Chẩn đoán u xương sụn bằng những phương pháp y tế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Phương Nga - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

U xương sụn là dạng u xương lành tính thường gặp ở độ tuổi xương đang phát triển. Để chẩn đoán u xương sụn, ngoài thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ có thể chỉ định nhiều kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI,...

1. Bệnh u xương sụn là gì?

U xương sụn (Osteochondroma) là dạng u xương lành tính thường gặp nhất ở các xương đang phát triển, xảy ra do sự quá phát của sụn và xương ở gần các đầu xương. U sụn trông giống như một vết sưng cứng gần khớp. Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này hiện chưa được biết rõ, một số giải thuyết cho rằng bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền, tuy nhiên hiện chưa được khẳng định chính xác.

U xương sụn thường xảy ra ở các xương có bản sụn phát triển như các xương dài ở chân (xương đùi, xương chày), các xương ở tay (xương cánh tay, xương cẳng tay), xương chậu hoặc xương bả vai. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi hệ xương đang phát triển, tức là lứa tuổi từ 10 đến 30 tuổi. Khối u sụn của trẻ sẽ to hơn khi trẻ lớn lên. Và khi hệ xương của trẻ ngừng phát triển, khối u cũng ngừng phát triển. Tần suất mắc bệnh là như nhau ở nam và nữ.

Khi mắc bệnh u xương sụn, người bệnh có thể có một hoặc nhiều triệu chứng như:

  • Xuất hiện dưới da một khối u cứng, sờ rõ, liền với xương, không đau, không di chuyển .
  • Trẻ mắc bệnh có chiều cao thấp hơn bình thường của độ tuổi.
  • Trẻ thường có một chân (tay) dài hơn chân (tay) kia do sự biến dạng về hình thái (cong, vẹo) của tay hoăc chân
  • Đau các cơ bắp lân cận khối u
  • Cảm thấy khó chịu, áp lực khi tập thể dục

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, người bị u xương sẽ không có triệu chứng gì cho đến khi khối u phát triển với kích thước lớn hoặc khối u được tình cờ phát hiện khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán các bệnh lý khác.


U xương sụn (Osteochondroma) là dạng u xương lành tính thường gặp nhất ở các xương đang phát triển, xảy ra do sự quá phát của sụn và xương ở gần các đầu xương
U xương sụn (Osteochondroma) là dạng u xương lành tính thường gặp nhất ở các xương đang phát triển, xảy ra do sự quá phát của sụn và xương ở gần các đầu xương

2. Chẩn đoán u xương sụn bằng những phương pháp y tế nào?

Để chẩn đoán u xương sụn, ngoài việc thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như sau:

  • Chụp X-quang: thường là kỹ thuật đầu tay được chỉ định để xác định đặc điểm tổn thương xương. Chụp X-quang giúp cho thấy hình ảnh rõ ràng về cấu trúc dày đặc của xương, sự phát triển của xương liên quan đến u xương sụn. Quan trọng hơn, hình ảnh X-quang cho phép xác định chính xác vị trí, kích thước khối u xương sụn, mỗi liên quan khối u với sụn tiếp hợp,...
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) giúp xác định chi tiết các tổn thương xương, cho thấy sự xuất hiện của vôi hóa và tình trạng các mô mềm xung quanh. Chụp CT cho phép đánh giá u xương sụn rõ hơn và phân biệt với các thương tổn khác, đặc biệt là khi khối u ở các vị trí khó như xương bả vai, xương sườn, khung chậu.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): là phương pháp giúp mô tả chính xác hình thái của khối u, giúp xác định khối u có liên tục với vỏ của xương không đồng thời phân biệt u xương sụn với các tổn thương khác trên bề mặt xương. Chụp MRI cho phép đánh giá tốt hơn các tổn thương xương và phần mềm xung quanh. MRI cũng có thể được sử dụng để tìm sụn trên bề mặt khối u và phát hiện biến chứng mạch máu do khối u gây ra.

Để chẩn đoán u xương sụn, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp cộng hưởng từ
Để chẩn đoán u xương sụn, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp cộng hưởng từ

3. U xương sụn được điều trị như thế nào?

Hầu hết bệnh nhân mắc u xương sụn có thể sống chung hòa bình với bệnh nếu khối u không phát triển quá mức và gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Người bệnh cần được tái khám sức khỏe theo định kỳ để bác sĩ theo dõi sự phát triển của xương và khối u.

Biện pháp phẫu thuật để loại bỏ khối u có thể được thực hiện, nếu khối u xương sụn gây đau nhức, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và vận động. Việc can thiệp phẫu thuật nên thực hiện vào giai đoạn muộn khi trẻ đã đến tuổi trưởng thành, nếu can thiệp sớm khả năng tái phát sẽ cao hơn.

Khi được chẩn đoán u xương sụn, bệnh nhân cần được thăm khám, theo dõi và tái khám sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe