Thói quen ôm ấp hoặc để trẻ sơ sinh nằm võng không phải là chuyện hiếm gặp trong đời sống của người Việt Nam. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ trẻ sơ sinh bị té võng gây ra những chấn thương nặng ở vùng đầu trẻ. Nếu phụ huynh chủ quan, không chú ý đến những tai nạn nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày hay thay đổi về tinh thần của trẻ thì có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
1. Trẻ sơ sinh bị ngã võng có sao không?
Về mặt chuyên môn, té võng là một tai nạn nguy hiểm, trẻ có thể bị chấn thương sọ não, nứt xương sọ, chảy máu trong não, gãy xương sườn/ xương sống/ xương mặt,.... Đặc biệt cần nhớ rằng kích thước của vết sưng trên đầu không liên quan tới mức độ nặng của chấn thương.
2. Xử trí trẻ sơ sinh bị té võng như thế nào?
Điều đầu tiên, cha mẹ cần thật bình tĩnh, quan sát bề mặt trẻ té ngã, nếu cứng, sần sùi, góc cạnh thì khả năng gây thương tích đầu càng nhiều. Trẻ ngã xuống ở độ cao trên 1,5m thì mức độ nguy hiểm càng cao, cần kiểm tra đầu trẻ xem có bị lõm, vết thương hay chảy máu không.
Thông thường các chấn thương sọ não kín không gây chảy máu ngay lập tức nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Có thể 6 giờ đến 1-2 ngày sau khi té mới hình thành khối máu tụ lớn, gây tổn thương đến các cơ quan và biểu hiện ra bên ngoài. Có không ít trường hợp bị chấn thương kín, khó phát hiện bằng mắt thường gây chậm trễ cho quá trình phát hiện và điều trị.
Nếu trẻ té va đập trúng đầu, chỉ sưng nhẹ thì có thể chườm lạnh, trường hợp có chảy máu thì tuỳ vào mức độ ít hay nhiều mà cha mẹ có thể làm sạch vết thương, băng bó và cho con đến bác sĩ.
Trường hợp có co giật cần cho trẻ nằm nghiêng đầu sang bên, để thông thoáng. Chú ý trẻ nhỏ thường ít cắn lưỡi như người lớn nên dù có lên cơn co giật thì phụ huynh cũng nên bình tĩnh theo dõi độ dài cơn co giật cỡ vài giây hay vài chục phút. Nếu trẻ co giật sau ngã thì cần đưa trẻ đến viện sớm.
Khi trẻ ngất, tím tái, thiếu oxy cần được đặt chỗ thông thoáng, thực hiện hà hơi thổi ngạt. Trường hợp chấn thương sọ não làm trẻ bất tỉnh khi sơ cứu cần lưu ý không di chuyển trẻ trừ khi trẻ đang trong tình trạng nguy cấp, bởi việc di chuyển có thể gây ra các biến chứng lớn hơn đối với chấn thương sọ não, cột sống hoặc chấn thương có liên quan. Ngoài ra bố mẹ cần theo dõi đường thở và hô hấp của trẻ cho đến khi xe cấp cứu đến, nếu trẻ thở yếu do có vấn đề đường hô hấp cần thận trọng ngửa đầu trẻ ra sau và nâng đỡ trẻ đến khi nhịp thở trở lại bình thường. Nếu trẻ ngừng thở hoặc không bắt được mạch có thể cần phải hồi sức tim phổi.
3. Khi nào cần phải đưa trẻ đến bệnh viện sau khi té võng?
Sau khi trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi bị té võng cần theo dõi các triệu chứng trong vòng 7 ngày, đặc biệt là 48 giờ sau khi té ngã. Các triệu chứng cần lưu ý bao gồm:
- Tình trạng kích động khó dỗ, quấy khóc liên tục, lơ mơ, ngủ nhiều bất thường, tiếp xúc kém, nôn ói nhiều.
- Trong vòng 24 giờ sau té ngã, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu mắt bị lé, đồng tử 2 bên không đều,...
- Chảy máu hoặc chảy nước dịch từ lỗ mũi hay lỗ tai.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có các dấu hiệu sau:
- Bất tỉnh: Dù chỉ vài giây cũng có thể nghĩ tới khối máu tụ do lực va đập của cú ngã.
- Rối loạn tri giác: Trẻ vẫn tỉnh táo sau khi ngã nhưng có kích động, lơ mơ hay tiếp xúc kém (không tập trung chú ý vào mẹ, không nhìn vào mắt). Nếu trẻ chống cự không cho bạn chườm lạnh thì có thể phần nào yên tâm vì trẻ vẫn tiếp xúc tốt.
- Trẻ nôn từ 3 lần trở lên: Sau khi trẻ sơ sinh bị té võng vẫn có thể nôn 1-2 lần dù không có chấn thương sọ não, để đề phòng việc phát hiện chậm trễ tổn thương thì trong vài giờ đầu sau khi ngã chỉ nên cho trẻ uống nước hoặc bú sữa mẹ, không nên dùng thức ăn đặc.
- Dấu hiệu mắt: Trong 24 giờ sau khi ngã có thể xuất hiện các dấu hiệu mắt lác, đồng tử 2 bên không đều, trẻ lao vào các đồ vật như thế không nhìn thấy chúng. Trẻ lớn có thể nhìn mờ, nhìn đôi, chảy máu hoặc chảy dịch từ lỗ mũi hay tai.
- Ngủ nhiều: Cần theo dõi tình trạng ý thức của trẻ sau khi té ngã, ít nhất 2 giờ/ lần để xem trẻ thực sự ngủ hay có rối loạn về ý thức.
4. Một số lưu ý khi cho trẻ sơ sinh nằm võng
Một số lưu ý khi cho trẻ sơ sinh nằm võng mà phụ huynh cần biết gồm:
- Luôn để mắt đến trẻ, không để trẻ chơi một mình, đặc biệt là trẻ vừa mới biết trườn bò.
- Che chắn an toàn sao cho trẻ không bị rơi xuống sàn.
- Dưới chân giường cần trải nệm, tường sát giường cũng cần dán tấm xốp để đề phòng trẻ hiếu động tập bò có thể va đầu vào tường.
- Nôi võng dây phải được cột chắc và đưa lắc nhẹ nhàng khi trẻ ngủ.
- Ngoài việc té ngã thì để trẻ sơ sinh nằm võng cũng có thể làm xương sống trẻ không thẳng, cong vẹo theo chiều cong của võng dẫn tới lồng ngực không giãn nở được tốt, tim phổi cũng bị ảnh hưởng.
- Việc cho trẻ nằm võng thường xuyên sẽ cản trở đến quá trình phát triển não và cơ bắp của trẻ, đặc biệt là giai đoạn 3-4 tháng tuổi cơ thể cần được hoạt động, quơ tay quơ chân và bắt đầu tập lật. Tất cả hoạt động này cần phải có sự lưu thông máu đầy đủ lên não, giúp não phát triển tốt hơn.
- Nếu đặt trẻ nằm võng thường xuyên trẻ sẽ khó vận động và không lật được, khiến sự phát triển cơ thể bị hạn chế.
- Khi nằm võng, sự rung lắc của võng còn gây ra “hội chứng rung lắc” ở trẻ nhỏ, làm trẻ dễ bị xuất huyết não, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, rối loạn khả năng định hướng.
Tóm lại, trẻ sơ sinh bị té võng có thể gây ra những chấn thương nặng ở vùng đầu. Nếu không may có con bị té võng, cha mẹ cần thật bình tĩnh, quan sát bề mặt trẻ té ngã, kiểm tra đầu trẻ xem có bị lõm, vết thương hay chảy máu không. Theo dõi các triệu chứng trong vòng 7 ngày, đặc biệt là 48 giờ sau khi trẻ té ngã. Nếu có những dấu hiệu như trẻ quấy khóc, bỏ bú, nôn trớ, bất tỉnh hay ngủ nhiều thì nên đưa con đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.