Chẩn đoán và điều trị tắc mật do sỏi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội soi tiêu hoá - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Với kinh nghiệm 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi – Nội tiêu hóa, Bác sĩ Đồng Xuân Hà thực hiện thành thạo các kỹ thuật nội soi tiêu hóa chẩn đoán, can thiệp cấp cứu và can thiệp điều trị.

Tắc mật do sỏi là một bệnh lý hay gặp, có nhiều biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao. Do đó việc chẩn đoán kịp thời sẽ giúp cho việc điều trị trở nên dễ dàng hơn.

1. Chẩn đoán tắc mật do sỏi

1.1 Dựa vào triệu chứng lâm sàng

  • Đau bụng: Thường đau ở vùng gan (mạn sườn và hạ sườn phải), hay đôi khi đau ở vùng thượng vị hoặc sau lưng bên phải. Cơn đau nhiều lúc có thể rất dữ dội khi sỏi mật di chuyển, có khi đau âm ỉ hay có cảm giác tức ở vùng hạ sườn phải.
  • Sốt: Triệu chứng thường thấy là những cơn sốt cao 38 – 390C kèm theo rét run.
  • Vàng da: Vàng da thì tùy theo từng thời điểm có lúc xảy ra theo đợt từ 1 đến 2 tuần lại khỏi nhưng sau một thời gian lại xuất hiện lại
  • Nước tiểu sẫm màu: Đây là dấu hiệu xuất hiện sau khi có vàng da, màu của nước tiểu có thể đỏ sậm hoặc như nước vối, nước chè
  • Phân bạc màu: đây là một triệu chứng điển hình của tắc mật do soi, khi phân có thể trắng như phân cò.
  • Ngứa: đây là triệu chứng khi bị dị ứng muối mật.

1.2 Dựa vào cận lâm sàng

Sẽ được chẩn đoán dựa vào các chỉ số sau:

  • Số lượng bạch cầu tăng, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
  • Bilirubin máu tăng cao, phosphatase kiềm tăng.
  • Ure máu tăng, nước tiểu có sắc tố mật và muối mật.
  • X quang chụp bụng không chuẩn bị có thể phát hiện sỏi túi mật (Sỏi sắc tố mật, hỗn hợp hoặc Carbonta canxi)).
  • Chụp đường mật qua da giúp đánh giá đường mật, vị trí và tính chất sỏi
  • Chụp đường mật ngược dòng qua soi tá tràng cho thấy hình ảnh đường mật và đường tụy, có thể xác định vị trí sỏi.
  • Siêu âm: là phương pháp phổ biến, có giá trị, không nguy hiểm và dễ áp dụng. Siêu âm giúp xác định kích thước đường mật, vị trí kích thước và số lượng sỏi. Tỷ lệ chính xác của phương pháp này: 80-95%.
  • MRCP (Magnetic Resonance Cholangiopancreatography - Chụp cộng hưởng từ đường mật): Độ nhạy và độ đặc hiệu cao, hiện nay phương pháp nay được ưa dùng tuy nhiên chưa được phổ biến vì trang thiết bị.
  • Chụp đường mật và sỏi đường mật trong mổ nhằm đánh giá vị trí và kích thước sỏi, hạn chế sót sỏi.

Bệnh nhân tắc mật do sỏi thường bị đau bụng ở vùng gan
Bệnh nhân tắc mật do sỏi thường bị đau bụng ở vùng gan

2. Điều trị tắc mật do sỏi

2.1 Đối với tình trạng sỏi túi mật

Trong tình huống này thì việc điều trị tắc mật sẽ dựa vào kích thước của sỏi và độ tuổi bị sỏi bao gồm:

  • Khi sỏi túi mật trên 1cm nhưng không có triệu chứng

Trường hợp này có thể không cần điều trị. Bởi trong thực tế người bị sỏi đã nhiều năm sống chung mà không có bất cứ một triệu chứng gì.Thông thường biến chứng của loại sỏi này thường nhẹ

  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có sỏi túi mật nên can thiệp phẫu thuật điều trị chủ động trước khi mang thai để đề phòng túi mật viêm đúng vào thời kỳ mang thai sẽ làm cho việc điều trị trở nên rất phức tạp, đặc biệt nếu phải can thiệp phẫu thuật cắt túi mật ở giai đoạn này.

  • Sỏi có kích thước nhỏ tầm từ 2-3mm

Sỏi nhỏ 2-3mm nguy hiểm hơn sỏi lớn 1-2cm vì có thể gây biến chứng rất nặng thậm chí tử vong là viêm tụy cấp hoại tử do sỏi có thể lọt vào ống tụy gây tắc cấp tính.

Do vậy, khi bệnh nhân phát hiện có sỏi túi mật nhỏ 2-3mm nên chủ động khám bệnh viện ngoại khoa yêu cầu phẫu thuật dù sỏi chưa gây triệu chứng gì.

  • Sỏi gây triệu chứng đau, sốt từng đợt

Lúc này nên điều trị bằng phẫu thuật.


Điều trị tắc mật do sỏi cần xem xét kích thước sỏi
Điều trị tắc mật do sỏi cần xem xét kích thước sỏi

Phương pháp điều trị sỏi túi mật:

Điều trị thuốc “tan sỏi” như nhiều hãng thuốc quảng cáo có tác dụng rất hạn chế, chủ yếu tác dụng trong phòng ngừa tạo sỏi ở người nguy cơ cao: cắt dạ dày giảm béo...

Do đó cách tốt nhất chính là phẫu thuật. Hiện nay có 2 phương pháp được sử dụng để điều trị sỏi túi mật đó là:

  • Một là phẫu thuật cắt túi mật kèm sỏi túi mật. Phẫu thuật này không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề tiêu hóa.

Nhưng một nửa số bệnh nhân sau mổ, có thể có những triệu chứng nhẹ như tiêu lỏng, đầy hơi, hoặc chướng bụng. Những khó chịu này thường sẽ tự giảm dần. Bệnh nhân đã mổ cắt bỏ túi mật không cần lo lắng việc sỏi túi mật có thể xuất hiện trở lại.

  • Hai là điều trị loại bỏ sỏi túi mật nhưng vẫn giữ túi mật – Bệnh nhân sẽ dùng thuốc để làm tan sỏi túi mật. Phương pháp này có thể hiệu quả, nhưng cần thời gian – từ vài tháng đến vài năm. Những bệnh nhân có triệu chứng nặng không muốn chờ đợi quá lâu để thấy bớt khó chịu. Thêm vào đó, những viên sỏi có thể tái phát sau điều trị.

2.2 Với những tắc mật do sỏi ở những vị trí khác

  • Tùy vào vị trí gây tắc của sỏi mà có các lựa chọn điều trị khác nhau.
  • Nội soi can thiệp mật tụy ngược dòng (ERCP) lấy sỏi ống mật chủ, hiện nay với nhiều tiến bộ có thể lấy được cả sỏi đường mật trong gan.
  • Tán sỏi qua da, phẫu thuật: Điều trị sỏi đường mật trong gan.

Hiện nay, Vinmec đã áp dụng phương pháp Phẫu thuật đường mật để điều trị sỏi mật với tỉ lệ thành công đạt trên 98%.

Kỹ thuật được áp dụng chỉ định với các bệnh nhân:

  • Sỏi ống mật chủ, sỏi ống gan
  • U bóng Vater
  • U đầu tụy
  • Đặt stent đường mật, sond mật mũi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe