sau:

  • Vỡ thân sống: Đường gãy ngang thân sống;
  • Xẹp thân sống: Chiều cao thân đốt sống giảm, xẹp xuống. Đốt sống bị xẹp thường tăng đậm độ hơn bình thường, đa số thấy thân sống dạng hình chêm;
  • Trượt thân sống: Có thể trượt ra trước, ra sau hoặc sang bên. Trượt đốt sống có thể gây biến chứng nguy hiểm là chèn ép hoặc cắt đứt tủy hoàn toàn;

Các trường hợp đặc biệt khác hay gặp như: gãy mỏm nha C2, gãy mỏm ngang ở đốt sống thắt lưng, gãy cung sau và gãy mỏm gai ít gặp hơn.

3.5. Lao cột sống

Trong các bệnh lý lao xương khớp thì lao cột sống chiếm tỷ lệ cao nhất, hay gặp ở các đốt sống D9-D10 và L1-L2. Hình ảnh cột sống ở bệnh lý này thường trải qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn sớm: Hẹp khe đĩa đệm thấy được cả trên phim X quang cột sống thẳng và nghiêng. Lúc đầu có thể hẹp khe đĩa đệm còn kín đáo nên cần so sánh với đốt sống lân cận.
  • Giai đoạn toàn phát: Hẹp khe đĩa đệm kèm hình ảnh cột sống bị phá hủy do lao tấn công vào thân sống. Thân sống có các đặc điểm bờ nham nhở, hình chêm và gây biến dạng đường cong sinh lý (gù cột sống);
  • Giai đoạn hồi phục và di chứng: Lao cột sống làm các đốt sống dính liền nhau, mất khe đĩa đệm.

Hình ảnh bệnh lao cột sống
Hình ảnh bệnh lao cột sống

3.6. Bệnh viêm cột sống dính khớp

Bệnh viêm cột sống dính khớp thường khởi phát quá trình viêm khớp cùng-chậu, sau đó diễn tiến đến giảm đậm độ ở các đốt sống. Khoảng 3 năm sau bệnh diễn tiến sang giai đoạn mới, các dây chằng bị vôi hoá, dính các khớp cột sống. Hình ảnh cột sống khi các dây chằng dọc trước, liên gai, dây chằng bên bị vôi hóa hay gặp là hình “cột sống cây tre” hoặc “đường ray xe lửa”.

Chụp X-quang cột sống rất quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác những căn bệnh liên quan tới cột sống, điểm tựa vững chắc, dẻo dai của cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe của bản thân, để bác sĩ nắm rõ và có chỉ định rõ ràng trước khi tiến hành chụp X-quang cột sống, tránh gặp những hậu quả không đáng có sau này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe