Chăm sóc người bị gãy xương sườn kèm theo bệnh tiểu đường như thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ ạ. Mẹ em đang có bệnh tiểu đường, nay mẹ còn bị té gãy 8 sương sườn, lún 2 đốt sống lưng, đang hút dịch tràn màng phổi. Vậy bác sĩ cho em hỏi em phải chăm sóc mẹ thế nào ạ? Điều dưỡng dặn là không cho uống sữa, yến, trái cây; ăn cơm ít, không ăn thịt, cá kho, thức ăn có đường thì nên ăn gì cho tốt ạ? Mong bác sĩ tư vấn. Cảm ơn bác sĩ!

Thảo (1992)

Trả lời

Chào bạn. Theo như bạn nói thì mẹ bạn có tiền sử đái tháo đường, nay lại bị ngã gãy 8 xương sườn, lún đốt sống và đang chọc hút dịch màng phổi.

Về gãy xương sườn, đây là một chấn thương thường xảy ra khi một trong số những xương ở khung sườn bị nứt hay gãy rời. Nguyên nhân phổ biến nhất là do chấn thương ngực chẳng hạn như bị ngã, tai nạn xe cộ hoặc va chạm lúc chơi thể thao. Trong nhiều trường hợp, xương sườn chỉ bị rạn nứt, dù vẫn đau nhưng không gây nguy hiểm như khi bị gãy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp gãy xương sườn có thể gây tổn thương các tạng lân cận như phổi có thể gây suy hô hấp và tử vong, trong trường hợp của mẹ bạn là biến chứng của gãy xương sườn gây tràn máu màng phổi đang được dẫn lưu, vấn đề chăm sóc tập trung chăm sóc ống dẫn lưu tránh các biến chứng viêm phổi, xẹp phổi, nhiễm trùng chân dẫn lưu, nhiễm trùng vết mổ bằng cách hướng dẫn người bệnh cách thở, vận động, giữ ấm, vệ sinh răng miệng, hướng dẫn người bệnh cách tập thở sâu 5 – 6 lần trong 2 giờ ngay sau khi đặt cho đến khi xuất viện, thay băng khi thấm dịch, tránh để dịch chảy ngược vào khoang màng phổi, luôn thay vết mổ vô trùng trước.

Do mẹ bạn có tiền sử đái tháo đường nên vết thương thường khó lành, cần phải kiểm soát đường máu thật tốt. Về chế độ ăn của người tiểu đường:

Nguyên tắc:

  • Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày để tránh tình trạng đường huyết tăng đột ngột.
  • Ăn uống điều độ, đúng giờ, không nên để tình trạng quá đói, hoặc quá no. Không nên thay đổi quá nhanh và quá nhiều cơ cấu và khối lượng các bữa ăn hàng ngày.


Ăn uống đúng giờ và điều độ
Ăn uống đúng giờ và điều độ

  • Cần vận động sau khi ăn, tránh nằm, ngồi một chỗ sau ăn, dành thời gian tập luyện thể dục thể thao để đảm bảo sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.

Thức ăn nên ăn:

  • Ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ... được chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng, hạn chế tối đa rán, xào... Các loại củ như khoai sắn cũng cung cấp khá nhiều tinh bột, nên nếu người bệnh tiểu đường ăn các loại này thì cần phải giảm hoặc cắt cơm.
  • Nên ăn cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, thịt lọc bỏ mỡ, các loại đậu đỗ... được chế biến đơn giản như hấp, luộc, áp chảo nhằm loại bớt mỡ.
  • Nên ăn thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường như dầu đậu nành, vừng, dầu cá, mỡ cá, olive...
  • Nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình thông qua các cách chế biến đơn giản như ăn sống, hấp, luộc, rau trộn nhưng không nên sử dụng nhiều loại sốt có chất béo.
  • Cần tăng cường ăn trái cây tươi, không nên chế biến thêm bằng cách cho thêm kem, sữa, hạn chế ăn các loại quả chín ngọt như: sầu riêng, hồng chín, xoài chín..

Thức ăn không nên ăn:

  • Gạo trắng, bánh mì, miến, bột sắn dây, các loại củ nướng
  • Hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, nhiều cholesterol gây nguy cơ tăng bệnh tim mạch, không tốt cho sức khỏe nói chung và người bệnh tiểu đường nói riêng.
  • Không nên ăn thịt lợn mỡ, phủ tạng động vật, da của gia cầm, kem tươi, dầu dừa, các loại bánh kẹo ngọt, mứt, siro, các loại nước có ga...
  • Hạn chế tối đa các loại hoa quả sấy khô, mứt hoa quả... bởi loại này chứa một lượng đường rất cao, không hề tốt cho sức khỏe người bệnh

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới Hệ thống Y tế Vinmec. Trân trọng.

ThS. BS. Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe