Một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra đau lưng là do bệnh lao xương cột sống. Việc quan trọng nhất của bệnh lý này là phát hiện sớm và điều trị kịp thời để giúp giảm thiểu tối đa các biến chứng nặng nề của bệnh gây ra.
1. Lao cột sống là gì?
Lao cột sống hay còn gọi bệnh hủy xương sống do lao. Đây là một dạng bệnh lý do vi khuẩn lao gây ra ngoài phổi và là dạng lao thường gặp nhất trong hệ vận động. Trong các bệnh lý lao ngoài phổi như lao thận, lao màng bụng, lao màng não thì lao hệ thống xương khớp chiếm khoảng 1/5 các trường hợp. Lao cột sống luôn chiếm hàng đầu trong lao xương khớp, chiếm từ 25 – 87% tùy thời điểm nghiên cứu và thống kê. Riêng ở Việt Nam, bệnh lao xương cột sống chiếm khoảng 65% các trường hợp lao hệ xương khớp. Nếu như trước đây bệnh này là một thách thức điều trị ở Việt Nam thì hiện nay, với sự phát triển của hệ thống y tế, chúng ta đã có thể chữa khỏi lao cột sống trong hầu hết trường hợp phát hiện sớm khi chưa xuất hiện biến chứng nghiêm trọng.
2. Lao cột sống hình thành ở đâu và như thế nào?
Lao cột sống hình thành có thể do nguyên nhân nguyên phát hoặc nguyên nhân thứ phát. Nguyên nhân gây bệnh chính vẫn là do vi khuẩn lao, tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis hominis. Vi trùng lao là loại vi khuẩn ái khí, do đó chúng thường trú ngụ và phát triển tại nơi có nhiều oxy, vi khuẩn lao thường có xu hướng phá hủy thân đốt sống – nơi có nhiều mạch máu và giàu oxygen – chiếm tỉ lệ khoảng 95%. Một số rất ít trường hợp vi khuẩn lao gây tổn thương ở cung sau đốt sống (tỉ lệ dưới 5%). Hiện nay, bệnh này gặp đa số ở người lớn mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là lứa 21 – 30 tuổi và 41 – 50 tuổi.
Vị trí đốt sống dễ bị nhiễm lao:
- Đốt sống cổ là đốt sống có tỷ lệ nhiễm lao thấp nhất: Khoảng 4%.
- Lao cột sống vùng ngực và thắt lưng chiếm đa số: Khoảng 96%. Nhiều nhất chính là cột sống ngực, với tỉ lệ chiếm gần 80%. Lao cột sống xảy ra nhiều nhất từ các đốt sống ngực bảy đến đốt sống thắt lưng ba.
3. Dấu hiệu của bệnh lao cột sống
Đây là bệnh lý mạn tính, các thân đốt sống bị phá hủy một cách âm thầm, do đó các biểu hiện của bệnh xuất hiện rất chậm trễ. Các triệu chứng nhiễm trùng của bệnh cũng tương tự như lao phổi, bao gồm: sốt nhẹ về chiều, chán ăn, sụt cân, dễ mỏi mệt...
Các biểu hiện tại chỗ của bệnh bao gồm:
- Đau nhức
Đau thường âm ỉ lúc đầu, tính chất cơn đau sẽ gia tăng về chiều đến về đêm, khu trú tại đốt sống bị tổn thương, vận động đi lại đau sẽ tăng thêm. Cơn đau thường khu trú ở một, hai đốt sống.
Đặc biệt, cơn đau sẽ càng ngày càng tăng đối với thể bệnh lao vùng thắt lưng. Đau thắt lưng có thể dữ dội hơn nhiều cơn đau do chèn ép thần kinh tọa gây ra và hay được gọi là đau giả thần kinh tọa. Đây là một ám ảnh lớn của bệnh nhân mắc lao cột sống vùng thắt lưng.
- Teo cơ vùng chi dưới
Triệu chứng teo một hay hai chân xuất hiện nhanh do chèn ép rễ thần kinh vùng cẳng chân. Nếu thấy teo hai chân đồng bộ thì có thể do chèn ép tuỷ sống và xuất hiện chậm hơn.
- Rối loạn biến dưỡng da, lông, móng
Lao cột sống còn dẫn đến tình trạng rối loạn biến dưỡng da, lông, móng do chèn ép tủy sống.
- Áp xe cột sống do lao
Bệnh nhân thường xuất hiện một khối phồng lên ở vị trí trong ổ bụng dưới. Khi khối áp xe lớn sẽ chui qua dây chằng bẹn, xuống đùi. Áp xe vùng cổ rất ít gặp, nằm trên vùng ức – cổ hay trên xương đòn. Biến chứng rò mủ xảy ra khi khối áp xe quá lớn, gây bể và chảy mủ ra da. Chỗ rò mủ rất khó lành nếu bệnh nhân không được chẩn đoán ra biến chứng áp xe do lao cột sống và điều trị kháng lao đúng mức.
- Liệt vận động hai chân
Thường thấy hơn liệt vận động tứ chi, đa phần do lao cột sống ngực thấp. Liệt vận động tứ chi hay liệt cả hai chân là biến chứng nặng nhất có thể đưa đến tử vong.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.