Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thay khớp gối toàn phần là biện pháp điều trị nhằm thay thế khớp gối bị hư hỏng nặng. Bệnh nhân sau phẫu thuật này cần được chườm đá quanh khớp gối, tập phục hồi chức năng sớm và chăm sóc theo đúng hướng dẫn để sớm phục hồi khả năng vận động di chuyển và sinh hoạt.
1. Thay khớp gối khi nào?
Thay khớp gối toàn phần là biện pháp điều trị cuối cùng dùng để tái tạo khớp gối đã bị hỏng nặng, không có thể đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn khác.
2. Thời gian hồi phục sau khớp gối là bao lâu?
Sau mổ thay khớp gối khoảng 03 tháng, người bệnh đi lại vận động gần như bình thường; sau 12 tháng khớp nhân tạo được cảm nhận như khớp thật của người bệnh.
3. Tuân thủ hướng dẫn gì sau phẫu thuật thay khớp gối?
3.1. Chườm đá quanh khớp gối (6 tuần sau khi mổ)
Chườm túi đá xung quanh khớp gối 20 phút trong mỗi giờ; ngày có thể làm nhiều lần (tối thiểu 03 lần), chườm đến khi thấy dễ chịu, đỡ đau; giảm sưng nề khớp.
3.2. Chăm sóc vết thương – tắm sau phẫu thuật
- Được ngồi trên ghế, tắm vòi sen sau phẫu thuật ngày thứ 4.
- Phải băng kín vết mổ bằng băng không thấm nước trước khi tắm.
- Đề phòng nguy cơ ngã cao do trơn, trượt.
- Tránh dồn lực quá nhiều vào chân phẫu thuật.
- Cắt chỉ 14 ngày sau phẫu thuật tại phòng khám chấn thương chỉnh hình.
3.3. Tập phục hồi chức năng (02 buổi/ngày)
Nhằm tăng sức cơ quanh khớp gối, phòng tránh thuyên tắc mạch, duy trì khả năng vận động đi lại theo chỉ định bác sỹ. Chương trình tập phục hồi chức năng được bắt đầu trước khi mổ và ngay ngày đầu sau khi mổ thay khớp gối toàn phần.
3.4. Vận động thế nào cho đúng cách?
Chỉ được chịu trọng lượng từ từ trên chân bên phẫu thuật theo chỉ định
- Khi tập đi phải dùng nạng nách/khung tập đi để tạo sự an toàn.
- Mang nẹp gối khi đứng dậy, tập đi và buổi tối trước khi ngủ.
- Chỉ ngồi trên loại ghế có tay vịn. Không được quỳ gối, ngồi xổm, vặn người, nhảy hay tập quá sức sau phẫu thuật.
- Dùng miếng lót bồn cầu mở rộng để đi vệ sinh dễ dàng hơn. Ở nơi công cộng thì sử dụng phòng vệ sinh cho người khuyết tật.
- Khi bước vào ô tô thì ngồi trên ghế trước, trượt mông ra sau và rồi nhờ người đỡ bạn với cả hai chân vào xe cùng lúc.
- Không được nâng vật gì quá 10 kg trong 3 tháng đầu sau phẫu thuật.
3.5. Kiểm soát cơn đau như thế nào?
Nếu bạn cảm thấy mức độ đau vượt quá khả năng chịu đựng thì nên dùng thuốc theo đơn của bác sỹ để giúp cho luyện tập hiệu quả hơn và tăng cường mức độ hoạt động theo yêu cầu.
3.6. Chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý?
- Ăn nhiều loại thực phẩm đa dạng để duy trì khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày. Giúp vết thương mau lành.
- Táo bón có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc giảm đau, hoặc ít hoạt động sau khi mổ. Ăn thức ăn nhiều chất xơ để giúp ngừa táo bón.
4. Sau phẫu thuật cần phải đến khám lại khi nào?
- Sốt cao (>380 C).
- Đau gối bất thường, đau hơn trước mổ và dùng thuốc cũng không thấy đỡ đau.
- Vết mổ tấy đỏ, nhức, có dịch tiết chảy ra.
- Màu sắc và nhiệt độ chân bên mổ thay đổi.
- Chảy máu cam hay có máu trong nước tiểu ( trong trường hợp bạn đang được dùng thuốc chống đông máu dự phòng huyết khối).
- Khi bạn bị ngã.
5. Được lái xe khi nào?
Sau phẫu thuật 6 tuần anh/chị có thể tự lái xe.
6. Hoạt động tình dục sau mổ như thế nào?
Sau mổ 02 tuần được phép sinh hoạt tình dục, tuy nhiên phải chọn tư thế thích hợp, không gây đau, tránh gây trật khớp.