Các tác dụng phụ của bơm xi măng sinh học cột sống

Bơm xi măng sinh học vào đốt sống là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bị xẹp đốt sống, thường gặp ở những người mắc bệnh loãng xương, phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi. Phương pháp này có khả năng hàn gắn các vết nứt siêu nhỏ trên thân đốt sống, từ đó giúp giảm đau và tăng cường độ chắc chắn cho thân đốt sống.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Kỹ thuật bơm xi măng sinh học là gì?

Kỹ thuật bơm xi măng sinh học vào đốt sống là một phương pháp điều trị tiên tiến được áp dụng trong ngành y chấn thương chỉnh hình để cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Xi măng sinh học là vật liệu bao gồm hai thành phần chính: PMMA/MMA-styren copolymer và MMA dạng lỏng. Hai thành phần này khi được trộn lẫn với nhau sẽ phát sinh quá trình trùng hợp gốc tự do và đông cứng do phản ứng polymer hóa, tạo ra một khối rắn có tính chất vật lý đặc biệt. tương thích với mô sinh học của con người.

Có hai phương pháp chính trong kỹ thuật bơm xi măng sinh học: Vertebroplasty - kỹ thuật bơm xi măng sinh học không dùng bóng và Kyphoplasty - kỹ thuật bơm xi măng sinh học sử dụng bóng để nâng đỡ đốt sống trước khi bơm xi măng, giúp phục hồi hình dạng và chức năng của đốt sống. Những phương pháp này giúp củng cố đốt sống, giảm đau và tăng cường độ ổn định cho cột sống, đặc biệt hữu ích cho các trường hợp xẹp đốt sống do loãng xương hoặc chấn thương.

2. Bệnh xẹp đốt sống là bệnh gì?

Lún xẹp đốt sống là một tình trạng y khoa trong đó các đĩa cột sống bị mất nước và độ dẻo, dẫn đến hiện tượng xẹp lún, gây tổn thương vùng cột sống. Các nguyên nhân chính gây ra lún xẹp đốt sống bao gồm chấn thương cột sống, loãng xương, u thân đốt xương và đa u tủy xương. Trong đó, loãng xương là nguyên nhân phổ biến nhất gây lún xẹp đốt sống.

Bệnh lý này thường gặp nhiều hơn theo tuổi tác với khoảng 25% phụ nữ trên 50 tuổi, 40% nam giới từ 80 đến 85 tuổi mắc phải tình trạng này. Người bệnh đã từng mắc lún xẹp đốt sống do loãng xương có nguy cơ cao bị lún xẹp lần nữa so với những người chưa từng bị. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bệnh còn gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh gồm các cơn đau kéo dài, giảm khả năng vận động và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng như công việc. Ngoài cảm giác đau tại vùng bị lún xẹp, người bệnh cũng có thể trải qua đau thần kinh liên sườn và biến dạng cột sống.

Bơm xi măng sinh học vào đốt sống là một trong những phương pháp điều trị cho người bị xẹp đốt sống.
Bơm xi măng sinh học vào đốt sống là một trong những phương pháp điều trị cho người bị xẹp đốt sống.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời một cách thích hợp, tình trạng này có thể dẫn đến tàn phế, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Do đó, việc tiếp cận sớm các biện pháp can thiệp y tế là rất cần thiết để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng.

3. Điều trị tạo hình thân đốt sống bằng kỹ thuật bơm xi măng sinh học vào đốt sống

Phẫu thuật tạo hình thân đốt sống bằng kỹ thuật bơm xi măng sinh học vào đốt sống được xem là một phương pháp ít xâm lấn, hiệu quả trong điều trị tình trạng xẹp thân đốt sống, thường do loãng xương sau chấn thương hoặc các bệnh lý khác như u máu thân đốt, tổn thương do di căn gây ra. Bệnh nhân thường cảm thấy đau dữ dội ở lưng khi di chuyển hoặc thay đổi tư thế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được đặt nằm sấp trên bàn mổ và gây tê tại chỗ. Bác sĩ sử dụng hệ thống tăng sáng truyền hình C-arm và tia X để xác định chính xác vị trí can thiệp. Sử dụng một chiếc kim chuyên dụng, bác sĩ sẽ chọc qua cuống xương vào thân đốt sống, bơm xi măng lỏng với lượng và áp lực phù hợp nhằm trám kín các vết nứt, tái tạo sự liên kết giữa các mảnh xương nhỏ, giúp thân đốt sống trở nên ổn định, vững chắc hơn.

Kỹ thuật bơm xi măng cột sống không chỉ giúp giảm đau, mà còn phục hồi hình dạng và chiều cao ban đầu của đốt sống, từ đó tăng độ vững chắc cho toàn bộ cột sống, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng sống cho người bệnh.

4. Bơm xi măng sinh học vào đốt sống có nguy hiểm không

Bơm xi măng cột sống là một thủ thuật can thiệp y khoa được áp dụng để điều trị các vấn đề về cột sống. Tuy nhiên như mọi phương pháp can thiệp y khoa, thủ thuật này cũng có thể gặp một số rủi ro và biến chứng tiềm ẩn:

  • Nhiễm trùng tại vị trí chọc kim: Đây là nguy cơ có thể xảy ra trong bất kỳ cuộc phẫu thuật hay thủ thuật xâm lấn nào khác. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô trùng là cực kỳ quan trọng để giảm thiểu nguy cơ này.
  • Biến chứng khác: Bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, xuất hiện cơn đau và các triệu chứng thần kinh như tê hoặc ngứa râm ran. Mặc dù những biến chứng này có khả năng xuất hiện nhưngi ít gặp hơn so với phẫu thuật mở.
  • Rò rỉ xi măng ngoài thân đốt sống: Trong khi thực hiện thủ thuật, có nguy cơ xi măng có thể rò rỉ ra ngoài khu vực đích. Trường hợp này thường không quá nghiêm trọng, trừ khi xi măng rò rỉ vào ống tủy hoặc mạch phổi.
  • Liệt: Rất hiếm nhưng liệt là một trong những rủi ro nghiêm trọng nhất có thể xảy ra sau thủ thuật bơm xi măng cột sống.
  • Dị ứng thuốc: Dị ứng với các hóa chất sử dụng trong thủ thuật, dù hiếm, cũng là một nguy cơ cần lưu ý.

Bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các lợi ích và rủi ro trước khi quyết định áp dụng phương pháp này, đồng thời thảo luận cặn kẽ với người bệnh để đảm bảo họ hiểu rõ về quy trình và các nguy cơ có thể gặp phải.

5. Ưu điểm kỹ thuật bơm xi măng cột sống

Kỹ thuật bơm xi măng sinh học vào đốt sống hiện đang được ưa chuộng trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình vì nhiều ưu điểm nổi bật so với các phương pháp điều trị truyền thống:

  • Độ an toàn cao: Kỹ thuật bơm xi măng cột sống được đánh giá là an toàn do vết chọc kim rất nhỏ, chỉ khoảng 3-5mm trên da, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương tại chỗ.
  • Thời gian thủ thuật được rút ngắn: Quá trình bơm xi măng thường chỉ mất từ 30-45 phút, giúp tiết kiệm thời gian cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
  • Không cần gây mê: Phương pháp này không yêu cầu gây mê toàn thân, từ đó giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuốc gây mê
  • Không gây mất máu.
  • Hoạt động bình thường sau thủ thuật: Người bệnh có thể đi lại và ăn uống bình thường chỉ sau khoảng 1-2 giờ sau khi thực hiện bơm xi măng cột sống, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại cuộc sống hàng ngày.
  • Ít xảy ra biến chứng: Kỹ thuật này có tỷ lệ biến chứng thấp nhờ sự chính xác cao trong quá trình thực hiện.
  • Hiệu quả điều trị cao: Bơm xi măng cột sống cho thấy hiệu quả cao trong việc tái tạo và ổn định đốt sống, giảm đau đáng kể và cải thiện chức năng vận động của người bệnh.

Nhờ những ưu điểm này, kỹ thuật bơm xi măng cột sống ngày càng được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho các trường hợp chấn thương chỉnh hình, xẹp đốt sống hay loãng xương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe