Châm cứu sai huyệt nguy hiểm thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Huy Đức - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông

Châm cứu đã và đang trở thành phương pháp điều trị bệnh được nhiều thầy thuốc tin tưởng lựa chọn cho người bệnh. Tuy nhiên, giống như nhiều phương pháp điều trị khác, những câu hỏi như châm cứu sai huyệt nguy hiểm thế nào? Hoặc châm cứu sai huyệt phải làm sao? Luôn là những trăn trở của người bệnh.

1. Châm cứu là gì?

Châm cứu là một phương pháp điều trị có từ lâu đời mà trong đó các bác sĩ có sử dụng kim thép rất mỏng, tầy đầu đưa vào da với mục đích kích thích các huyệt hoặc điểm cụ thể trên cơ thể. Mục đích là để làm thuyên giảm triệu chứng hay tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như đau. Phương pháp điều trị này có nguồn gốc từ Y Học Cổ Truyền Trung Hoa. Các nghiên cứu khoa học đã xác nhận hiệu quả của nó đối với một số bệnh hay giảm các cơn đau mãn tính như:

Châm cứu có thể giúp ích cải thiện tình trạng một số bệnh:

  • Ung thư và tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung thư;
  • Đau mặt và khó chịu thần kinh khác;
  • Hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng;
  • Hội chứng ruột kích thích;
  • Thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, triệu chứng bốc hỏa;
  • Rối loạn căng thẳng thường xuyên lặp lại.

Y Học Cổ Truyền Trung Hoa coi năng lượng chảy trong cơ thể là khí. Các danh y Trung Quốc tin rằng sự gián đoạn của dòng chảy khí trong cơ thể tạo ra sự mất cân bằng của năng lượng dẫn đến bệnh tật.

Một số hình thức châm cứu nhằm mục đích tái cân bằng khí bằng các kim chạm vào các huyệt đạo (huyệt) trên khắp cơ thể. Trên cơ thể có hàng trăm huyệt đạo dọc theo 14 đường kinh mạch chính, còn được gọi là kênh vận chuyển năng lượng.

Các kim châm cứu kích thích các hệ thống huyệt đạo của cơ thể nhằm:

  • Phản ứng với một bệnh hoặc triệu chứng.
  • Cân bằng lại cơ thể.
  • Giải phóng các hóa chất tự nhiên trong cơ thể, tiêu biểu như endorphin, được coi là thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể và cũng là chất dẫn truyền thần kinh, hay hóa chất kiểm soát các xung động thần kinh.

2. Châm cứu sai huyệt nguy hiểm thế nào? Châm cứu có an toàn không?

Khi một chuyên gia có trình độ chuyên môn thực hiện châm cứu, nó có rất ít biến chứng hoặc tác dụng phụ.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có những quy định nghiêm ngặt về kim châm cứu. Cơ quan này yêu cầu tất cả kim tiêm phải bằng thép, rắn chắc, vô trùng, không độc hại và được dán nhãn thích hợp. Chỉ những người có trình độ chuyên môn được đào tạo bài bản mới được quyền sử dụng kim châm cứu.

Châm cứu bởi những người không đủ trình độ chuyên môn có thể gây hại. Người không được đào tạo hoặc người sử dụng kim không vô trùng có thể gây nhiễm trùng, thủng nội tạng và tổn thương hệ thần kinh trung ương.


Châm cứu sai huyệt trong trường hợp người châm cứu không đủ chuyên môn
Châm cứu sai huyệt trong trường hợp người châm cứu không đủ chuyên môn

3. Những đối tượng không nên châm cứu

Mặc dù, lợi ích của châm cứu là không thể chối bỏ nhưng không phải tất cả mọi đối tượng đều có thể châm cứu. Nếu như vẫn cố tình áp dụng có thể xảy ra nhưng tai biến không mong muốn. Những đối tượng đó bao gồm:

  • Những người sợ đau, cơ địa yếu, kém thích nghi
  • Những người có tiền sử sock, thể trạng yếu, suy kiệt
  • Những người bị bệnh mãn tính như tiểu đường vì các loại kim châm nếu không được tiệt trùng có thể gây nhiễm trùng hay vết thương lâu liền hơn.
  • Người có các vết thương hở
  • Người bị suy giảm miễn dịch mắc phải như HIV
  • Người có bệnh về da như viêm da, lở loét, tấy đỏ
  • Phụ nữ có thai
  • Người bị thiếu máu, mức bệnh về tim mạch
  • Những người có trạng thái tâm thần không ổn định
  • Các trường hợp cấp cứu ngoại khoa

4. Những biến chứng có thể gặp phải nếu châm cứu sai huyệt và châm cứu sai huyệt phải làm sao?

Những tai biến khi châm cứu hiếm khi xảy ra và không quá nghiêm trọng.

  • Sau khi châm cứu bệnh nhân đau hơn

Thông thường khi châm cứu đúng kỹ thuật và đúng huyệt đạo người bệnh sẽ chỉ cảm thấy hơi tức nhưng sau khi rút kim châm người bệnh lại cảm thấy khó chịu và đau nhức tại vị trí châm nguyên nhân có thể do thực hiện sai kỹ thuật hay đâm quá nông hoặc quá sâu. Nhưng những cơn đau này thường biến mất trong vòng 24 giờ sau châm.

  • Vựng châm

Khi vừa tiến hành châm kim xong, đột nhiên người bệnh bỗng cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn hay nôn, khó chịu, mệt mỏi, chân tay lạnh, vã mồ hôi, thậm chí có thể trụy tim mạch, đôi khi bị ngất. Nguyên nhân được biết đến có thể do cơ thể suy nhược, người bệnh quá lo sợ, sức chịu đựng kém, dễ bị kích động, chưa có thời gian nghỉ ngơi trước khi tiến hành châm cứu hoặc bị đói hay do quá trình châm bị kích thích quá mạnh,...

Để đề phòng tai biến này thì đối với người mới châm cứu một vài lần đầu, sức khỏe còn yếu, bị mệt hay bị đói,... nên để cho bệnh nhân nghỉ từ 10 đến 15 phút trước khi tiến hành châm cứu, không nên để bệnh nhân quá đói hay quá no khi châm. Và luôn động viên, giải thích cặn kẽ với những người nhạy cảm, dễ xúc động, yếu tim.

  • Bầm tím hoặc chảy máu

Với châm cứu thì việc châm cứu cho bệnh nhân bị bầm tím hoặc chảy máu là không thể tránh khỏi nhưng cũng không phải là quá nhiều. Nếu có chảy máu thì cần cầm máu ngay, đặc biệt nếu bệnh nhân có bệnh lý về đông máu phải được cấp cứu ngay, nhưng để cẩn thận nhất thì trước khi châm cứu cần khai thác tiền sử bệnh nhân. Bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng về những vết bầm tím này, sau khi chườm ấm các vết bầm sẽ tiêu tan hoặc để một thời gian chúng cũng sẽ biến mất.

  • Phỏng hoặc nóng rát khi châm cứu

Do sức nóng của ngải cứu, sự cẩn thận trong điều trị của thầy thuốc sẽ hạn chế được tình trạng này. Bệnh nhân cần nằm im hạn chế cử động khi được điều trị bằng ngải cứu. Nếu bị phỏng, sơ cứu, làm mát vết bỏng.

  • Chảy máu hoặc đau tê tại chỗ châm cứu

Nếu châm cứu sai huyệt sẽ gây chảy máu nếu châm cứu phải mạch máu, châm cứu phải dây thần kinh sẽ gây tê dọc đường đi của dây thần kinh đó. Trong quá trình châm nếu bệnh nhân kêu đau hay tê, nhân viên y tế cần có biện pháp xử trí kịp thời.


Châm cứu sai huyệt có thể khiến bệnh nhân nóng rát khi châm cứu
Châm cứu sai huyệt có thể khiến bệnh nhân nóng rát khi châm cứu

5. Một vài lưu ý trong quá trình châm cứu

  • Bệnh nhân nên nằm yên và cảm nhận cảm giác của cơ thể để thông báo kịp thời cho bác sĩ.
  • Huyệt đạo là nơi khí vận chuyển vào ra và nó được phân bố đều khắp cơ thể. Việc các bác sĩ kích thích vào các huyệt châm cứu liên tục để có phản ứng nhằm đạt được kết quả như mong muốn. Bởi vậy có những huyệt cần kích thích lâu ngày và liên tục.
  • Một liệu trình châm cứu thường kéo dài trong khoảng 2 tuần, ngày nào cũng châm cứu 1 lần. Nhưng đây không phải là thời gian cố định, tùy theo tình trạng bệnh mà các bác sĩ có những hướng điều trị tiếp khác nhau. Nhưng điều quan trọng là bệnh nhân phải kiên trì.
  • Không châm cứu ở các huyệt đạo vùng ngực, bụng, rốn hay núm vú.

Châm cứu rất an toàn và thậm chí nó mang lại những lợi ích mà Tây y không thể làm được. Nhưng quan trọng nhất đó là bạn phải kiên trì và lựa chọn đúng nơi châm cứu uy tín.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe