Chẩn đoán và điều trị bệnh crohn ở trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh Crohn là bệnh viêm không đặc hiệu, gây tổn thương ở cả ruột non, ruột già, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến đại tràng và cả hậu môn. Bệnh mang tính chất gia đình, thường gặp ở trẻ em.

1. Hội chứng Crohn

Bệnh Crohn, còn được gọi là bệnh viêm ruột từng vùng. Biểu hiện của bệnh gồm có đỏ, sưng (viêm) và lở loét dọc theo đường tiêu hóa, chủ yếu là gây loét thành trong của ruột non và đại tràng. Đây là một phần của một nhóm bệnh được gọi là bệnh viêm ruột hay IBD. Bệnh Crohn gây tổn thương ở cả ruột non, ruột già, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến đại tràng và cả hậu môn. Nguyên nhân gây hội chứng crohn hiện chưa được biết.

Bệnh Crohn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nó thường ảnh hưởng đến những người từ 15 đến 35 tuổi. Nhưng Crohn cũng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh ảnh hưởng đến cả nam và nữ như nhau.

Trẻ em hoặc thanh thiếu niên có thể có nhiều nguy cơ mắc bệnh Crohn, nếu họ:

  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh Crohn.
  • Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ dân tộc nào. Nếu là người gốc Do Thái, nguy cơ thậm chí còn cao hơn.
  • Nơi sinh sống: Bệnh Crohn xảy ra nhiều hơn ở những người sống ở các thành phố và các quốc gia công nghiệp, có thể các yếu tố môi trường, bao gồm chế độ ăn giàu chất béo trong thực phẩm hoặc tinh chế, có vai trò trong bệnh Crohn.
  • Sử dụng Isotretinoin, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).

Nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa bệnh Crohn và viêm đại tràng
Nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa bệnh Crohn và viêm đại tràng

2. Bệnh Crohn có nguy hiểm không?

Bệnh Crohn nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Tắc ruột: Bệnh Crohn ảnh hưởng đến toàn bộ chiều dày của thành ruột. Theo thời gian, thành ruột có thể dày lên và gây hẹp lòng ruột, có thể chặn dòng chảy của dịch tiêu hóa qua phần ruột bị ảnh hưởng. Một số trường hợp phải phẫu thuật để loại bỏ phần ruột bị bệnh.
  • Suy dinh dưỡng: Tiêu chảy, đau bụng và co thắt ruột có thể gây cản trở ăn uống hoặc cản trở ruột hấp thụ chất dinh dưỡng gây ra suy dinh dưỡng. Ngoài ra, thiếu máu thường gặp ở những người bị bệnh Crohn.
  • Loét đường tiêu hóa: Chứng viêm kinh niên có thể dẫn đến vết loét ở bất cứ nơi nào trên đường tiêu hóa, bao gồm cả miệng và hậu môn và ở vùng sinh dục. Loét có thể gây thủng hoặc hình thành các lỗ dò.
  • Đường dò (fistulas): Đôi khi loét có thể mở rộng hoàn toàn qua thành trong của ruột tạo ra một lỗ rò (nối thông bất thường giữa các phần khác nhau của đường ruột, giữa ruột và da, hoặc giữa ruột và cơ quan khác, như bàng quang hay âm đạo). Khi đường dò hình thành, thực phẩm có thể qua các khu vực dò ruột. Lỗ rò ra ngoài có thể gây thoát dịch trên da, và trong một số trường hợp, lỗ dò có thể trở nên bị viêm nhiễm và tạo thành áp - xe, có thể đe dọa tính mạng nếu không được chữa trị.
  • Khe nứt hậu môn: Đây là một vết nứt trong hậu môn hoặc trong da xung quanh hậu môn, có thể vết nứt bị nhiễm khuẩn. Vết nứt thường gây đau khi đi đại tiện.
  • Vấn đề sức khỏe khác: Ngoài viêm và loét ở đường tiêu hóa, bệnh Crohn có thể gây ra vấn đề trong các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như viêm khớp, viêm mắt hoặc da, móng tay hình chùy, sỏi thận, sỏi mật và đôi khi viêm ống dẫn mật. Người bị bệnh Crohn lâu cũng có thể phát triển bệnh loãng xương.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh Crohn có thể gây nguy cơ tắc ruột
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh Crohn có thể gây nguy cơ tắc ruột

3. Chẩn đoán

Thông thường, bác sĩ sẽ xem xét về tiền sử bệnh và gia đình bệnh nhân, kiểm tra những dấu hiệu của hội chứng Crohn nếu trẻ đã mắc bệnh trong thời gian dài:

  • Đau bụng
  • Phân lỏng (tiêu chảy)
  • Sốt
  • Sụt cân
  • Mất tế bào hồng cầu khỏe mạnh (thiếu máu). Điều này có thể khiến con bạn cảm thấy mệt mỏi.

Các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định trong chẩn đoán hội chứng Crohn:

  • Xét nghiệm máu: Khi xét nghiệm máu, bác sĩ xem xét các dấu hiệu của thiếu máu hoặc dấu hiệu tăng bạch cầu – một biểu hiện của phản ứng viêm trong cơ thể.
  • Nuôi cấy phân: Xét nghiệm này được thực hiện để xem liệu nhiễm trùng do ký sinh trùng hoặc vi khuẩn gây ra các triệu chứng.
  • Nội soi: Bác sĩ sử dụng thiết bị nội soi để kiểm tra bên trong một phần của đường tiêu hóa. Các mẫu mô hoặc sinh thiết từ bên trong đường tiêu hóa cũng có thể được lấy để xét nghiệm.
  • Nội soi đại tràng: Đây là phương pháp giúp bác sĩ xem xét toàn bộ chiều dài của ruột già. Nó có thể giúp kiểm tra sự tăng trưởng bất thường, mô bị viêm, vết loét hoặc loét và chảy máu.
  • Sinh thiết: Một mẫu mô được lấy từ niêm mạc đại tràng và kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
  • Chụp cắt lớp CT: Những xét nghiệm hình ảnh này giúp bác sĩ quan sát ruột non và có thể cho thấy bất kỳ dấu hiệu viêm hoặc biến chứng.
  • Chụp đại tràng cản quang: Thủ thuật này sử dụng một loại thuốc cản quang để hình ảnh đại tràng hiển thị rõ trên X-quang.

Chẩn đoán tình trạng các mô bị viêm, vết loét bằng nội soi đại tràng
Chẩn đoán tình trạng các mô bị viêm, vết loét bằng nội soi đại tràng

>>Xem thêm: Điều trị cho nhóm bệnh nhân Crohn nguy cơ cao- Bài viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

4. Điều trị

Bệnh Crohn là một bệnh lâu dài (mãn tính). Không có phương pháp điều trị dứt điểm cho bệnh lý này. Nhưng có một số phương pháp được áp dụng có thể giúp kiểm soát bệnh. Điều trị rối loạn có 4 mục tiêu:

  • Vấn đề dinh dưỡng đúng
  • Kiểm soát sưng và viêm
  • Kiểm soát các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy và chảy máu trực tràng
  • Không để xảy ra biến chứng. Chúng bao gồm các đường dò (lỗ rò) và hẹp ruột gây tắc nghẽn.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị cho trẻ cần dựa vào nhiều yếu tố như: Tuổi, tiền sử bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh.

  • Điều trị nội khoa: Thuốc thường dùng để làm giảm tình trạng viêm ở đại tràng. Điều này có thể giúp giảm đau bụng và tiêu chảy. Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần sử dụng steroid, kháng sinh hoặc thuốc có tác động đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.
  • Chế độ dinh dưỡng: Việc thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống của trẻ có thể giúp giảm bớt các triệu chứng. Trong một số trường hợp, các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn do sữa, gia vị nóng hoặc chất xơ. Hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ.
  • Cung cấp vitamin: Vitamin có thể giúp ngăn ngừa một số vấn đề hoặc giúp duy trì sự thuyên giảm. Bởi vì nhiều trẻ em bị Crohn không hấp thụ chất dinh dưỡng bình thường, nên thiếu hụt vitamin là rất phổ biến. Tuy nhiên, không nên tùy tiện bổ sung vitamin cho trẻ, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về loại vitamin và liều dùng cho trẻ.
  • Phẫu thuật: Nếu chế độ ăn uống và thay đổi lối sống, thuốc trị liệu hoặc phương pháp điều trị khác không làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật để loại bỏ một phần đường tiêu hóa bị tổn thương nặng hay để đóng đường dò hoặc loại bỏ các mô sẹo. Phẫu thuật có thể giúp thuyên giảm tốt nhất trong điều trị Crohn, tuy nhiên những lợi ích của phẫu thuật chỉ là tạm thời. Bệnh thường tái phát ở nơi khác của đường tiêu hóa.

Tóm lại, Crohn là một loại bệnh viêm ruột mạn tính (IBD) với những triệu chứng như đỏ, sưng (viêm) và lở loét dọc theo đường tiêu hóa. Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi Crohn, tuy nhiên việc thực hiện một số thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng. Việc điều trị bệnh bằng thuốc hoặc phẫu thuật tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe