Chấn thương dây chằng khuỷu tay khi chơi thể thao

Khuỷu tay là một bộ phận dễ bị tổn thương bởi thường xuyên chịu đựng các tác động cơ học, tì đè trong các hoạt động của con người. Trong đó đau dây chằng khuỷu tay là thường gặp nhất trong chơi thể thao, nhất là các động tác ngã từ trên cao xuống có dùng tay để đỡ. Nếu chỉ bị căng, rách nhẹ, dây chằng sẽ tự lành sau một thời gian nhưng nếu bị tổn thương nặng có thể phải cần đến phẫu thuật để tránh khuỷu mất vững hoặc đau mãn tính.

1. Chấn thương dây chằng khuỷu tay là gì?

Chấn thương dây chằng khuỷu tay là tình trạng các sợi dây chằng ở khớp khuỷu tay bị kéo căng, rách hoặc thậm chí là đứt hoàn toàn sau chấn thương. Chấn thương khớp càng nặng thì càng ảnh hưởng đến dây chằng. Bình thường khớp khuỷu tay có khả năng chịu lực rất tốt, giúp thực hiện các động tác từ đơn giản đến phức tạp như xoay, gập, duỗi trong sinh hoạt, làm việc, chơi thể thao. Sự vững chắc này đến từ các dây chằng, bao gồm: dây chằng hình khuyên, dây chằng bên ngoài, dây chằng hướng tâm. Do đó khi có chấn thương dây chằng, người bệnh sẽ bị giảm khả năng vận động, thậm chí đau mãn tính hoặc thoái hóa khớp sớm so với độ tuổi.

Để phân loại chấn thương dây chằng khuỷu tay có 2 dạng:

  • Giãn dây chằng khuỷu tay: là tình trạng dây chằng bị giãn hoặc rách rất nhỏ, khớp khuỷu tay ít hoặc không có bất ổn, các sợi dây chằng chỉ bị kéo căng mà không đứt. Người bệnh có thể không đau hoặc viêm nhiều nhưng nếu không chăm sóc tốt có thể làm tăng nguy cơ tái phát chấn thương và những lần chấn thương sau thường nặng hơn.
  • Đứt dây chằng khuỷu tay: dây chằng khuỷu tay có thể bị đứt một phần hoặc đứt hoàn toàn, khớp khuỷu sưng đau nhiều, bầm tím, mất ổn định và không cầm nắm được dẫn tới mất chức năng nghiêm trọng.

2. Nguyên nhân dẫn tới chấn thương dây chằng khuỷu tay

Có hai nguyên nhân chính dẫn tới chấn thương dây chằng khuỷu tay gồm có:

  • Chấn thương: các động tác té ngã do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sinh hoạt hàng ngày thường khiến cho cánh tay bị vặn xoắn theo hướng vào bên trong gây chấn thương dây chằng, cụ thể là dây chằng bên.
  • Áp lực quá mức: thường đến từ hoạt động thể thao như ném bóng, đánh bóng trong bóng chày, bóng chuyền, bóng bầu dục, tennis,... với cường độ và tần suất cao của việc thực hiện các động tác hướng ra phía ngoài của khớp, người chơi các môn thể thao này thường bị chấn thương dây chằng bên trong.
  • Trẻ em thường chấn thương khuỷu tay do té ngã nhiều hơn trong khi người lớn tuổi có khả năng bị gãy khuỷu tay, vì tình trạng loãng xương kết hợp với các chấn thương nhẹ.

3. Biểu hiện của chấn thương khuỷu tay

Đối với chấn thương khuỷu tay do viêm gân, người bệnh thường cảm thấy đau dọc bên trong khuỷu tay, đặc biệt là có liên quan đến vận động của cổ tay. Đau nơi điểm bám của gân cơ tại bên trong khuỷu, cảm giác căng cơ, vận động khuỷu tay vẫn bình thường.

Đối với đau do hội chứng khuỷu tay quần vợt, các triệu chứng thường tiến triển dần dần, cơn đau bắt đầu nhẹ và từ từ trở nên xấu đi trong vài tuần hay vài tháng. Thường không có chấn thương cụ thể liên kết với sự bắt đầu của triệu chứng.

Các dấu hiệu của hội chứng khuỷu tay quần vợi thường gặp gồm đau hoặc rát phần ngoài khuỷu tay, sức cầm nắm bị yếu, các triệu chứng thường nặng hơn khi thực hiện các hoạt động gắn liền với cánh tay và cẳng tay như: vắt khăn, cầm búa, cầm ca nước,...

4. Điều trị chấn thương dây chằng khuỷu tay như thế nào?

Tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương mà việc điều trị chấn thương khuỷu tay sẽ được lựa chọn thích hợp. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản vẫn là chăm sóc từng bước, từ điều trị bảo tồn cho đến can thiệp xâm lấn nhằm khôi phục khả năng vận động hiệu quả và tránh biến chứng.

Điều trị bảo tồn:

  • Tránh một số hoạt động mạnh ảnh hưởng đến khớp khuỷu tay trong thời gian nhất định.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol hoặc NSAIDs có thể hiệu quả trong việc giảm đau, viêm do chấn thương dây chằng khuỷu cấp.
  • Chườm lạnh cũng rất hiệu quả trong việc điều trị chấn thương dây chằng khuỷu tay, thường dùng vào vùng khớp bị ảnh hưởng trong 10-15 phút/lần, 10-14 ngày sau chấn thương giúp kiểm soát tình trạng đau nhức và viêm dây chằng tích cực.
  • Nẹp khuỷu tay bằng các dụng cụ hỗ trợ như nẹp, băng thun để bảo vệ khớp khuỷu tay, nhất là khi thực hiện các hoạt động gắng sức.
  • Tập vật lý trị liệu hiệu quả trong việc kiểm soát triệu chứng phát sinh từ chấn thương dây chằng khuỷu tay. Tuy nhiên người bệnh cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có một chương trình luyện tập phù hợp với trạng thái chấn thương, thể lực.

Điều trị phẫu thuật:

  • Trong trường hợp các chấn thương dây chằng khuỷu nghiêm trọng tương đương mức độ III gây đau đớn và khiến cho khớp tay không thể vận động, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật.
  • Bác sĩ sẽ cân nhắc phương án nối hoặc thay dây chằng tự thân hay dây chằng nhân tạo.
  • Phẫu thuật tái tạo dây chằng khuỷu tay thường được chỉ định cho các vận động viên hoặc người có nhu cầu vận động cao. Nếu người bệnh bị chấn thương dây chằng kèm trật khớp, gãy xương do mất ổn định cấu trúc khớp khi thực hiện phẫu thuật tái tạo dây chằng, bác sĩ có thể kết hợp bắt vít, bó bột khoảng 3-6 tuần trước khi bắt đầu tập vật lý trị liệu.

Thời gian phục hồi sau chấn thương độ 1 của dây chằng là khoảng 6 tuần, khi các sợi collagen được bổ sung dưỡng chất và gia tăng độ dẻo dai. Trong khi đó, chấn thương độ 2 thường mất khoảng 6-8 tuần để chữa lành và 2-3 tháng để hồi phục hoàn toàn sức mạnh. Chấn thương nặng nhất ở độ 3 thường cần khoảng 3-6 tháng để hồi phục hoàn toàn nhưng còn phụ thuộc vào thể trạng và mức độ tuân thủ tập vật lý trị liệu.

Hi vọng thông qua bài viết trên bạn đã hiểu rõ hơn về các chấn thương dây chằng khuỷu tay khi chơi thể thao để có cách xử trí và phòng ngừa hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe