Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Cơ thể bạn trải qua rất nhiều thay đổi khi mang thai. Và những thay đổi đó không nhất thiết sẽ dừng lại sau khi bạn đã sinh xong. Cơ thể bạn cần có thời gian để hồi phục nên có một số triệu chứng vẫn tồn tại trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau khi sinh. Một trong những triệu chứng đó là chảy máu sau sinh.
1. Tại sao tôi bị chảy máu nhiều sau sinh?
Máu bạn nhìn thấy sau khi sinh con được gọi là sản dịch (lochia). Đó là một loại tiết dịch tương tự như kinh nguyệt của bạn và thường kéo dài trong bốn đến sáu tuần sau khi sinh. Sản dịch thường chứa:
- Máu
- Mảnh niêm mạc tử cung
- Chất nhầy
- Tế bào bạch cầu
Giống như kỳ kinh, hiện tượng chảy máu này là do sự bong tróc và phục hồi của niêm mạc tử cung. Lúc đầu, sản dịch chủ yếu là máu. Sau mấy ngày, bạn có thể sẽ thấy nhiều chất nhầy hơn là máu.
Chảy máu sau khi sinh thường
Trong một đến ba ngày đầu tiên sau khi sinh, máu mà bạn thấy có thể có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Nó có thể có mùi giống như máu bạn thường chảy ra trong kỳ kinh nguyệt. Cũng có thể có một vài cục máu đông, từ kích thước của một quả nho đến kích thước của một quả mận khô.
Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, máu sẽ chuyển sang màu hơi hồng hoặc hơi nâu. Các cục máu đông sẽ nhỏ dần hoặc biến mất.
Vào cuối tuần đầu tiên, dịch tiết có thể sẽ có màu trắng hoặc màu vàng. Trong ba đến sáu tuần, sản dịch sẽ dừng lại.
Chảy máu sau khi sinh mổ
Nếu bạn sinh mổ (mổ lấy thai), bạn có thể sẽ ít sản dịch hơn so với sinh thường sau khi sinh. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ thấy một ít máu trong một vài tuần. Màu sắc của máu sẽ thay đổi từ đỏ sang nâu hoặc vàng hoặc giống như bạn thấy sau khi sinh thường.
2. Chảy máu sau sinh như thế nào là bình thường và bất thường?
Sản dịch bình thường
Máu của bạn sẽ có màu đỏ tươi và bạn có thể thấy một số cục máu đông trong vài ngày đầu sau khi sinh. Lúc đầu, bạn sẽ phải mặc băng vệ sinh hay bỉm dành cho người lớn do bệnh viện cấp. Nhưng bạn sẽ có thể quay lại băng vệ sinh thông thường sau đó.
Bạn có thể bị chảy máu nhiều hơn một chút khi về nhà. Điều này có thể là do bạn đang di chuyển nhiều. Nếu điều này xảy ra, hãy cố gắng đứng yên và nghỉ ngơi một chút.
Đôi khi bạn cảm thấy có máu khi đứng cũng là điều bình thường. Điều này là do hình dáng của âm đạo, máu tụ ở khu vực giống như cốc khi bạn đang ngồi hoặc nằm. Khi bạn đứng, nó sẽ chảy ngược xuống.
Sau khoảng 10 ngày, bạn sẽ thấy máu ra ít hơn. Bạn có thể bị chảy máu nhẹ hoặc ra máu trong tối đa 6 tuần sau khi sinh. Bạn chỉ có thể sử dụng băng vệ sinh trong thời gian này và không được sử dụng tampons, do loại băng vệ sinh này có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Sản dịch bất thường
Ra máu nhiều sau khi sinh được gọi là băng huyết sau sinh, xảy ra ở khoảng. 5% phụ nữ sinh con. Điều này có nhiều khả năng xảy ra trong 24 giờ đầu tiên sau khi sinh. Nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong vòng 12 tuần đầu tiên sau khi bạn sinh con.
Băng huyết sau sinh rất nguy hiểm. Nó có thể làm giảm huyết áp của bạn. Nếu huyết áp quá thấp, các cơ quan của bạn sẽ không nhận đủ máu để nuôi dưỡng và duy trì hoạt động. Đây là một cú sốc và nó có thể gây tử vong. Đó là lý do tại sao, bạn cần đến cơ sở Y tế ngay lập tức nếu thấy các dấu hiệu nào dưới đây:
- Chảy máu đỏ tươi sau ngày thứ ba sau khi sinh
- Cục máu đông lớn hơn quả mận
- Chảy máu thấm nhiều hơn một băng vệ sinh/giờ và không chậm lại hoặc không ngừng
- Nhìn mờ
- Ớn lạnh
- Da toát mồ hôi lạnh
- Tim đập loạn nhịp
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Cảm giác mờ nhạt
3. Nguyên nhân nào gây chảy máu bất thường sau sinh?
Một số nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết sau sinh. Bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu bạn đã từng mắc bệnh này ở lần sinh trước. Vì những lý do không rõ, phụ nữ châu Á và Tây Ban Nha có nhiều khả năng chảy máu nhiều sau sinh hơn các phụ ở quốc gia khác.
Nguyên nhân phổ biến nhất của xuất huyết sau sinh là đờ tử cung (uterine atony). Thông thường, tử cung co bóp sau khi sinh để cầm máu nơi nhau thai bong ra khỏi thành tử cung. Nhau thai là một cơ quan phát triển trong tử cung khi mang thai và nuôi dưỡng em bé của bạn. Trong trường hợp đờ tử cung, tử cung không co bóp tốt như bình thường và điều này có thể gây chảy máu nhiều sau khi sinh.
Bạn có nhiều khả năng bị chảy máu nhiều sau sinh hơn nếu bạn:
- Sinh nhiều con cùng một lúc (ví dụ: sinh đôi)
- Sinh con lớn hơn 8 pound 13 ounce
- Thời gian chuyển dạ kéo dài hoặc quá nhanh
- Đã sinh con vài lần trước đây
- Màng ối bị nhiễm trùng
Mắc các tình trạng khác có thể làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh (postpartum hemorrhage), như:
- Vỡ tử cung - khi tử cung bị rách trong quá trình chuyển dạ
- Sinh mổ - nguy cơ xuất huyết sau sinh mổ cao hơn so với sinh thường
- Rách âm đạo hoặc cổ tử cung khi sinh
- Gây mê toàn thân - biện pháp này có thể được sử dụng nếu bạn sinh mổ
- Oxytocin (Pitocin) - một loại thuốc gây chuyển dạ
- Tiền sản giật - huyết áp cao và có protein trong nước tiểu xuất hiện khi mang thai
- Béo phì
- Các vấn đề ảnh hưởng đến nhau thai
- Mẹ bị rối loạn chảy máu cản trở quá trình đông máu
- Mẹ bị nhiễm trùng trong màng ối dẫn đến nhiễm trùng tử cung
- Khi một phần của nhau thai vẫn còn trong tử cung sau khi sinh
- Tử cung bị lộ ngược ra ngoài
4. Chẩn đoán và điều trị chảy máu nhiều sau sinh
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán băng huyết sau sinh dựa trên quan sát chặt chẽ lượng máu chảy ra. Âm đạo và tầng sinh môn được khám để kiểm tra các vết rách có thể cần được điều trị thêm. Các bác sĩ ấn nhẹ vào bụng của người phụ nữ để cảm nhận tử cung và xác định xem tử cung có săn chắc hay không. Tử cung mềm có thể có nghĩa là tử cung không co bóp như bình thường và máu đang dồn về bên trong tử cung.
Theo dõi các dấu hiệu quan trọng của người sản phụ, chẳng hạn như huyết áp và nhịp tim, có thể giúp bác sĩ xác định liệu mất máu có quá nhiều hay không. Giảm huyết áp hoặc nhịp tim nhanh có thể cho thấy là dấu hiệu của chảy máu quá nhiều.
Điều trị
Nếu ra máu quá nhiều, tử cung của sản phụ sẽ được xoa bóp bằng cách ấn vào bụng và bác sĩ sẽ truyền oxytocin liên tục qua đường truyền tĩnh mạch. Các biện pháp này giúp tử cung co hồi lại. Sản phụ cũng được truyền dịch qua đường tĩnh mạch để giúp khôi phục lượng chất lỏng trong máu đã chảy ra. Nếu vẫn tiếp tục chảy máu, một loại thuốc khác giúp tử cung co lại cũng được sử dụng. Những loại thuốc này có thể được tiêm vào cơ bắp, đặt dưới dạng viên nén trong trực tràng hoặc trong khi sinh mổ, tiêm vào tử cung.
Các bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân của việc chảy máu quá nhiều. Có thể kiểm tra tử cung để xem còn sót lại mảnh nào của nhau thai hay không. Hiếm khi cần nong và nạo để loại bỏ những mảnh vỡ này. Trong thủ thuật này, một dụng cụ nhỏ, sắc bén (nạo) được đưa qua cổ tử cung (thường vẫn còn mở sau khi sinh). Dụng cụ nạo được sử dụng để loại bỏ các mảnh vụn còn sót lại trong tử cung. Thủ tục này yêu cầu gây mê. Cổ tử cung và âm đạo cũng sẽ được kiểm tra để tìm vết rách.
Nếu tử cung không thể được kích thích để co bóp và vẫn tiếp tục chảy máu, các động mạch cung cấp máu cho tử cung có thể phải bị chèn lại để ngăn máu chảy. Trong trường hợp này, các kỹ thuật có thể được sử dụng bao gồm:
- Một quả bóng có thể được đưa vào tử cung và bơm căng.
- Chèn gạc vào lòng tử cung
- Bác sĩ có thể khâu quanh đáy tử cung
Các thủ thuật được sử dụng thường không gây vô sinh hay bất thường về kinh nguyệt hoặc các vấn đề kéo dài khác. Đôi khi các động mạch cung cấp máu cho tử cung bị làm tắc bằng phẫu thuật hoặc bằng cách đưa vật liệu qua ống thông vào động mạch. Việc cắt bỏ tử cung hiếm khi được chỉ định thực hiện để cầm máu.
Chảy máu sau sinh trong vài ngày đầu sau sinh thường khá nhiều, Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, bạn cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: msdmanuals.com, healthline.com, webmd.com