Bài viết bởi bác sĩ chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Rách chóp xoay vùng vai là tình trạng đứt một phần hoặc hoàn toàn gân cơ thuộc nhóm cơ chóp xoay. Nguyên nhân rách cơ chóp xoay thường do chấn thương và thoái hóa. Do đó, nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại các biến chứng như lỏng khớp, mất vững các khớp và viêm khớp thoái hóa.
1. Rách chóp xoay là gì?
Chóp xoay bả vai gồm có 4 cơ: cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai, cơ tròn nhỏ. Bốn cơ này bám vào đầu trên xương cánh tay tạo thành một cái chóp, gọi là chóp xoay.
Theo đó, chóp xoay có 2 vai trò là giúp xương cánh tay có thể xoay trong ổ chảo và giữ vững khớp vai nhờ sự áp sát đầu trên xương cánh tay vào bao khớp ổ chảo. Nhờ tác dụng giữ neo khớp vai của chóp xoay mà khi các cơ khác của khớp vai (như cơ delta, cơ ngực lớn) co rút sẽ tạo ra cử động của xương cánh tay quanh ổ chảo.
Rách chóp xoay thường gặp ở những người trên 40 tuổi do thoái hóa các cấu trúc gân hoặc thiếu tập thể dục, nhưng cũng có thể xảy ra ở những người trẻ do chấn thương. Các chấn thương sau đây dễ dẫn đến rách chóp xoay:
- Té trong tư thế cánh tay dang rộng.
- Nâng vật nặng qua khỏi đầu từ dưới đất.
- Đưa tay ra sau đột ngột, mạnh (ví dụ như đưa tay ra lấy một vật ở ghế sau trên xe hơi).
- Liên quan đến các chấn thương làm gãy xương hoặc các động tác lập đi lập lại như công nhân làm việc thường đưa tay qua khỏi đầu như thợ sơn, công nhân xây dựng, vận động viên thể thao (bơi lội, đánh quần vợt ...)
2. Các dấu hiệu và triệu chứng của rách chóp xoay
- Đau phía trước hoặc ngoài khớp vai, lan xuống mặt ngoài cánh tay.
- Đau tăng lên khi đưa tay qua khỏi đầu và khi dạng cánh tay.
- Đau về đêm, đặc biệt khi nằm nghiêng bên vai đau.
- Yếu cánh tay.
- Có thể có tiếng kêu răng rắc hoặc ken két ở khớp vai khi vận động.
- Teo dần các cơ quanh khớp vai.
3. Hậu quả việc rách chóp xoay
Rách chóp xoay không điều trị sẽ đưa đến lỏng và mất vững khớp, chèn ép và tổn thương gân nhị đầu, cuối cùng đưa đến viêm khớp thoái hóa sớm và nặng làm hư khớp.
Chẩn đoán rách chóp xoay bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:
- Triệu chứng lâm sàng và qua thăm khám thực thể của bác sĩ chuyên khoa.
- Chụp X-quang.
- Chụp bao khớp (qua gây tê tại chỗ và bơm chất cản quang để xác định vị trí và kích thước chỗ rách.
- Siêu âm khớp.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
4. Điều trị rách chóp xoay
Điều trị bảo tồn bằng cách:
- Nghỉ ngơi và hạn chế vận động đưa tay qua đầu và dang rộng cánh tay.
- Dùng thuốc kháng viêm giảm đau.
- Tiêm corticoid tại chỗ.
- Tập vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh các cơ còn lại.
Thường điều trị bảo tồn phải mất hàng tháng để bệnh nhân tập luyện giúp phục hồi sức cơ để đạt được sự vững khớp.
Phẫu thuật sửa chữa chóp xoay phụ thuộc vào kích thước, hình dạng và vị trí rách. Nếu rách bán phần, chỉ cần cắt lọc làm gọn lại chỗ rách. Nếu rách lớn gần hoàn toàn gân cơ thì phẫu thuật khâu lại 2 bên gân bị rách. Nếu rách sát chỗ gân bám vào lồi củ lớn xương cánh tay thì khâu đính gân trực tiếp vào xương. Mục tiêu là phải giúp bệnh nhân giảm đau và phục hồi chức năng chóp xoay.
4.1. Kỹ thuật mổ mở
4.2. Phẫu thuật nội soi
Là một tiến bộ mới trong phẫu thuật khớp vai, thông qua 3 đường rạch da nhỏ để vào khớp vai. Bác sĩ sẽ quan sát và sửa chữa tổn thương thông qua màn hình, do đó bệnh nhân sẽ tốn nhiều chi phí hơn so với mổ mở.
5. Biến chứng phẫu thuật
Một số biến chứng có thể gặp trong quá trình phẫu thuật như sau:
- Nhiễm trùng.
- Chèn ép chỗ sửa chữa.
- Rách chóp xoay tái phát.
- Tổn thương thần kinh tạm thời hoặc vĩnh viễn (thần kinh phân bố chóp xoay).
- Bong cơ delta chỗ sửa chữa.
- Cứng khớp vai.
- Đau tăng lên do viêm thoái hóa khớp cánh tay, ổ chảo có từ trước. Viêm thoái hóa khớp nặng do rách chóp xoay nặng, kéo dài không điều trị.
6. Sau mổ rách chóp xoay bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc như thế nào?
Trong 2 tuần đầu:
- Cho bệnh nhân mang nẹp dạng cánh tay, làm ngay tại phòng mổ.
- Tránh vận động tay bên mổ.
- Bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu sẽ theo dõi bệnh nhân để quyết định bỏ nẹp khi nào và hướng dẫn bệnh nhân tập vận động thụ động có kiểm soát khớp vai.
Sau mổ 2 tuần:
- Kiểm tra lại vết mổ và cắt chỉ.
- Đánh giá và kiểm soát đau.
- Bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu đánh giá tầm vận động thụ động và chủ động.
Sau mổ 4 tuần:
- Bác sĩ phẫu thuật đánh giá lại chức năng chóp xoay và cơ delta; mức độ đau; tầm vận động chủ động và thụ động, chức năng thần kinh. Bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu lên chương trình tập vận chủ động có trợ giúp.
Sau mổ 6 tuần:
- Bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu lên chương trình tập vận động chủ động hoàn toàn và cho bệnh nhân bỏ hẳn nẹp.
Sau mổ 12 tuần:
- Bác sĩ phẫu thuật đánh giá tầm vận động chủ động và thụ động, chức năng cơ delta trước và chóp xoay.
Sau mổ 6 tháng:
- Tái khám lần cuối.
- Đánh giá tầm vận động chủ động và thụ động.
- Tiếp tục tập vật lý trị liệu tại nhà hoặc tái khám sau mỗi 3 tháng.
- Tiếp tục chương trình tập tăng cường sức cơ tại nhà và trở lại công việc như trước.
Rách chóp xoay thường gặp ở những người trên 40 tuổi do thoái hóa các cấu trúc gân hoặc thiếu tập thể dục, nhưng cũng có thể xảy ra ở những người trẻ do chấn thương. Chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng gợi ý, kết hợp hình ảnh học (cộng hưởng từ) để xác định chẩn đoán. Điều trị hiệu quả tối ưu nhất hiện nay là nội soi khâu gân chóp xoay, có thể kết hợp mở rộng khoang cùng vai và tập vật lý trị liệu tích cực sau mổ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.