Chẩn đoán phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn

Bất cứ ai đều có nguy cơ mắc bệnh suy thận cấp hoặc suy thận mạn tính, trong đó, suy thận cấp tính có thể được điều trị khỏi, chức năng thận được hồi phục, còn suy thận mạn tính là tình trạng thận bị tổn thương, xơ hóa, mất chức năng. Lúc này người bệnh được chỉ định lọc máu thay thận.

1. Thế nào là suy thận cấp và suy thận mạn?

1.1 Suy thận cấp

Suy thận cấp tính hay còn gọi là suy thận cấp, là tình trạng thận bị tổn thương, các chức năng chính của thận bao gồm lọc và đào thải nước, muối và các chất độc dư thừa khác bị mất đột ngột và tiến triển một cách nhanh chóng trong khoảng vài giờ đến vài ngày. Khi đó, cơ thể sẽ đối mặt với tình trạng rối loạn cân bằng nước - điện giải, kiềm - toan.

1.2 Suy thận mạn

Suy thận mạn tính hay còn gọi là suy thận mạn, là tình trạng thận bị tổn thương, xơ hóa, chức năng thận suy giảm và không thể hồi phục được, đây là kết quả của các bệnh lý về tiết niệu và thận mạn tính. Suy thận mạn tiến triển qua từng giai đoạn và kéo dài trong nhiều tháng cho đến nhiều năm.


Suy thận mạn theo từng giai đoạn
Suy thận mạn theo từng giai đoạn

2. Chẩn đoán phân biệt suy thận cấp tính và suy thận mạn tính

Chẩn đoán phân biệt suy thận cấp tính và suy thận mạn tính sẽ dựa vào các yếu tố bao gồm: tiền sử, bệnh cảnh, nguyên nhân và triệu chứng của suy thận tiến triển qua từng giai đoạn của bệnh.

2.1 Nguyên nhân

2.1.1 Nguyên nhân gây suy thận cấp

Các nhóm nguyên nhân chính được cho là gây ra tình trạng suy thận cấp bao gồm nguyên nhân trước thận (làm giảm lưu lượng máu đến thận bị suy giảm), tại thận (thận bị tổn thương, đột ngột suy giảm chức năng lọc) và sau thận, cụ thể:

  • Nguyên nhân trước thận: Thể tích lưu lượng máu bị giảm do mất máu, mất nước, dùng thuốc lợi tiểu; giảm cung lượng tim do bị suy tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp tụt, tim bị chèn ép; giãn mạch ngoại vi do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, dùng thuốc gây mê, cơ thể bị choáng phản vệ; lượng dịch trong cơ thể tái phân bổ do bị bỏng nặng, hội chứng thận hư, viêm tụy cấp, ...
  • Nguyên nhân tại thận: Một số bệnh làm tổn thương và dẫn đến suy thận cấp như viêm ống thận, viêm mô kẽ, viêm cầu thận, thận nhiễm mỡ, các bệnh mạch máu thận như máu đông làm tắc nghẽn các mạch máu trong và ngoài thận; nhiễm khuẩn; ngộ độc thuốc và các chất khác...

Ngộ độc thuốc gây tổn thương thận
Ngộ độc thuốc gây tổn thương thận

2.1.2 Nguyên nhân gây suy thận mạn

Phần lớn các bệnh thận mạn tính gây ra suy thận mạn là do các bệnh: viêm cầu thận, viêm ống kẽ thận, mạch thận.

  • Viêm cầu thận mạn: Đây là nguyên nhân chính dẫn đến suy thận mạn.
  • Viêm ống kẽ thận: Bệnh do một số loại thuốc trong thời gian dài như thuốc giảm đau Phenylbutazone, hoặc do nồng độ canxi, acid uric trong máu tăng.
  • Viêm bể thận mạn: Bệnh xuất hiện ở những bệnh nhân bị sỏi tiết niệu, là nguyên nhân dẫn đến viêm bể thận mạn, gây suy thận mạn tính.
  • Bệnh mạch thận: Xơ hóa mạch thận (ác tính hoặc lành tính), huyết khối vi mạch thận, tắc tĩnh mạch thận, viêm xung quanh động mạch dạng nút.
  • Bệnh thận bẩm sinh: Các bệnh lý ở thận do di truyền hoặc không di truyền như loạn sản thận, thận đa nang, thận chuyển hóa gây suy thận mạn.
  • Các bệnh khác: tiểu đường, Lupus.

2.2 Triệu chứng

2.2.1 Triệu chứng suy thận cấp

Suy thận cấp không có triệu chứng, thông thường bệnh được phát hiện thông một số xét nghiệm. Tuy nhiên, trên lâm sàng, bệnh có những triệu chứng sau:

  • Thiểu niệu, lượng nước tiểu giảm.
  • Phù ở mặt, bàn chân, mắt cá chân, chân.
  • Đau vùng lưng, hông, chậu.

Người bệnh đau vùng thận
Người bệnh đau vùng thận

  • Mệt mỏi, khó thở, đau ngực, buồn nôn, buồn ngủ,...
  • Co giật, hôn mê (trường hợp nặng).

2.2.2 Triệu chứng suy thận mạn

Tuỳ vào nguyên nhân gây suy thận mạn sẽ tương ứng với những triệu chứng khác nhau:

  • Phù: Đây là triệu chứng điển hình của các bệnh lý thận, tuy nhiên, tùy vào nguyên nhân mà mức độ và thời gian bị phù là khác nhau. Hầu hết các bệnh lý thận ở giai đoạn cuối đều có triệu chứng phù.
  • Huyết áp tăng: Đây là triệu chứng xuất hiện ở phần lớn bệnh nhân suy thận mạn. Triệu chứng này có thể dẫn đến tử vong khi chức năng thận bị suy giảm nhanh chóng do các đợt tăng huyết áp ác tính.

  • Thiếu máu: Thiếu máu được xem là triệu chứng quan trọng trong chẩn đoán phân biệt giữa suy thận cấp và suy thận mạn. Tùy vào từng giai đoạn, mức độ thiếu máu sẽ khác nhau.
  • Rối loạn tiêu hóa: Ăn không ngon miệng, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy là những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân suy thận mạn. Tùy vào từng giai đoạn mà người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng khác nhau. Khi bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa sẽ khiến nồng độ ure và kali trong máu tăng nhanh.
  • Xuất huyết: Vị trí xuất huyết thường gặp là ở mũi, răng, da.
  • Ngứa: Do canxi bị lắng đọng ở các tổ chức bên dưới da trong giai đoạn cường tuyến cận giáp thứ phát và gây ra biểu hiện ngứa.
  • Chuột rút: Do nồng độ canxi, natri trong máu giảm gây ra chuột rút, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Suy tim: Đây là triệu chứng khi bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn muộn, do thiếu máu, huyết áp tăng, ứ dịch trong thời gian dài.
  • Viêm màng ngoài tim: Suy thận mạn giai đoạn cuối dẫn đến viêm ngoài màng tim. Nếu bệnh nhân không được điều trị bằng cách lọc máu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
  • Hôn mê: Co giật, hôn mê là biểu hiện của hội chứng tăng ure trong máu khi bị suy thận mạn giai đoạn cuối.

Người bệnh có thể đi vào trạng thái hôn mê
Người bệnh có thể đi vào trạng thái hôn mê

2.3 Tiêu chuẩn chẩn đoán phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn

Ngoài các triệu chứng lâm sàng nêu trên, để chẩn đoán phân biệt suy thận cấp và suy thận mạn cần dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:

  • Tình trạng thiếu máu.
  • Nồng độ ure, creatinin trong máu.
  • Tế bào hồng cầu, bạch cầu.
  • Tổng phân tích nước tiểu.
  • Kích thước thận.
Tiêu chuẩn Suy thận cấp Suy thận mạn
Nồng độ ure, creatinin trong máu Tăng đột ngột và nhanh trong vài giờ hoặc vài ngày Tăng từ từ trong thời gian dài (nhiều hơn 3 tháng)
Thiếu máu Không thiếu máu, hoặc thiếu máu NHR5 Thiếu máu đẳng sắc đẳng bào
Tế bào hồng cầu, bạch cầu Không thấy hồng cầu, tế bào hoặc trụ Thấy trụ hồng cầu, bạch cầu ái toan, tế bào
Nước tiểu Xét nghiệm nước tiểu bình thường Xét nghiệm nước tiểu cho thấy đạm niệu
Kích thước thận Kích thước thận tăng, thận to và phù nề, phân biệt rõ vỏ tủy Kích thước thận giảm, thận teo nhỏ, không phân biệt rõ chủ mô

Suy thận cấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể trở thành suy thận mạn, khi đó chức năng thận không thể hồi phục được.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe