Ung thư tụy giai đoạn cuối là một tình trạng rất nghiêm trọng, gây nhiều đau đớn và khó khăn cho bệnh nhân cũng như gia đình. Việc chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn này đòi hỏi sự chú ý đặc biệt đến việc giảm đau, duy trì chất lượng cuộc sống, và hỗ trợ tinh thần. Bài viết sau đây tóm tắt một số vấn đề liên quan đến cách chăm sóc bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn cuối.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS.BS Lê Tấn Đạt - Bác sĩ Nội Ung bướu - Trưởng Đơn nguyên Nội Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Tổng quan về ung thư tụy
Khi ung thư tuỵ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình, lúc này đã là quá trễ. Theo thống kê, cứ 5 người mắc ung thư tụy thì có tới 4 người đã ở giai đoạn cuối của bệnh. Vì vậy, đây là một loại ung thư có khả năng tử vong rất cao.
Điều cần làm lúc này là chăm sóc bệnh nhân sao cho hợp lý để kéo dài thời gian sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là chăm sóc như thế nào cho đúng.
Trước khi tìm hiểu về vấn đề này, hãy cùng điểm qua các giai đoạn của ung thư tuỵ.
- Giai đoạn đầu: Khối u đã hình thành trong tuyến tụy, tuy nhiên có kích thước nhỏ. Lúc này, không có triệu chứng nào được biểu hiện rõ rệt. Khối u ở giai đoạn này sẽ có kích thước khoảng 2cm.
- Giai đoạn 2: Bề mặt của tuỵ đã bị xâm lấn bởi khối u.
- Giai đoạn 3: Khối u đã vượt quá kích thước, bắt đầu tiến vào mạch máu hoặc mô xung quanh. Khối u lúc này sẽ có kích thước khoảng 6cm.
- Giai đoạn 4: Di căn tới các cơ quan ở xa hơn trong cơ thể. Lúc này, khối u có thể xuất hiện ở các hạch bạch huyết xung quanh tuỵ. Cùng với đó, các cơ quan nội tạng khác cũng có thể xuất hiện khối u.
Ung thư tụy giai đoạn muộn được xác định là từ giai đoạn 3 trở đi. Tế bào ung thư lúc này đã bắt đầu di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể như ổ bụng, phổi hoặc gan. Cùng với đó, dạ dày, tá tràng cũng đã bị tế bào ung thư xâm lấn.
Vậy, ung thư tụy giai đoạn cuối sống được bao lâu? Thông thường, tỉ lệ sống sót là dưới 10% sau 5 năm. Nếu không phẫu thuật để loại bỏ khối u, thời gian sống của bệnh nhân sẽ còn khoảng 12 tháng. Trong trường hợp tệ nhất, người bệnh chỉ sống được từ 3-6 tháng nếu như ung thư đã di căn.
Giống như nhiều loại bệnh ung thư khác, người bệnh càng phát hiện sớm, càng có tỉ lệ sống sót cao. Tỉ lệ sống sót có thể lên tới 80% nếu được phát hiện sớm.
Do vậy, người bệnh cần phải theo dõi chặt chẽ các biểu hiện là và thăm khám kịp thời. Điều này sẽ giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
2. Chăm sóc bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn cuối
Trước khi tìm hiểu cách chăm sóc, bệnh nhân cần biết về một số biểu hiện của bệnh. Dưới đây là một số biểu hiện rõ rệt nhất mà người bệnh có thể tham khảo:
- Chướng bụng liên tục và đầy hơi.
- Đau đầu, đau cơ và co cơ dữ dội.
- Nước tiểu có màu vàng sẫm, vàng da, vàng mắt.
- Suy nhược cơ thể, đau và nhức mỏi xương khớp.
- Đau dữ dội ở vùng bụng và lưng, các cơn đau kéo dài kèm theo đau đầu.
Nếu bệnh nhân ở giai đoạn cuối của ung thư tụy, chữa trị gần như là điều không thể. Lúc này, các phương pháp điều trị đã không còn hiệu quả hoặc không thể đáp ứng.
Vì thế, việc chăm sóc bệnh nhân là để giúp người bệnh có quãng thời gian tươi đẹp cuối cùng. Chăm sóc tốt cũng sẽ kéo dài thời gian sống của bệnh nhân, thế nên cần phải chú ý chặt chẽ.
Dưới đây là một số điều cần chú ý trong quá trình chăm sóc người bệnh.
2.1 Chế độ ăn uống
Người bệnh nên uống đủ nước từ 2 lít trở lên mỗi ngày. Đặc biệt, cần bổ sung thêm các loại sữa dinh dưỡng hoặc các thức uống giàu calo. Cùng với đó, hãy hạn chế các loại đồ uống có cồn và chất kích thích.
Bên cạnh đó, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Người bệnh sẽ có thể hấp thụ tốt hơn và đỡ ngán hơn. Tốt nhất, người bệnh nên ăn từ 4-6 bữa mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 4 tiếng. Điều này sẽ giúp cơ thể của người bệnh tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Qua đó, đảm bảo được các hoạt động thường ngày.
Song song đó, hãy bổ sung thực phẩm giàu protein vào các bữa ăn. Protein vừa cung cấp năng lượng, vừa tăng sức đề kháng cho cơ thể. Do đó, các thực phẩm như trứng, sữa, thịt, đậu nên được bổ sung thêm.
Nên chọn các loại thực phẩm dễ ăn hoặc ở dạng lỏng. Các món ăn như súp, cháo hay canh lúc này sẽ được ưu tiên hơn.
2.2 Chăm sóc tinh thần
Điều quan trọng là cần cải thiện tâm trạng cho người mắc ung thư tụy giai đoạn cuối. Điều này sẽ giúp người bệnh có tâm lý thoải mái hơn, từ đó sống lâu hơn.
Người chăm sóc bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn cuối nên thường xuyên tâm sự, chia sẻ và khích lệ bệnh nhân. Sự động viên và ân cần sẽ khiến người bệnh có tâm lý thoải mái và có thêm ý chí hơn.
2.3 Chăm sóc thể chất
Thể chất của người mắc ung thư tụy giai đoạn cuối có thể nói là khá xấu. Vì thế, người thân nên thường xuyên túc trực để giúp đỡ người bệnh những lúc cần thiết.
Ngoài ra, việc đi vệ sinh cũng cần được chú ý tới. Những sự giúp đỡ sẽ khiến người bệnh tránh mắc thêm các bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra. Kết hợp các vấn đề trên, người mắc ung thư tụy giai đoạn cuối có thể sống lâu hơn và vui vẻ hơn.
Vừa rồi là những thông tin mà Vinmec cung cấp cho người đọc. Hi vọng rằng, người đọc có thể biết được cách chăm sóc bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn cuối.
Mặc dù bệnh đã bước vào giai đoạn không thể chữa trị, nhưng vẫn có thể cải thiện. Khi có một sức khỏe và tinh thần tốt, khả năng chống chọi lại với bệnh cũng sẽ cao hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.