Tắc mật do sỏi: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng

Tắc mật do sỏi là một tình trạng bệnh lý phổ biến, xảy ra khi các viên sỏi hình thành trong đường mật, chặn dòng chảy của dịch mật từ gan xuống ruột. Sỏi túi mật không chỉ gây ra những cơn đau bụng dữ dội mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BSCK I Đồng Xuân Hà - Trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Thế nào là tắc mật do sỏi?

Tắc mật do sỏi (còn gọi là sỏi mật) là tình trạng mà các viên sỏi ở đường mật làm cản trở đường bài xuất mật bên trong hoặc bên ngoài gan, một phần hoặc toàn bộ tùy theo vị trí của sỏi. 

Hình ảnh sỏi túi mật.
Hình ảnh sỏi túi mật.

Sỏi đường mật có hai loại chính: loại ở trong gan và loại ở ngoài gan. Trong số các sỏi ngoài gan, chúng được phân loại thành sỏi ống mật chủ và sỏi túi mật.

Ở vị trí ngay dưới gan, túi mật là một bộ phận nhỏ hình quả lê trong cơ thể. Túi mật có nhiệm vụ lưu trữ dịch mật, một loại dịch cần thiết cho quá trình tiêu hóa chất béo. Trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn, túi mật thường chứa đầy dịch mật và khi thức ăn có chất béo xuất hiện, túi mật sẽ xả ra toàn bộ dịch mật vào ruột.

Có khi, sỏi túi mật sẽ gây trở ngại cho việc giải phóng dịch mật. Bên cạnh đó, sỏi túi mật còn có thể gây viêm cho túi mật. Khi sỏi túi mật bị đẩy ra ngoài túi mật, chúng có khả năng gây tắc nghẽn đường dẫn mật, từ đó tác động đến gan hoặc tụy.

2. Triệu chứng của bệnh sỏi mật

Các biểu hiện của bệnh sỏi mật, gồm có:

  • Đau: Cảm giác đau thường bắt đầu bằng những cơn quặn, sau đó có thể trở thành cơn đau liên tục. Vị trí đau chủ yếu là ở vùng hạ sườn phải, có thể lan ra vai phải và lưng.
  • Sốt: Sau một vài ngày, bệnh nhân có thể xuất hiện cơn sốt từ 38-39 độ C, thường kèm theo triệu chứng rét run.
  • Vàng da: Sau đó, người bệnh có thể nhận thấy mắt và da có màu vàng, nước tiểu có màu vàng đậm, trong khi phân có màu nhạt hơn.
  • Có thể kèm theo nôn. 
Biểu hiện của tắc mật do sỏi là đau ở vùng hạ sườn phải.
Biểu hiện của tắc mật do sỏi là đau ở vùng hạ sườn phải.

3. Phân biệt tắc mật do sỏi với các loại bệnh khác

Vàng da là triệu chứng phổ biến nhất của sỏi túi mật, sỏi đường mật. Do đó, mọi người cần phân biệt tắc mật do sỏi với một số bệnh lý khác cũng gây ra hiện tượng vàng da, chẳng hạn như:

  • Hội chứng Mirizzi.
  • Bệnh Caroli.
  • Ung thư biểu mô ống mật.
  • Ung thư đầu tụy.
  • Ung thư bóng Vater.
  • Ngoài ra, một số bệnh khác như viêm gan siêu vi và ngộ độc thuốc cũng có thể gây vàng da, nhưng thường không khiến bệnh nhân cảm thấy đau đớn nhiều.

4. Biến chứng của tắc mật do sỏi

Biến chứng do sỏi mật được phân loại thành biến chứng cấp tính và biến chứng mạn tính.

4.1 Biến chứng cấp tính

  • Mật thấm vào phúc mạc.
  • Viêm phúc mạc mật.
  • Sốc nhiễm trùng ở đường mật.
  • Viêm thận cấp tính do sỏi mật gây ra (hội chứng gan thận).
  • Viêm tụy cấp do sỏi mật.
  • Viêm mủ và áp xe trong đường mật.
  • Chảy máu ở đường mật do sỏi.

4.2 Biến chứng mạn tính

Tắc mật do sỏi có thể dẫn đến suy gan.
Tắc mật do sỏi có thể dẫn đến suy gan.

5. Điều trị bệnh sỏi mật

Các phương án điều trị tắc mật do sỏi hiện nay gồm:

  • Không điều trị: Thích hợp cho bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng. Khi triệu chứng xuất hiện, mọi người cần xem xét các phương pháp điều trị khác. Lúc này, các lựa chọn điều trị sẽ tùy thuộc vào vị trí sỏi gây tắc.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Đây là kỹ thuật lấy sỏi ở ống mật chủ. Hiện nay, nhờ vào các tiến bộ y khoa và khoa học kỹ thuật, phương pháp này có thể lấy cả sỏi ở đường mật trong gan.
  • Tán sỏi qua da và phẫu thuật: Áp dụng cho các trường hợp sỏi đường mật trong gan.
  • Phẫu thuật cắt túi mật kèm theo sỏi: Đây là ca phẫu thuật phổ biến tại Mỹ, tuy nhiên phương pháp này có những rủi ro nhất định do sử dụng gây mê, dù ít ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Khoảng một nửa số bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị tắc mật do sỏi có thể gặp các triệu chứng nhẹ như tiêu chảy, đầy hơi hoặc bụng trướng. Những triệu chứng này thường sẽ giảm dần theo thời gian. Những người đã cắt bỏ túi mật không cần lo ngại việc sỏi túi mật sẽ tái phát.
  • Điều trị sỏi túi mật mà không cần cắt bỏ túi mật – Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc làm tan sỏi. Mặc dù phương pháp này có thể có hiệu quả, nhưng thời gian điều trị kéo dài từ vài tháng cho đến nhiều năm. Với những bệnh nhân sỏi túi mật có triệu chứng nặng, họ không muốn phải chờ đợi quá lâu để giảm các triệu chứng khó chịu. Ngoài ra, khả năng sỏi hình thành trở lại sau điều trị cũng khá cao.

Nhìn chung, tắc mật do sỏi cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhất là những trường hợp bệnh nhân gặp phải những triệu chứng như sốt cao và rét run. Mọi người cần phải chủ động kiểm tra sức khoẻ, xây dựng một lối sống lành mạnh để bảo vệ tốt sức khỏe, phòng ngừa sỏi túi mật và các bệnh lý gan mật khác. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe