Chăm sóc dẫn lưu ổ bụng sau mổ viêm phúc mạc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ - Bác sĩ ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Sau mổ viêm phúc mạc, nếu tình trạng viêm chưa thể kiểm soát toàn vẹn, người bệnh thường được đặt ống dẫn lưu để dịch viêm trong màng bụng tiếp tục thoát ra ngoài. Theo đó, công tác chăm sóc dẫn lưu ổ bụng sau mổ viêm phúc mạc là một thành phần quan trọng của việc chăm sóc hậu phẫu, giúp người bệnh mau chóng lành bệnh và ra viện.

1. Viêm phúc mạc ổ bụng là gì?

Viêm phúc mạc là sự viêm của lớp màng mỏng bao bọc các tạng bên trong ổ bụng. Tác nhân gây bệnh thường là do nhiễm trùng bởi vi khuẩn hoặc nấm. Tuy nhiên, viêm phúc mạc cũng có thể là hệ quả của bất kỳ sự vỡ hay thủng các tạng trong bụng hoặc là một biến chứng của các can thiệp y tế khác.

Viêm phúc mạc là một chẩn đoán cấp tính, đòi hỏi sự chăm sóc y tế kịp thời để chống lại nhiễm trùng và hạn chế lan rộng. Điều trị viêm phúc mạc thường cần phải sử dụng đến kháng sinh và trong một số trường hợp, phẫu thuật sẽ có chỉ định. Nếu ổ viêm chưa được kiểm soát hoàn toàn, người bệnh sẽ được đặt ống dẫn lưu ổ bụng sau mổ viêm phúc mạc.

Ống sẽ được rút ra khi tình trạng người bệnh đã ổn định. Ngược lại, nếu không được điều trị, viêm phúc mạc có thể vượt ra ngoài phúc mạc dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng, có khả năng gây sốc và suy nội tạng, đe dọa tính mạng trên toàn cơ thể.

Đối với các bệnh nhân lọc máu màng bụng, nguy cơ viêm phúc mạc ổ bụng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì thế, bạn cần luôn cảnh giác và ngăn ngừa viêm phúc mạc bằng cách tuân thủ vệ sinh tốt trước, trong và sau lọc máu.

2. Các nguyên nhân viêm phúc mạc ổ bụng là gì?

Viêm phúc mạc ổ bụng có thể xảy ra vì nhiều lý do. Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm phúc mạc bao gồm:

  • Can thiệp y tế như lọc màng bụng để loại bỏ các chất thải từ máu khi mắc phải bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Nhiễm trùng có thể xảy ra trong quá trình lọc màng bụng do môi trường xung quanh không sạch sẽ, vệ sinh kém hoặc thiết bị bị ô nhiễm. Viêm phúc mạc cũng có thể là hệ quả của các loại phẫu thuật trên đường tiêu hóa và cả các thủ thuật nội soi.
  • Viêm ruột thừa bị vỡ, loét dạ dày hoặc thủng đại tràng. Bất kỳ bệnh lý nào tương tự trong số này đều có thể cho phép vi khuẩn xâm nhập vào phúc mạc.
  • Viêm tụy. Viêm tụy phức tạp do nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm phúc mạc nếu vi khuẩn lan ra ngoài tuyến tụy.
  • Viêm túi thừa. Nhiễm trùng trong các túi nhỏ trên đường tiêu hóa khi vỡ ra có thể gây viêm phúc mạc.
  • Chấn thương. Chấn thương xuyên thành bụng hoặc chấn thương bụng kín có thể gây viêm phúc mạc bằng cách cho phép vi khuẩn hoặc hóa chất từ các bộ phận khác của cơ thể xâm nhập vào phúc mạc.
  • Viêm phúc mạc tự phát thường là một biến chứng của bệnh gan, chẳng hạn như xơ gan. Xơ gan tiến triển gây ra một lượng lớn chất lỏng tích tụ trong khoang bụng, thuận lợi cho vi trùng tăng sinh và gây bệnh.

Ngoài ra, khi người bệnh có các yếu tố sau đây sẽ làm tăng nguy cơ viêm phúc mạc

  • Giải phẫu tách màng bụng. Viêm phúc mạc khá phổ biến ở những người đã và đang trải qua điều trị lọc màng bụng.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ tiến triển viêm phúc mạc như: viêm ruột thừa, xơ gan, bệnh Crohn, viêm túi thừa, loét dạ dày và viêm tụy.
  • Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh viêm phúc mạc. Khi bệnh nhân đã từng mắc bệnh viêm phúc mạc, nguy cơ tái phát bệnh sẽ cao hơn so với người chưa từng có tiền sử mắc bệnh.

Viêm tụy là nguyên nhân gây viêm phúc mạc ổ bụng
Viêm tụy là nguyên nhân gây viêm phúc mạc ổ bụng

3. Triệu chứng của viêm phúc mạc ổ bụng như thế nào?

Một số triệu chứng điển hình của viêm phúc mạc bao gồm:

  • Đau bụng
  • Đầy hơi hoặc cảm giác đầy bụng
  • Sốt
  • Buồn nôn và nôn ói
  • Ăn không ngon
  • Tiêu chảy
  • Tiểu ít
  • Khát nước
  • Bí trung đại tiện
  • Mệt mỏi

Nếu bạn đang được lọc màng bụng, các triệu chứng viêm phúc mạc biểu hiện qua dịch lọc máu đục, xuất hiện các vệt trắng, sợi hoặc cục lợn cợn trong dịch lọc máu.


Đau bụng là triệu chứng phổ biến
Đau bụng là triệu chứng phổ biến

4. Cách điều trị viêm phúc mạc ổ bụng như thế nào?

Khi có các triệu chứng nêu trên kết hợp với cận lâm sàng, bạn cần phải nhập viện để điều trị viêm phúc mạc. Các thành phần điều trị có thể bao gồm:

  • Kháng sinh. Bạn sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh hay dùng qua đường tiêm truyền để chống lại nhiễm trùng và ngăn ngừa lây lan. Loại và thời gian điều trị bằng kháng sinh tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm phúc mạc ổ bụng
  • Phẫu thuật. Điều trị phẫu thuật thường là cần thiết để loại bỏ mô bị nhiễm trùng, điều trị nguyên nhân cơ bản của nhiễm trùng và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan, đặc biệt nếu viêm phúc mạc là do vỡ ruột thừa, dạ dày hoặc đại tràng. Trong trường hợp ổ viêm chưa giải quyết trọn vẹn hay phúc mạc còn bài tiết dịch phản ứng, bác sĩ sẽ đặt dẫn lưu ổ bụng sau mổ viêm phúc mạc. Mục đích là tiếp tục giúp dịch viêm bài tiết ra ngoài và ống chỉ rút khi tình trạng ổn.
  • Các điều trị nâng đỡ khác. Tùy thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng của bạn, việc điều trị có thể có thêm thuốc giảm đau, truyền dịch, thở oxy bổ sung và trong một số trường hợp là truyền máu.
  • Nếu bệnh nhân đang được lọc màng bụng và mắc viêm phúc mạc, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên lọc máu theo cách khác trong vài ngày trong khi cơ thể cần được chữa lành khỏi nhiễm trùng. Nếu bệnh viêm phúc mạc vẫn tồn tại hoặc tái phát, bệnh nhân có thể cần ngừng hoàn toàn việc lọc màng bụng và chuyển sang một hình thức điều trị lọc máu khác.

Phẫu thuật là phương pháp phổ biến điều trị viêm phúc mạc
Phẫu thuật là phương pháp phổ biến điều trị viêm phúc mạc

5. Chăm sóc dẫn lưu ổ bụng sau mổ viêm phúc mạc như thế nào?

Sau mổ viêm phúc mạc, ống dẫn lưu được đặt là nhằm mục đích dẫn dịch viêm, dịch phản ứng ra ngoài, làm sạch ổ bụng. Tuy nhiên, đây lại có thể là một nguồn nhiễm trùng ngược dòng nếu không được chăm sóc tốt.

