Chất béo trans (tên tiếng Anh: trans fat hay trans fatty acid) là axit béo chuyển hóa hay axit béo dạng trán, axit béo đồng phân nhân tạo. Chúng hình thành trong quá trình chế biến thực phẩm, bằng phương pháp hydro hóa dầu ăn, nhằm giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn, bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng hơn.
1. Chất béo trans là gì?
- Chất béo
Kết luận từ các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nên hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất béo. Tuy nhiên, chất béo lẫn axit béo tồn tại ở khắp nơi từ động vật cho đến thực vật. Có một số chất béo mang lại những nguy cơ tiêu cực tới các bệnh tim mạch cũng như sức khỏe.
Chất béo nói chung có vai trò cũng rất quan trọng trong mỗi khẩu phần ăn tương tư như protein hoặc tinh bột vì chúng đều là nguồn cung cấp những năng lượng cần thiết cho cơ thể. Có nhiều bộ phận chức năng trên cơ thể hoạt động phụ thuộc dựa vào sự góp mặt của những phần tử chất béo.
Cụ thể như: một số vitamin tan được tìm thấy trong dầu thực vật cần sự xuất hiện của chất béo để được hòa tan vào máu, sau đó cung cấp những dinh dưỡng cần thiết cho toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, bạn sẽ bị tăng cân khi cơ thể dung nạp quá nhiều chất béo khiến lượng calo của cơ thể trở nên dư thừa.
- Chất béo trans
Có hai loại chất béo điển hình là chất béo tốt và chất béo xấu. Trans fat và chất béo bão hoà thuộc nhóm chất béo xấu, chúng đều gây nên nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Trans fat tồn tại trong dạng rắn khi ở nhiệt độ bình thường. Chất béo trans được khuyến cáo nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ dù chỉ là một lượng nhỏ đi chăng nữa.
Chất béo trans (tên tiếng Anh: trans fat hay trans fatty acid) là axit béo chuyển hóa hay axit béo dạng trán, axit béo đồng phân nhân tạo, tóm lại nó thuộc nhóm axit béo xấu, đặc biệt trans fat xấu nhất trong cơ thể. Chúng hình thành trong quá trình chế biến thực phẩm, bằng phương pháp hydro hóa dầu ăn, nhằm giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn, bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng hơn.
2. Đặc điểm của chất béo trans fat
Tương tự như đặc điểm của chất béo bão hòa, chất béo trans có thể khiến gia tăng tỷ trọng LDL cholesterol, hay còn gọi cholesterol xấu trong cơ thể con người. Và hơn thế nữa, chúng còn làm giảm tỷ trọng HDL cholesterol còn gọi là cholesterol tốt.
Chính vì vậy, khi tiêu thụ nhiều chất béo trans, cơ thể chúng ta có tăng cao nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch hơn gấp 3 lần so với việc tiêu thụ những chất béo bão hòa.
3. Trans fat có ở đâu?
Có hai loại chất béo trans, được phân chia theo nơi khởi phát chúng:
Trans fat tự nhiên: Chất béo trans này sản sinh tự nhiên, nơi lý tưởng để chúng hình thành là trong ruột một số loài động vật chuyên ăn cỏ. Chính vì thế, người ta cũng tìm thấy lượng nhỏ chất béo trans trong các chế phẩm từ sữa cũng như từ thịt động vật ăn cỏ.
Trans fat nhân tạo: Trans fat nhân tạo được hình thành qua quá trình chế biến thực phẩm: Chất béo trans fat này được sản sinh ra khi lượng dầu thực vật bị hydro hóa trong quá trình chế biến. Quá trình chuyển hóa nhằm mục đích cải thiện toàn diện cấu trúc chất béo, tăng thời gian để bảo quản đồ ăn, gia tăng hương vị món ăn.
Trans fat có trong thực phẩm nào? Cụ thể, Trans fat có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như chất béo bão hòa. Chúng bao gồm:
- Bánh các loại: bánh cracker, cookies, bánh ngọt, bánh gato, bánh nướng và các thực phẩm nướng khác...
- Đồ ăn nhanh: gà rán, pizza, khoai tây chiên...
- Đồ ăn chiên rán nhiều dầu: bánh khoai, bánh chuối, bánh rán...
- Đồ ăn chế biến sẵn: bắp rang bơ, snack, mì ăn liền...
- Shortening và margarine: bơ thực vật các dạng (dạng thỏi và dạng chứa trong chai)...
4. Nhận biết thực phẩm có chứa trans fat
Thật khó để nhận biết một loại sản phẩm đồ ăn liền nào có chứa trans fat hay không, có ít hay nhiều, ngay cả việc xem toàn bộ thông tin giá trị dinh dưỡng về thành phần đã được chế biến gắn trên nhãn.
Bởi vì, có một số ít thực phẩm được ghi trans fat 0 gam hay ghi: zero trans, trans fat free, no trans fat... thực tế nó vẫn sẽ chứa một số lượng nhỏ tỷ trọng trans fat bên trong. Ví như, ở Mỹ người ta quy định khi lượng chất béo trans trong sản phẩm nhỏ hơn 0,5 gam, thì nhà sản xuất được phép ghi thành 0 gam, hơn nữa lại không rõ ràng về tỷ trọng cụ thể từng khẩu phần ăn. Ở Việt Nam, cũng chưa công bố những quy định rõ ràng cụ thể hay ban hành luật về ghi rõ ràng chính xác thông tin giá trị dinh dưỡng sản phẩm trên mọi bao bì.
Chính vì vậy, việc nhận biết thực phẩm chứa trans fat ngoài việc đọc thông tin trên nhãn mác thì chủ yếu dựa vào cơ sở khoa học: tất cả những thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh đều chứa chất béo trans, ăn càng nhiều lượng trans fat càng tăng lên. Vậy muốn hạn chế chất béo trans, ta nên hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến, đóng gói sẵn.
5. Bạn nên tự hạn chế lượng trans fat dung nạp vào cơ thể
Trong dinh dưỡng hàng ngày, bạn không nên sử dụng các loại thực phẩm chiên đi chiên lại nhiều lần, các loại đồ hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn được chế biến sẵn như: bánh khoai, bánh gối, bánh ngọt, bánh nướng, gà rán, khoai chiên...
Khác với chất béo bão hòa hay chất béo dạng trans, các chất béo không no rất tốt cho tim mạch và tạo cho bạn cảm giác no, hạn chế ăn vặt, có lợi cho giảm cân. Những loại chất béo có lợi thường có trong các loại hạt, quả oliu, hạt chia, quả óc chó, hạt lanh, hạt chia hay trong các loại cá như cá hồi, cá mòi...
Đầu tiên, hãy giảm lượng thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa và trans fat. Sau đó, hãy cố gắng kết hợp các loại thực phẩm có chứa chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.