Thuốc Lanreotide: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Lanreotide là thuốc được chỉ định để điều trị lâu dài bệnh to các viễn cực (bệnh to đầu chi). Chúng hoạt động bằng cách giảm lượng hormone tăng trưởng trong cơ thể về mức bình thường. Trong một số trường hợp Lanreotide cũng được dùng để ngăn sự phát triển của một số khối u ở dạ dày, ruột hoặc tuyến tụy.

1. Lanreotide là thuốc gì?

Thuốc Lanreotide thường được chỉ định để điều trị một tình trạng được gọi là bệnh to các viễn cực (còn gọi là bệnh to đầu chi - Acromegaly) xảy ra khi cơ thể tạo ra quá nhiều hormone tăng trưởng.

Thuốc Lanreotide được chỉ định khi phẫu thuật hoặc điều trị bức xạ chưa hoàn toàn thành công hoặc không thể áp dụng. Việc điều trị bệnh to đầu chi giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng như tiểu đường và bệnh tim.

Thuốc Lanreotide không phải là thuốc chữa hoàn toàn bệnh to đầu chi, mà được dùng để điều trị lâu dài tình trạng này. Ngoài ra, thuốc Lanreotide cũng được sử dụng để điều trị một số bệnh khác như:

  • Bệnh ung thư hoặc khối u ở dạ dày, ruột hoặc tuyến tụy. Lanreotide giúp làm chậm sự phát triển của những khối u này.
  • Điều trị hội chứng Carcinoid bằng cách giảm nhu cầu sử dụng một loại thuốc khác để điều trị tiêu chảy hoặc cơ thể nóng bừng do hội chứng Carcinoid.

2. Liều dùng và cách dùng

  • Thuốc Lanreotide thường được tiêm dưới da tại vùng mông theo chỉ định của bác sĩ, thường là 4 tuần/ lần. Để giảm tình trạng kích ứng do tiêm, bác sĩ sẽ tiêm luân phiên giữa mông trái và mông phải với mỗi liều.
  • Liều tiêm dựa vào tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng với điều trị của bạn.
  • Cần duy trì lịch tiêm thuốc Lanreotide đều đặn để thuốc phát huy tối đa lợi ích.
  • Hãy báo cho bác sĩ nếu tình trạng bệnh không cải thiện hoặc có chiều hướng xấu đi.

Thuốc Lanreotide thường được tiêm dưới da tại vùng mông theo chỉ định của bác sĩ
Thuốc Lanreotide thường được tiêm dưới da tại vùng mông theo chỉ định của bác sĩ

3.Tác dụng không mong muốn

  • Cũng tương tự như nhiều loại thuốc khác, thuốc Lanreotide cũng có thể mang lại một số tác dụng phụ như: Đau đầu, đau cơ, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, tăng huyết áp, phân lỏng, tiêu chảy, táo bón, khó chịu ở dạ dày, đầy hơi hoặc sụt cân. Sau khi tiêm, bạn cũng có thể bị đau và kích ứng tại chỗ tiêm.
  • Nếu sau khi tiêm, bạn thấy có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào như dưới đây hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức:
    • Dấu hiệu của các vấn đề về túi mật, sỏi mật (ví dụ: Sốt, đau dạ dày , đau bụng, buồn nôn, nôn dữ dội, vàng mắt, vàng da, đau không rõ nguyên nhân ở lưng, vai phải).
    • Các dấu hiệu của tuyến giáp kém hoạt động (ví dụ: Táo bón nặng, không dung nạp lạnh, tăng cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi bất thường hoặc cực kỳ mệt mỏi; phát triển khối u, sưng ở phía trước cổ).
    • Nhịp tim chậm, thay đổi tâm trạng (ví dụ: Trầm cảm).
  • Trong trường hợp hiếm, thuốc Lanreotide có thể gây thay đổi lượng đường trong máu, nhất là với những người đang bị tiểu đường. Dấu hiệu lượng đường trong máu cao sẽ là tăng cảm giác khát và đi tiểu. Các dấu hiệu của lượng đường trong máu thấp bao gồm: Lo lắng, run rẩy, đổ mồ hôi, tim đập nhanh và đói. Hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị tăng hoặc giảm chỉ số đường huyết trong khi dùng thuốc này. Nên thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu theo chỉ dẫn của bác sĩ, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc điều chỉnh các loại thuốc điều trị tiểu đường của bạn.

4. Thận trọng

Trước khi dùng thuốc Lanreotide, hãy lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nếu bạn bị dị ứng với Lanreotide hoặc có bất kỳ tình trạng nào khác, hãy thông báo ngay cho bác sĩ;
  • Nên chia sẻ với bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bạn, đặc biệt nếu bạn có bệnh lý gan thận, bệnh tiểu đường, các vấn đề về tim (ví dụ: Nhịp tim chậm, huyết áp cao, các vấn đề về van tim), các vấn đề về tuyến giáp, các vấn đề về túi mật (ví dụ: Sỏi mật);
  • Thuốc Lanreotide có thể gây chóng mặt, buồn ngủ hoặc làm mờ tầm nhìn nên bệnh nhân không sử dụng cùng các chất kích thích, đồ uống có cồn. Không sử dụng máy móc, lái xe hoặc làm bất cứ điều gì cần sự tập trung hoặc tỉnh táo trong khi thuốc còn tác dụng;
  • Với phụ nữ đang mang thai, chỉ nên tiêm thuốc Lanreotide khi thật sự cần thiết. Nên trao đổi về những lợi ích và rủi ro của thuốc với bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Hiện vẫn chưa rõ thuốc Lanreotide có đi vào sữa mẹ và gây tác dụng không mong muốn tới trẻ đang bú mẹ hay không, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
  • Một số loại thuốc khác có thể tương tác với Lanreotide bao gồm: thuốc chẹn beta (ví dụ: Metoprolol, Propranolol), Pegvisomant.

Nếu bạn có các vấn đề về tim thì hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Lanreotide
Nếu bạn có các vấn đề về tim thì hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Lanreotide

5. Một số lưu ý

  • Quá liều: Nếu sử dụng thuốc Lanreotide quá liều và thấy các triệu chứng như ngất xỉu hoặc khó thở, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.
  • Bệnh nhân được khuyến khích đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là thực hiện các xét nghiệm y tế như đo nồng độ hormone tăng trưởng, đo chỉ số đường huyết, kiểm tra chức năng tuyến giáp, huyết áp, nhịp tim...để theo dõi tiến triển và kiểm tra các tác dụng phụ.
  • Quên liều: Việc tuân thủ đúng lịch trình tiêm thuốc Lanreotide rất quan trọng. Nếu bạn bỏ lỡ một liều, hãy trao đổi với bác sĩ ngay lập tức để biết lịch tiêm thuốc mới.
  • Bảo quản: Thuốc Lanreotide chỉ được tiêm tại các cơ sở y tế và không được lưu trữ và bảo quản tại nhà riêng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe