Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chẩn đoán viêm da cơ địa dựa trên triệu chứng lâm sàng và tiền sử mắc bệnh của gia đình. Để điều trị viêm da cơ địa cần phải thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Ngay cả khi điều trị viêm da cơ địa thành công, bệnh vẫn có thể tái phát trở lại.
Viêm da cơ địa là một bệnh về da làm cho da đỏ và ngứa. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em. Viêm da cơ địa là bệnh mãn tính và có thể đi kèm các cơn hen suyễn hoặc dị ứng phấn hoa.
1. Chẩn đoán viêm da cơ địa
Chẩn đoán viêm da cơ địa chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và tiền sử gia đình.
- Ngứa khu vực bị viêm;
- Viêm da mãn tính và tái phát nhiều lần;
- Hình thái và vị trí tổn thương điển hình: Ở trẻ em, chàm khu trú ở mặt, vùng duỗi; ở trẻ lớn và người lớn, da dày sừng, lichen ở vùng nếp gấp;
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình đã từng điều trị viêm da cơ địa dị ứng, hen, viêm mũi dị ứng;
- Các triệu chứng lâm sàng khác như: Khô da, viêm môi, viêm kết mạc mắt và kích thích ở mắt tái phát nhiều lần, màu sắc trên mặt đỏ hoặc tái, bị dị ứng thức ăn, chàm ở lòng hoặc mu bàn tay, IgE tăng, phản ứng da tức thì týp 1 dương tính, vẩy trắng;
2. Điều trị viêm da cơ địa
Dưới đây là các cách phòng ngừa và điều trị viêm da cơ địa tại nhà cũng như phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
2.1 Điều trị tại nhà
Trước khi khám hoặc uống thuốc, có một số cách điều trị viêm da cơ địa tại nhà giúp làm giảm triệu chứng như sau:
- Tắm nước ấm: Có thể pha thêm một ít bột baking soda hoặc yến mạch xay nhỏ vào với nước ấm, ngâm mình trong 10 - 15 phút rồi lau khô cơ thể, dùng kem dưỡng ẩm ngay sau đó;
- Không gãi khu vực bị ngứa: Có thể sử dụng đầu ngón tay ấn nhẹ vào khu vực bị ngứa để làm giảm cảm giác khó chịu;
- Sử dụng băng cá nhân: Băng khu vực ngứa sẽ giúp bảo vệ da và hạn chế việc gãi làm tổn thương da;
- Sử dụng xà phòng dịu nhẹ: Xà phòng không mùi và không chất tẩy sẽ tránh làm cho da bị kích ứng. Sau khi sử dụng xà phòng, nên rửa vùng da tiếp xúc với xà phòng thật sạch;
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Môi trường với nhiệt độ nóng ẩm có thể khiến vùng da bị ngứa và tróc nặng thêm. Do đó, sử dụng máy tạo độ ẩm kết hợp với điều hòa để không khí trong nhà mát mẻ và đủ ẩm hơn;
- Mặc quần áo thoải mái: Trong điều trị viêm da cơ địa, cần giảm kích ứng da bằng cách tránh mặc quần áo chật và cứng. Thay vào đó, hãy chọn những trang phục mềm mại và thấm hút mồ hôi tốt;
- Tránh căng thẳng và lo lắng: Stress và các rối loạn về mặt tâm lý có thể khiến chứng viêm da cơ địa nặng thêm. Do vậy, cải thiện sức khỏe tâm lý sẽ giúp giảm bớt tình trạng ngứa da.
2.2 Sử dụng thuốc
Điều trị viêm da cơ địa cần phải bắt đầu sớm. Nếu dưỡng ẩm thường xuyên và tự chăm sóc da tại nhà không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bao gồm thuốc uống, thuốc bôi hoặc thậm chí là thuốc chích để giúp giảm viêm và bớt ngứa:
- Kem bôi giảm ngứa và giúp mau lành da: Kem hoặc thuốc dạng mỡ có chứa corticosteroid giúp kháng khuẩn và giảm ngứa. Hãy thoa kem theo chỉ dẫn của bác sĩ sau khi dưỡng ẩm. Tác dụng phụ của việc sử dụng quá mức các loại kem này là có thể làm mỏng da, do đó, chỉ nên dùng đúng chỉ định của bác sĩ. Các thuốc như Protopic và Elidel có thể được dùng điều trị viêm da cơ địa ở trẻ trên 2 tuổi, khi thoa thuốc (theo hướng dẫn của bác sĩ) cần tránh ánh nắng mạnh;
- Thuốc chống nhiễm trùng: Kem kháng sinh được dùng khi da bị nhiễm khuẩn, vết thương hở hoặc nứt. Người bệnh cũng có thể sẽ phải uống kháng sinh trong một thời gian ngắn để chữa nhiễm trùng;
- Thuốc uống: Với những trường hợp nặng hơn, thuốc corticosteroid đường uống như thuốc Prednisone sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, tuy nhiên có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng lâu dài.
2.3 Các liệu pháp điều trị
Ngoài sử dụng thuốc do bác sĩ chỉ định, một số liệu pháp sau có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm da cơ địa:
- Băng thuốc: Với những trường hợp nặng, băng thuốc là cách điều trị hiệu quả và chuyên sâu. Liệu pháp này thường được thực hiện ở bệnh viện, đó là băng vùng bị viêm bằng corticosteroid dạng bôi và băng ướt;
- Liệu pháp ánh sáng: Với những trường hợp bệnh không đáp ứng thuốc bôi hoặc bệnh thường hay tái phát, sẽ áp dụng liệu pháp ánh sáng, đó là phơi da dưới ánh sáng tự nhiên nhất định. Một số dạng khác của liệu pháp này là sử dụng tia UVA và UVB nhân tạo, có thể kết hợp với thuốc điều trị viêm da cơ địa. Tuy nhiên, nếu sử dụng liệu pháp này lâu dài có thể gặp tác dụng phụ bao gồm lão hóa da sớm và cũng làm tăng nguy cơ ung thư da. Do đó, liệu pháp ánh sáng hạn chế sử dụng ở trẻ nhỏ và tuyệt đối không được dùng cho trẻ sơ sinh;
- Liệu pháp tâm lý: Các liệu pháp giúp thư giãn, sửa đổi hành vi và phản hồi sinh học có thể giúp hạn chế tình trạng gãi.
Bên cạnh đó, để ngừa bệnh bùng phát và giúp cải thiện tình trạng khô da, có thể áp dụng các cách sau:
- Dưỡng ẩm cho da: Bôi kem dưỡng ẩm phù hợp với da ít nhất hai lần một ngày;
- Tránh và hạn chế các tác nhân có hại cho da: Các tác nhân như mồ hôi, lo lắng, căng thẳng, thừa cân, béo phì, tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa quá mạnh, khói bụi và phấn hoa có thể làm bệnh viêm da cơ địa nặng thêm. Lưu ý, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể bị viêm da cơ địa khi ăn một số loại thực phẩm như trứng, sữa, đậu nành và lúa mì;
- Hạn chế tắm quá lâu: Tắm nước ấm trong khoảng thời gian 10 - 15 phút là hợp lý;
- Sử dụng xà phòng có tính chất dịu nhẹ: Hãy chọn những loại xà phòng có tính dịu nhẹ với làn da. Những loại xà phòng có chất khử mùi và kháng khuẩn có thể khiến da bị khô do làm mất một lượng dầu tự nhiên trên da;
- Lau khô người thật kỹ sau khi tắm: Sau khi tắm, nhẹ nhàng dùng khăn mềm vỗ nhẹ lên da để thấm nước, tránh cọ xát khăn với da quá mạnh.
2.4 Người bệnh viêm da cơ địa nên ăn gì?
Ăn uống có thể ảnh hưởng lớn đến tình trạng viêm da. Vì vậy, bên cạnh điều trị viêm da cơ địa, người bệnh nên tìm hiểu những thực phẩm nên và không nên ăn để cải thiện tình trạng bệnh:
- Thực phẩm nên ăn: Các loại cá giàu omega như cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá mòi và cá trích (giúp kháng viêm); thực phẩm lên men như sữa chua, súp miso... có chứa nhiều probiotic (giúp kháng khuẩn); trái cây và rau củ nhiều màu như táo, cherry, súp lơ xanh, cải bó xôi hay cải xoăn có chứa nhiều flavonoid (kháng viêm) hỗ trợ điều trị viêm da cơ địa;
- Thực phẩm nên tránh: Trứng, cà chua, đậu nành, các loại hạt, trái cây họ cam quýt, các sản phẩm từ sữa, các thực phẩm có chứa gluten, các gia vị như vani, đinh hương và quế, các thực phẩm có chứa nhiều niken như trà đen, socola, thịt đóng hộp, các hải sản có vỏ như ốc, sò, cua..., các loại đậu như đậu nành, đậu lăng, đậu Hà Lan,...;
- Kiêng một số thực phẩm gây dị ứng: như lê, cà rốt, hạt phỉ, cần tây, táo xanh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.