Như vậy, việc chăm sóc tốt ống dẫn lưu ổ bụng và vùng da xung quanh nó cũng như vết mổ là cách quan trọng nhất để giữ cho ống thông hoạt động tốt và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Để thực hiện được điều này, cần tuân thủ các điều sau:

  • Sau khi đặt ống thông, một miếng băng gạc vô trùng thường được dán trên vị trí thoát để ngăn ống thông di chuyển và giữ cho khu vực này luôn sạch sẽ. Trong những ngày đầu tiên, băng gạc sẽ được thay thế cùng với việc vệ sinh vết thương mổ viêm phúc mạc với các điều dưỡng chuyên nghiệp trong bệnh viện.
  • Thường xuyên quan sát vùng da xung quanh ống thông, thường không sưng, đỏ hoặc đau gì. Dịch ống thông có thể là một lượng nhỏ chất nhầy màu vàng, hồng hay trắng trong. Một lớp vỏ hoặc vảy có thể hình thành quanh ống cứ sau mỗi ngày.
  • Nếu da đỏ, đau, cảm thấy cứng hoặc có mủ xung quanh ống thông, ống đã có thể bị nhiễm trùng. Bạn cần báo với bác sĩ để được can thiệp. Việc điều trị lúc này sẽ tùy vào tình vào tình trạng bệnh như đổi kháng sinh, xem xét rút ống sớm hay cả phẫu thuật thì hai.
  • Để tránh nhiễm trùng ống dẫn lưu, cần giữ vùng da xung quanh ống thông nên được giữ khô ráo, sạch sẽ. Bạn không nên tắm ngâm mình hoặc đi bơi trong thời gian này. Việc vệ sinh, tắm rửa cần thực hiện với nước sạch và dùng một miếng vải hoặc miếng bọt biển. Trong khi còn đặt ống, hạn chế đi lại mạnh hay tập thể dục quá sức vì sẽ làm di lệch ống thông.

Sau mổ viêm phúc mạc, bệnh nhân hạn chế vận động vì sẽ làm di lệch ống thông.
Sau mổ viêm phúc mạc, bệnh nhân hạn chế vận động vì sẽ làm di lệch ống thông.
  • Nếu bạn muốn tự thay băng vết mổ và chăm sóc dẫn lưu ổ bụng sau mổ viêm phúc mạc cho chính mình, cần nhớ luôn luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy và đeo găng tay sạch, đeo khẩu trang mỗi lần thực hiện.
  • Khi dịch viêm không còn ra, ống dẫn lưu hết chỉ định thì sẽ được rút bỏ. Vết thương tại chỗ đặt ống cũng được chăm sóc tương tự như vết mổ viêm phúc mạc. Nếu được chăm sóc tốt thì tất cả sẽ lành tốt sau 10 đến 14 ngày.

Việc chăm sóc dẫn lưu ổ bụng sau mổ viêm phúc mạc tốt là một phần quan trọng giúp đánh giá thành công của ca phẫu thuật viêm phúc mạc. Ngược lại, nếu chăm sóc không tốt, đây có thể là nguồn lây nhiễm thêm cho tình trạng viêm phúc mạc sẵn có.

Phẫu thuật viêm phúc mạc ổ bụng rất quan trọng và cần đến kỹ thuật tốt, bởi vậy bạn nên lựa chọn cơ sở y tế tin cậy, uy tín. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những địa chỉ y tế chất lượng, uy tín được bệnh nhân trên cả nước tin tưởng và đánh giá cao. Tại đây, có đội ngũ y bác sĩ trong nước và quốc tế trình độ cao, có uy tín trong ngành, có tâm và tầm giúp chẩn đoán và điều trị bệnh tốt nhất. Ngoài ra, hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất tại đây rất hiện đại, tối tân, hỗ trợ đắc lực cho việc phát hiện bệnh chính xác và điều trị hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, medicinenet.com, kidney.org,

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe