1. Nhân tuyến giáp có biểu hiện bệnh như thế nào?
là tình trạng thay đổi cấu trúc - hình thái của tuyến giáp. Bệnh thường được phát hiện trong các lần khám sức khỏe định kỳ chiếm tỷ lệ từ 40-60% dân số và số lượng nữ mắc nhiều gấp 4-5 lần nam giới. Trong số bướu nhân giáp đa phần là lành tính, chiếm ~95% và chỉ 5% bướu nhân giáp là ác tính.
BƯỚU NHÂN LÀNH TÍNH
Hiện nay, đối với bướu nhân tuyến giáp lành tính được chia làm 2 loại: đơn nhân và đa nhân. Tuy nhiên, với thăm khám lâm sàng các bác sĩ thông thường chỉ sờ thấy các bướu nhân có kích thước lớn, nằm gần bề mặt, còn các bướu nhân giáp nhỏ có đường kính dưới 1cm rất khó bị phát hiện khi khám bằng tay, phải nhờ đến kỹ thuật siêu âm tuyến giáp. Trong một số trường hợp, nhân tuyến giáp lành tính có thể không phát triển hoặc nhỏ đi. Tuy nhiên, hầu hết các nhân tuyến giáp lành tính tiến triển rất chậm. Khi bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán chính xác là nhân tuyến giáp lành tính và bệnh nhân được thăm khám, theo dõi đều đặn thì có thể “sống chung” với bệnh.
Bệnh nhân có bướu nhân lành tính tuyến giáp thường không có triệu chứng đặc hiệu vì vậy bệnh thường được phát hiện khi bướu nhân giáp đã lớn, nhìn rõ từ bên ngoài, sờ vùng trước cổ có một hoặc nhiều nhân. Tuy nhiên, nếu nhân tuyến giáp phát triển lớn, nó có thể gây các triệu chứng do chèn ép các cơ quan lân cận như chèn ép vào thực quản dẫn đến tình trạng khó nuốt, nuốt vướng, có cảm giác tắc nghẹn, tổn thương chèn ép vào khí quản gây khó thở, chèn ép dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây khàn tiếng, thay đổi giọng nói.
Ngoài ra trong một số trường hợp, bướu nhân lành tính tuyến giáp còn sản xuất và tăng tiết hormon giáp vào trong máu (còn gọi là nhân nóng hay nhân độc tự trị), gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể khiến người bệnh có biểu hiện bệnh cường giáp như mệt mỏi và yếu cơ, sụt cân hoặc tăng cân, tim đập nhanh, rối loạn giấc ngủ, sợ nóng, ra nhiều mồ hôi...
Vậy bướu nhân lành tính tuyến giáp khi nào cần phải điều trị? Với các trường hợp bướu nhân tuyến giáp lành tính có chỉ định điều trị khi:
- Các bướu nhân lành tính kích thước lớn (thường từ 2-3cm trở lên) gây chèn ép và gây các triệu chứng khó chịu vùng cổ như nuốt nghẹn, vướng, khó thở hoặc đau tức nhiều vùng cồ
- Các bướu nhân to không gây triệu chứng vùng cổ nhưng gây xấu về mặt thẩm mỹ (lồi cổ)
- Bướu nhân lành tính nhưng tăng tiết hormon giáp gây ra tình trạng cường giáp cận lâm sàng hoặc cướng giáp lâm sàng.
BƯỚU NHÂN ÁC TÍNH - UNG THƯ GIÁP:
Bướu nhân ác tính hay ung thư giáp chỉ chiếm ~5% số các bướu nhân giáp. Ung thư biểu mô tuyến giáp cũng chia thành nhiều type trong đó bao gồm: ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú (đây là thể thường gặp nhất chiếm ~85 - 90% và có tiên lượng tốt nhất), chiếm tỉ lệ nhỏ 10-15% là ung thư giáp thể nang, thể tủy và thể không biệt hóa. Ngoài ra có thể có một số trường hợp hiệp gặp như di căn tuyến giáp, lymphoma tuyến giáp.
Cũng như bướu nhân lành tính tuyến giáp, các nhân ung thư giáp thường không có triệu chứng nếu kích thước <1cm, hầu hết được phát hiện tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe. Các nhân ung thư kích thước >1cm có thể nhận biết được trên thăm khám lâm sàng như sờ thầy khối lồi nhẹ vùng cổ hoặc gây các triệu chứng chèn ép vùng cổ như đau tức, nuốt nghẹn, vướng, khó thở khi khối phát triển to. Ngoài ra nhân ung thư giáp có thể gây các triệu chứng khàn tiếng, mất tiếng do nhân ung thư giáp xâm lấn dây thần kinh thanh quản hoặc đôi khi người bệnh có biểu hiện sờ thấy hạch to bất thường vùng cổ (đau, cứng chắc, hạn chế di động) khi ung thư giáp di căn hạch cổ.
Ung thư giáp đặc biệt là ung thư giáp thể nhú có tiên lượng điều trị tốt, ~99% bệnh nhân ung thư giáp thể nhú sống thêm trung bình 20-25 năm. Tuy nhiên nếu việc phát hiện và chẩn đoán ở giai đoạn muộn đã di căn xa các cơ quan khác thì việc điều trị cũng phức tạp và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh sau điều trị. Vì vậy việc phát hiện sớm và lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp cho ung thư giáp sẽ đem lại hiệu quả tốt và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh
2. Nguyên lý kỹ thuật đốt nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần
Điều trị các khối u giáp lành tính bằng phương pháp đốt sóng cao tần dưới hướng dẫn của siêu âm là phương pháp phá hủy khối u tại chỗ bằng nhiệt, nguyên lý hoạt động dựa trên sử dụng dòng điện xoay chiều có tần số 300 – 500 MHz được giải phóng ra từ máy đốt sóng nối với kim điện cực tạo ra dòng điện đưa vào bên trong khối u. Sự xuất hiện trở kháng của mô u so với kim điện cực bằng kim loại dẫn đến sự náo động các ion trong khối u xung quang đầu điện cực và giải phóng nhiệt năng tại chỗ bởi lực ma sát giữa chúng, chính nhiệt độ cao này sẽ đốt cháy và phá hủy khối u. Sau đốt sóng cao tần các tế bào mô u bị hoại tử đông hay chết do nhiệt độ cao và vùng tổn thương sau đốt này vẫn còn tồn tại trong tuyến giáp. Tuy nhiên vùng tổn thương này sẽ được thoái triển thu nhỏ kích thước - thể tích dần dần theo thời gian nhờ vào hoạt động của các tế bào bạch cầu và tế bào đại thực bào - đội quân dọn dẹp - của hệ miễn dịch.
2.1. Chỉ định và chống chỉ định đối tượng thực hiện kỹ thuật đốt khối u bằng sóng cao tần
CHỈ ĐỊNH
Kỹ thuật đốt nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần được chỉ định cho các trường hợp các khối u tuyến giáp lành tính trong các tình huống sau:
- Các khối u có triệu chứng: Đau cổ, nuốt nghẹn, cảm giác có khối vùng cổ, khó chịu và ho.
- Tạo thành khối lồi vùng cổ gây ảnh hưởng thẩm mỹ.
- Khối u gây chèn ép, đè đẩy các cấu trúc xung quanh (khí quản, thực quản...)
- Nhân nóng tuyến giáp gây cường giáp trên lâm sàng.
- Khối hỗn hợp (gồm phần dịch – phần đặc) tái phát sau điều trị bằng cồn tuyệt đối.
Kỹ thuật đốt nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần được chỉ định cho các trường hợp các tổn thương ác tính tuyến giáp trong các tình huống sau (cập nhật mới nhất theo guideline NCCN 2022 và hướng dẫn của Hiệp hội tuyến giáp Châu âu ETA 05/2021):
- Nhân vi ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú - T1N0M0 ( kích thước ≤ 10mm, chưa có biểu hiện xâm lấn phá vỡ vỏ bao giáp và chưa có di căn hạch cổ hoặc di căn xa - đánh giá bằng các phương tiện thăm khám hình ảnh) trên các bệnh nhân có nguy cơ cao tai biến khi phẫu thuật hoặc người bệnh từ chối phẫu thuật điều trị.
- Các khối u ác tính tuyến giáp mà không thể phẫu thuật được: việc can thiệp đốt sóng cao tần với mục đích giảm kích thước khối u và giúp cải thiện các triệu chứng vùng cổ do khối khu gây ra.
- Các tổn thương tái phát tại chỗ hoặc di căn hạch vùng cổ: trên những bệnh nhân ung thư giáp đã phẫu thuật hoặc xạ trị nhiều lần hiện nguy cơ cao tai biến nếu phẫu thuật lại và kháng với iod phóng xạ.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH TƯƠNG ĐỐI
- Phụ nữ đang mang thai
- Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nặng như suy tim
- Bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông máu (do bệnh về máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông) cần phải điều trị hết tình trạng rối loạn đông máu trước khi tiến hành đốt sóng cao tần.
- Bệnh nhân bị liệt dây thanh âm đối bên.
2.2. Quy trình thực hiện kỹ thuật đốt nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần
Bước 1: Chuẩn bị
- Người bệnh được thăm khám và làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết trước khi thực hiện kỹ thuật đốt óng cao tần bao gồm:
- Thăm khám lâm sàng
- Xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp.
- siêu âm tuyến giáp đánh giá số lượng, tính chất các nhân giáp.
- Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ hoặc sinh thiết lõi chẩn đoán được bản chất nhân tuyến giáp (lành tính hay ác tính)
- Đánh giá chức năng đông máu: công thức máu, động máu cơ bản
- Một số trường hợp cần làm thêm chụp CLVT vùng cổ ngực (đối với các tổn thương bướu nhân giáp lành tính kích thước lớn lớn - Bướu giáp thòng - có phần lồi vào trung thât trên hoặc đánh giá di căn hạch vùng cổ của bệnh nhân ung thư giáp)
- Người bệnh sẽ được các bác sĩ can thiệp hoàn thiện HSBA và giải thích đầy đủ cặn kẽ về các lợi ích và nguy cơ rủi do có thể gặp của phương pháp đốt sóng cao tần, đồng thời người bệnh sẽ được ký cam kết trước khi tiến hành thủ thuật.
Bước 2: Tiến hành
Một số điều cần biết khi tiến hành thủ thuật
- Người bệnh trong quá trình làm thủ thuật vẫn tỉnh táo, không cần gây mê toàn thân mà chỉ cần gây tê giảm đau tại vị trí can thiệp vùng cổ.
- Thủ thuật đốt sóng cao tần sẽ được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm dẫn đường để đảm bảo vùng đốt được chính xác tuyệt đối và giảm thiểu tối đa các rủi do tai biến gây tổn thương các cấu trúc giải phẫu lân cận vùng đốt sóng như các mạch máu hoặc các cấu trúc thần kinh quan trọng vùng cổ.
- Thời gian làm thủ thuật trung bình từ 30-60 phút tùy thuộc vào số lượng nhân giáp hoặc kích thước nhân giáp được can thiệp trong một lần đốt sóng. với các nhân nhỏ và số lượng đơn nhân thì thời gian can thiệp ngắn, ngược lại đốt nhiều nhân hoặc đốt sóng nhân có kích thước lớn sẽ cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành thủ thuật.
Tiến hành đốt sóng cao tần:
- Vô khuẩn tuyệt đối vùng cổ bằng thuốc sát khuẩn chuyên dụng
- Gây tê khoang quanh tuyến giáp với Lidocain 1% để giảm đau trong quá trình đốt sóng.
- Đốt bướu nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần dưới hướng dẫn của siêu âm
- Đánh giá vùng đốt trên siêu âm triệt để hoàn toàn thì kết thúc thủ thuật.
Sau khi quy trình đốt sóng kết thúc, bệnh nhân chỉ cần nằm lại theo dõi từ 30 phút đến 1 tiếng, nếu tình trạng ổn định người bệnh có thể xuất hiện và quay trở lại các hoạt động sinh hoạt bình thường.
3. Những ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật đốt nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần
3.1. Ưu điểm
Những ưu điểm của kỹ thuật đốt sóng cao tần có thể kể đến như:
- Vùng đốt khu trú vào nhân giáp vì vậy bảo tồn được nhu mô giáp lành từ đó bảo tồn tối đa chức năng tuyến giáp cho người bệnh.
- Phương pháp điều trị này không gây suy giáp vì vậy không cần phải sử dụng thuốc hormon thay thế sau can thiệp.
- Kỹ thuật này không phải gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ quanh tuyến giáp, thời gian hồi phục nhanh, giảm thiểu các rủi do và nguy cơ tai biến do gây mê so với phẫu thuật.
- Bệnh nhân tỉnh táo và có thể giao tiếp với bác sỹ trong quá trình làm thủ thuật.
- Không để lại sẹo vùng cổ do can thiệp ít xâm lấn qua một mũi chọc kim rất nhỏ thay vì đường mổ mở ở vùng cổ nếu phẫu thuật.
- Tỷ lệ biến chứng (khàn tiếng, mất tiếng, suy cận giáp, chảy máu - tụ máu) thấp hơn so với phẫu thuật
- Hiệu quả điều trị cao (khối u sau can thiệp điều trị đốt sóng cao tần sau 1 năm trung bình giảm >90% thể tích và tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo).
3.2. Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm thì kỹ thuật này cũng tồn tại một số nhược điểm nhất định trong đó phải kể đến đó chính là sau can thiệp đốt sóng cao tần, vùng tổn thương hoại tử sau đốt cần có thời gian để thoái triển thu nhỏ lại dần dần: trung bình sau đốt 1 tháng bướu nhân giảm trung bình ~20-25% thể tích, sau đốt 6 tháng giảm 50-60% thể tích và sau 1 năm giảm >90% thể tích. Ngoài ra có một số nhược điểm khác như chí phí thực hiện cao, là kỹ thuật mới, tiên tiến nên chưa phổ biến nên không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được.
Sau khi thực hiện điều trị bệnh nhân nên tái khám, kiểm tra định kỳ sau 1, 3, 6 và 12 tháng, sau đó 6-12 tháng/lần cho các năm tiếp theo (tùy thuộc loại tổn thương). Trong lần tái khám người bệnh được thực hiện đầy đủ siêu âm tuyến giáp và một số thời điểm sẽ thực hiện xét nghiệm hormone để đánh giá chức năng tuyến giáp.
Kỹ thuật đốt sóng cao tần đã được áp dụng thành công trong điều trị u lành tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Sau khi điều trị tại bệnh viện cho kết quả, tỷ lệ bệnh nhân khàn tiếng, nhiễm khuẩn, chảy máu - tụ máu sau đốt <2%, kích thước u tuyến giáp giảm 30-50% thể tích sau 1 tháng, 60-70% thể tích sau 3 tháng, >90% thể tích sau 12 tháng.
Nhờ những ưu điểm vượt trội, điều trị u tuyến giáp bằng sóng cao tần được ứng dụng không chỉ trong chữa bướu giáp nhân lành tính mà còn đã được áp dụng trong điều trị cho các tổn thương ác tính của tuyến giáp (vi ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, ung thư giáp không thể phẫu thuật được hoặc các tổn thương tái phát - hạch di căn vùng cổ) một cách thường quy tại Trung tâm Giáp - bệnh viện Vinmec Times City.
Để đạt hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao nhất, Vinmec đã trang bị hệ thống trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất hiện nay, điển hình là máy siêu âm GE Healthcare S8 có đầu dò phẳng, tần số cao, độ phân giải HD cho hình ảnh rõ nét. Đồng thời bệnh viện cũng trang bị hệ thống máy đốt sóng cao tần Viva Starmed - thương hiệu đi đầu trong hệ thống máy đốt cho tuyến giáp. Kỹ thuật đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp dưới hướng dẫn siêu âm cho phép bác sĩ kiểm soát được toàn bộ quá trình thủ thuật, tránh tối đa các tổn thương mạch máu, thần kinh, khí quản, thực quản nên rất an toàn, đồng thời giảm kích thước khối u tối đa..
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.