Bệnh Crohn là tình trạng viêm ruột từng vùng có thể gặp ở tất cả các đối tượng bất kể giới tính hay độ tuổi, kể cả trẻ em, nhưng hầu hết bệnh nhân bị bệnh Crohn nằm trong khoảng từ 16-30 và 60-80 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được xác định một cách chắc chắn, nếu không được phát hiện sớm và điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn là bệnh viêm tại đường ruột (Inflammatory Bowel Disease- IBD), lây lan và đi sâu vào thành của đường tiêu hóa ở bất cứ nơi nào từ miệng đến hậu môn gây loét, chảy máu. Bệnh tác động ở cả ruột non và ruột già gây đau đớn, suy nhược cho người bệnh, đôi khi còn đe dọa tính mạng.
2. Làm thể nào để biết mình bị bệnh Crohn?
Bệnh nhân mắc bệnh Crohn có thể có các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, phát triển dần dần hoặc xảy ra đột ngột. Các biểu hiện nghi ngờ bệnh Crohn gồm có:
- Đau bụng: do tổn thương thành ruột và co thắt, nhất là ở vùng hố chậu phải nên dễ nhầm với viêm ruột thừa hoặc viêm đại tràng, sỏi niệu quản. Đau thường xảy ra sau khi ăn kèm buồn đi đại tiện và thuyên giảm sau đại tiện.
- Sốt cao: một số trường hợp có sốt (39-40°C)
- Đi ngoài phân lỏng hoặc có kèm máu
- Tiêu chảy: là dấu hiệu hay gặp nhất ở người bệnh Crohn
- Một số trường hợp bệnh tiến triển từ từ và kéo dài khoảng trên 2 năm với các dấu hiệu đau âm ỉ, da xanh, mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, thiếu máu, thể trạng suy sụp thường là bệnh Crohn mạn tính
>>Xem thêm: Điều trị cho nhóm bệnh nhân Crohn nguy cơ cao- Bài viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
3. Các xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh Crohn:
Bác sĩ có khả năng chẩn đoán bệnh Crohn chỉ sau khi loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân như hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm túi thừa hoặc ung thư ruột kết. Để xác nhận chẩn đoán có thể cần tới các xét nghiệm bệnh Crohn sau:
- Xét nghiệm máu: để kiểm tra tình trạng thiếu máu ở bệnh nhân là tình trạng bệnh nhân không có đủ tế bào hồng cầu mang oxy đến các mô hoặc để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng.
- Tìm máu trong phân (FOBT): để xác định bệnh nhân có tình trạng đi cầu phân máu hay không
- Soi ruột già: là xét nghiệm cho phép xem xét toàn bộ đại tràng bằng cách sử dụng một ống đèn với máy ảnh kèm theo. Bác sĩ thực hiện có thể lấy một mẫu sinh thiết để phân tích giúp xác định chẩn đoán.
- Một số bệnh nhân có cụm các tế bào viêm được gọi là u hạt dùng trong chẩn đoán xác định bệnh Crohn vì viêm loét đại tràng không có nhóm tế bào này.
- Soi đại tràng Sigmoid: giúp kiểm tra phần cuối của ruột già
- Thuốc xổ Bari: chẩn đoán đánh giá ruột già với X-quang, trước khi thử nghiệm cho bệnh nhân dùng thuốc xổ với chất nhuộm màu tương phản có chứa Bari để tạo ra hình ảnh của trực tràng và ruột già trên phim X-quang
- Hình ảnh ruột non: sau khi uống dung dịch chứa Bari, thu thập hình ảnh X-quang, CT hoặc MRI của ruột non mà nội soi không thể thấy được. Thử nghiệm này giúp xác định vị trí khu vực hẹp hoặc viêm trong ruột non được tìm thấy trong bệnh Crohn, mặt khác còn giúp loại trừ viêm ruột.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner): giúp nhìn toàn bộ ruột và mô ruột bên ngoài không thể nhìn thấy được bằng các xét nghiệm khác.
- Viên nang nội soi: nếu bệnh nhân có các biểu hiện của bệnh Crohn nhưng xét nghiệm lại cho kết quả âm tính thì bác sĩ có thể chỉ định viên nang nội soi để kiểm tra. Viên nang này chứa một camera ở trong đó giúp chuyển hình ảnh lên màn hình và kiểm tra các dấu hiệu của bệnh Crohn
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.