Bơm xi măng cột sống là phương pháp điều trị xẹp đốt sống tiên tiến và hiệu quả hiện nay. Để nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau khi điều trị bằng phương pháp này thì cần phải có chế độ chăm sóc bệnh nhân sau bơm xi măng cột sống hiệu quả.
1. Tìm hiểu về bệnh xẹp đốt sống là gì?
Xẹp đốt sống là tình trạng đĩa cột sống bị mất đi độ dẻo và nước dẫn tới xẹp lún, gây tổn thương ở vùng cột sống của người bệnh.
Có rất nhiều nguyên nhân gây xẹp đốt sống như chấn thương cột sống, u thân đốt xương, loãng xương hay đa u tủy xương..., trong đó, loãng xương là nguyên nhân thường gặp nhất.
Xẹp đốt sống gây ra các cơn đau kéo dài, giảm vận động, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Ngoài đau tại vùng đốt sống bị lún xẹp, người bệnh có thể bị đau thần kinh liên sườn hoặc biến dạng cột sống... Nếu chữa trị không kịp thời và đúng cách thì căn bệnh có thể gây tàn phế rất cao, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người bệnh.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của Y học, phương pháp bơm xi măng vào cột sống là một trong các phương pháp điều trị xẹp đốt sống được đánh giá là hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất.
2. Bơm xi măng cột sống là gì?
Bơm xi măng cột sống là phương pháp điều trị tình trạng lún xẹp đốt sống. Mục đích của phương pháp này là giúp giảm đau cho bệnh nhân và một phần nào đó nhằm phục hồi chiều cao của đốt sống bị lún xẹp.
Xi măng sinh học là vật liệu được ứng dụng trong phương pháp này và nó cũng ngày càng phổ biến trong y học. Xi măng sinh học gồm 2 thành phần chủ yếu là PMMA/MMA-styren copolymer và MMA dạng lỏng, có khả năng tương thích với mô sinh học. Vật liệu này được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình hiện nay.
Ưu điểm của phương pháp bơm xi măng vào cột sống đó là can thiệp tối thiểu, thời gian thời gian thực hiện ngắn, giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ mất máu và nhiễm trùng vết mổ. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp người bệnh giảm đau ngay lập tức, có thể di chuyển bình thường sau thủ thuật. Đặc biệt, đây là thủ thuật an toàn, ít biến chứng và đạt hiệu quả điều trị cao.
3. Trường hợp nào nên và không nên bơm xi măng cột sống?
Mặc dù có nhiều ưu điểm nổi bật trong điều trị lún xẹp đốt sống nhưng không phải trường hợp bệnh nhân bị lún xẹp đốt sống cũng được chỉ định bơm xi măng vào cột sống.
3.1 Những trường hợp được chỉ định bơm xi măng cột sống
Những trường hợp xẹp đốt sống thường được chỉ định điều trị bằng bơm xi măng cột sống bao gồm:
- Người bị xẹp đốt sống tự phát do loãng xương hoặc xẹp đốt sống do chấn thương gây đau đớn ở bệnh nhân loãng xương.
- Xẹp đốt sống gây đau cấp tính.
- Người bị xẹp đốt sống đã điều trị bằng thuốc giảm đau, nẹp lưng, nghỉ ngơi... nhưng vẫn không cải thiện được bệnh.
- Xẹp đốt sống do có khối u ác tính.
3.2 Những trường hợp chống chỉ định với bơm xi măng cột sống
Các trường hợp sau chống chỉ định đối với phương pháp bơm xi măng sinh học vào cột sống điều trị xẹp đốt sống bao gồm:
- Xẹp đốt sống nguyên nhân không phải do loãng xương.
- Bệnh nhân rối loạn đông máu.
- Bị nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm trùng ở vị trí lúc xẹp cột sống.
- Người bệnh xẹp đốt sống không đau hoặc ít đau.
Tốt hơn hết, để điều trị hiệu quả bệnh lún xẹp đốt sống bằng phương pháp bơm xi măng cột sống. Thì người bệnh nên lựa chọn đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Cơ Xương Khớp để thăm khám, kiểm tra và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Người bệnh cũng cần lưu ý, sau khi điều trị xẹp đốt sống bằng phương pháp bơm xi măng cột sống. Thì cần có chế độ chăm sóc, ăn uống, sinh hoạt hợp lý để hạn chế tối đa bệnh tái phát.
4. Cách chăm sóc bệnh nhân sau bơm xi măng cột sống
Khi điều trị lún xẹp đốt sống bằng phương pháp bơm xi măng vào cột sống thì rất nhiều bệnh nhân thắc mắc về vấn đề bơm xi măng sinh học được bao lâu?
Thời gian xi măng sinh học phát huy tác dụng đối với lún xẹp đốt sống còn một phần phụ thuộc vào chế độ chăm sóc sau bơm xi măng của từng bệnh nhân. Vì thế, để phát huy hiệu quả tốt nhất và lâu dài nhất sau khi bơm xi măng cột sống, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:
- Người bệnh cần chữa trị loãng xương theo đúng liệu trình, bởi vì có thể bị lún xẹp các đốt sống khác khi không được điều trị loãng xương.
- Cố gắng giữ an toàn cho trong sinh hoạt hàng ngày, cần tránh các nguy cơ bị té ngã, va chạm mạnh làm ảnh hưởng đến cột sống.
- Nên tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên bằng các bài tập chịu đựng sức nặng của cơ thể như chạy bộ, đi bộ, khiêu vũ... và tập sức mạnh cho cơ bằng các bài tập nhấc vật nặng phù hợp...
- Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi. Nếu cần thì có thể sử dụng cả thuốc và thực phẩm chức năng để bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể.
- Cần tránh sử dụng các đồ uống có cồn, rượu bia và chất kích thích, không hút thuốc lá...
- Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể nhằm có biện pháp can thiệp, bổ sung đầy đủ giúp đảm bảo sức khỏe.
Qua bài viết này hy vọng đã giúp mọi người hiểu thêm về phương pháp bơm xi măng cột sống và biết cách chăm sóc bệnh nhân sau bơm xi măng cột sống hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.