Chất dẫn truyền thần kinh nào đóng vai trò trong rối loạn lưỡng cực?

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là tình trạng biến đổi cảm xúc, chuyển từ hưng phấn sang ức chế cách thất thường, xen kẽ. Sự mất cân bằng tự nhiên của các chất dẫn truyền thần kinh có trong não đóng vai trò quan trọng trong rối loạn lưỡng cực, cũng như các vấn đề tâm thần khác.

1. Hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh

Não sử dụng một số hóa chất để truyền tín hiệu giữa các bộ phận của chúng và toàn bộ hệ thần kinh. Những “sứ giả truyền tin” này được gọi là chất dẫn truyền thần kinh, rất cần thiết cho tất cả các chức năng của não. Với nhiệm vụ đưa tin, các chất hóa học này thường xuất phát từ nơi này và đến nơi khác để gửi thông điệp. Khi một tế bào thần kinh hoàn thành nhiệm vụ, tế bào khác lại bắt đầu truyền tin.

Ở giữa hai nơron liên kết có một khoảng trống nhỏ - được gọi là khớp thần kinh. Hiểu một cách đơn giản, một tế bào sẽ gửi thông điệp dẫn truyền thần kinh qua khoảng trống này. Tế bào tiếp theo nhận được tín hiệu bằng cách bắt hóa chất truyền tin trong khi chúng đang trôi qua khoảng trống. Việc bắt giữ các hóa chất dẫn truyền thần kinh giúp tín hiệu được gửi đi. Lần lượt các tế bào thần kinh mới lại gửi tin nhắn mới đến các nơron đã kết nối bổ sung với nhau và quá trình cứ thế tiếp tục.


Các chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong các chức năng của não
Các chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong các chức năng của não

Các tế bào thần kinh không thể giao tiếp với nhau nếu không có thông điệp hóa học này. Bộ não sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức trong trường hợp “các sứ giả hóa học” biến mất theo cách nào đó. Với vai trò cho phép các nơron giao tiếp với nhau, chất dẫn truyền thần kinh thực sự giúp não hoạt động. Có hàng triệu khớp khoảng trống thần kinh riêng lẻ trong não. Lưu lượng và hoạt động dẫn truyền thần kinh xảy ra bên trong những khoảng trống đó là liên tục và phức tạp.

2. Chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến rối loạn lưỡng cực

Có nhiều loại hóa chất dẫn truyền thần kinh khác nhau trong não, trong đó những loại bị nghi ngờ có liên quan đến rối loạn lưỡng cực bao gồm dopamine, norepinephrine, serotonin, GABA (gamma-aminobutyrate), glutamate và acetylcholine. Cụ thể:

  • Noradrenaline và serotonin là hai chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến các rối loạn cảm xúctâm thần, trong đó có trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực.
  • Dopamine chịu trách nhiệm điều chỉnh các bó thần kinh ở những khu vực não liên quan đến niềm vui và cảm xúc khi được khen ngợi. Nếu quá trình sử dụng dopamine ở các vùng não khác bị gián đoạn, có thể làm biến dạng thực tế, dẫn đến các kiểu suy nghĩ và hành vi phi logic.
  • GABA đo được ở những bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực có lượng máu và dịch tủy thấp hơn so với bộ não của người bình thường.

Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng một loại hóa chất dẫn truyền thần kinh khác là neuropeptide (bao gồm endorphin, somatostatin, vasopressin và oxytocin) đóng vai trò quan trọng trong cả não người bình thường lẫn những bệnh nhân rối loạn lưỡng cực. Ví dụ, các tế bào thần kinh hoạt động oxytocin của người rối loạn cảm xúc cũng tăng cao hơn.


Dopamine là một chất ức chế dẫn truyền thần kinh liên quan đến vận động
Dopamine là một chất ức chế dẫn truyền thần kinh liên quan đến vận động

Đo dẫn truyền thần kinh, cũng như các biến thể, vị trí và tác dụng của hóa chất này là một lĩnh vực nghiên cứu lớn trong ngành lưỡng cực. Theo đó, não của người bị rối loạn lưỡng cực sẽ bị mất đi sự cân bằng tự nhiên các hóa chất chất dẫn truyền thần kinh. Tuy nhiên, vai trò của phát hiện này đối với hoạt động não nói chung vẫn chưa được hiểu rõ. Mặc dù vậy, sự hiện diện, thiếu hụt, hoặc thay đổi các hóa chất “truyền tin” vẫn được xác định là nguyên nhân hoặc kết quả của rối loạn lưỡng cực. Tầm quan trọng của hóa chất thần kinh trong việc hình thành bệnh lưỡng cực là không thể chối bỏ.

3. Rối loạn lưỡng cực và hệ thống nội tiết tố

Chất dẫn truyền thần kinh không phải là “sứ giả hóa học” quan trọng duy nhất trong cơ thể. Cơ thể cũng sử dụng hormone làm hóa chất truyền tin. Được sản xuất trong hệ thống nội tiết, hormone lưu thông từ cơ quan này sang cơ quan khác qua đường máu. Các cơ quan tiếp nhận sẽ giải thích các tín hiệu nội tiết tố và phản hồi lại.

Các hệ thống nội tiết và thần kinh được liên kết bởi vùng dưới đồi. Đây là một "trạm chuyển mạch" nằm ở trung tâm trong não. Vùng dưới đồi là một vùng não đặc biệt phức tạp, kiểm soát nhiều chức năng cơ thể khác nhau như: huyết áp, sự thèm ăn, phản ứng miễn dịch, nhiệt độ cơ thể, bản năng làm mẹ, cũng như cách cơ thể đối phó với nhịp sinh học và thời gian. Trong đó, sự phối hợp của nhịp sinh học và cơ thể theo từng giai đoạn là đặc biệt quan trọng khi nói đến rối loạn lưỡng cực.

Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết nằm ở cổ, có nhiệm vụ sản xuất hormone tuyến giáp. Đây từng là bộ phận trọng tâm của nhiều nghiên cứu về rối loạn cảm xúc, tâm trạng. Cụ thể, trầm cảm thường liên quan đến mức độ hormone tuyến giáp thấp, hay còn gọi là suy giáp. Ngược lại, tâm trạng phấn khích thường liên quan đến mức độ hormone tuyến giáp cao (cường giáp). Việc điều trị suy giáp bằng cách bổ sung hoặc thay thế hormone tuyến giáp đôi khi có thể làm giảm trầm cảm. Tương tự, giảm mức độ hormone tuyến giáp cao với lithium có thể làm giảm các triệu chứng hưng cảm. Bởi vì có tới một nửa bệnh nhân lưỡng cực nhanh cũng bị suy giáp, nhiều khả năng tuyến giáp cũng tạo ra hoặc kích thích rối loạn lưỡng cực đối với một số người.


Tuyến giáp có liên quan đến rối loạn cảm xúc
Tuyến giáp có liên quan đến rối loạn cảm xúc

  • Hormone giới tính

Hệ thống sinh sản là một thành phần khác của hệ thống nội tiết, cũng gây biến động tâm trạng nếu không được điều hòa chính xác. Hormone sinh sản đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến tâm trạng, nổi bật nhất ở phụ nữ. Cụ thể, nguồn gốc của hiệu ứng này được cho là do buồng trứng tiết ra estrogen và testosterone. Mặc dù vai trò của hormone giới tính chắc chắn có ảnh hưởng đến tâm trạng, nhưng cơ chế chính xác như thế nào vẫn chưa được biết rõ ràng. Hiện nay có rất ít thông tin liên quan đến vai trò của chúng trong việc gây ra hoặc duy trì các triệu chứng lưỡng cực.

Dựa vào các mối liên hệ giữa hệ thống thần kinh và nội tiết, các chuyên gia cho rằng rối loạn chức năng nội tiết là nguyên nhân tiềm ẩn của rối loạn lưỡng cực. Mặc dù điều này có thể đã được biết đến rộng rãi, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn để thiết lập minh chứng khoa học. Nói cách khác, rất khó để xác định liệu rối loạn chức năng nội tiết có phải là nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực hoặc ảnh hưởng đến các triệu chứng của căn bệnh này hay không.

Như vậy, các chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò trong rối loạn lưỡng cực bao gồm dopamine, norepinephrine, serotonin, GABA và neuropeptide (oxytocin). Nguyên nhân chính xác của rối loạn cảm xúc lưỡng cực là không rõ, nhưng sự mất cân bằng hóa chất thần kinh này có thể là một trong những yếu tố gây ra và kích hoạt cơn lưỡng cực. Ngoài ra, nội tiết tố, sự khác biệt sinh học, di truyền và môi trường cũng là những vấn đề cần nghiên cứu khi nhắc đến căn bệnh này.


Di truyền cũng là một nguyên nhân dẫn đến rối loạn lưỡng cực
Di truyền cũng là một nguyên nhân dẫn đến rối loạn lưỡng cực

Nguồn tham khảo: webmd.com, gracepointwellness.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe