Nguyên nhân chính của trật xương bánh chè đầu gối cấp tính là do chấn thương, phổ biến nhất là chấn thương xoắn không tiếp xúc đầu gối hoặc va đập trực tiếp vào mặt giữa đầu gối. Những người có cấu trúc khớp gối lỏng lẻo bẩm sinh có nguy cơ cao bị trật bánh chè tái diễn. Cùng tìm hiểu chi tiết về chấn thương này trong bài viết sau nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Trật xương bánh chè đầu gối là gì?
Xương bánh chè đầu gối là một đoạn xương nằm trước khớp gối, phía trước đầu dưới xương đùi. Đây là xương vừng lớn nhất trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống duỗi đầu gối.
Xương bánh chè không ổn định có thể do nhiều nguyên nhân, từ dịch chuyển nhẹ đến trật khớp hoàn toàn. Biểu hiện thường thấy là biến dạng đầu gối và hạn chế duỗi thẳng. Sau lần đầu trật khớp, tỷ lệ tái phát khoảng 16-60%. Hầu hết các trường hợp trật khớp bánh chè có thể điều trị bằng vật lý trị liệu và nẹp gối, trừ khi bệnh nhân bị gãy xương bánh chè đầu gối hoặc tái phát nhiều lần.
Trật bánh chè đầu gối cấp thường do chấn thương, phổ biến là chấn thương xoắn không tiếp xúc hoặc do va đập trực tiếp vào giữa đầu gối. Một nguyên nhân phổ biến khác là do quay mâm chày ngoài khi bàn chân cố định trên mặt đất. Bệnh nhân bị lỏng dây chằng toàn thân cũng dễ bị trật xương bánh chè và có xu hướng tái phát thường xuyên.
Ngoài ra, một số biến thể giải phẫu ở xương bánh chè và xương cẳng chân (loạn sản xương bánh chè, loạn sản xương cẳng chân) cũng có thể dẫn đến trật khớp xương bánh chè. Phụ nữ và những người mắc các rối loạn mô liên kết như hội chứng Marfan hoặc Ehlers-Danlos thường gặp tình trạng dây chằng lỏng lẻo hơni, làm tăng nguy cơ trật khớp cao hơn.
Một số trẻ em có thể bị trật bánh chè ngay từ khi sinh (trật xương bánh chè đầu gối bẩm sinh), đặc biệt thường gặp ở những bé mắc hội chứng Down. Nguyên nhân là do xương bánh chè của trẻ mắc bệnh có kích thước nhỏ hơn và các cấu trúc trong khớp gối cũng kém linh hoạt hơn. Do đó, trẻ dễ bị trật bánh chè hơn và thường cần phẫu thuật để hạn chế tình trạng này tái diễn.
2. Dấu hiệu của trật bánh chè đầu gối
Trật xương bánh chè đầu gối thường gây đau đột ngột và biến dạng khớp gối sau khi gặp phải chấn thương xoắn không tiếp xúc hoặc va đập trực tiếp vào mặt trước hoặc mặt giữa đầu gối. Bệnh nhân mô tả là nghe thấy tiếng "bốp" tại đầu gối sau chấn thương, tiếp theo là sưng tấy cấp tính. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn khi người bệnh gập gối hoặc quỳ.
Khi khám trật khớp gối cấp tính, bác sĩ thường ghi nhận tràn dịch khớp hoặc tổn thương mô xung quanh. Tuy nhiên, những dấu hiệu này ít xuất hiện hơn trong trường hợp trật bánh chè tái diễn. Bác sĩ cũng có thể phát hiện các bất thường về liên kết như lệch xương đùi, lệch xương bánh chè, xoắn xương chày và lỏng lẻo dây chằng nói chung.
Ngoài ra, đầu gối và các cấu trúc xung quanh sẽ được sờ nắn để kiểm tra độ đau hoặc bất thường dọc theo tất cả các cực của xương bánh chè (trên, dưới, giữa và bên), đặc biệt là cực giữa. Nếu bệnh nhân có thể chịu đựng được cơn đau, bác sĩ sẽ kiểm tra độ gập và duỗi của khớp gối, đồng thời xem có vết nứt hay hạn chế cử động không. Cuối cùng, bác sĩ sẽ đánh giá dây chằng chéo trước khi kết thúc quá trình thăm khám.
3. Phương pháp chẩn đoán trật bánh chè đầu gối
Để chẩn đoán chính xác trật xương bánh chè đầu gối, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh học sau khi thăm khám lâm sàng.
- Chụp X-quang là bước đầu tiên, bao gồm chụp trước, sau và bên đầu gối nghi ngờ bị trật khớp. X-quang giúp phát hiện gãy xương, sai lệch khớp hoặc các thay đổi bất thường khác.
- Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp chẩn đoán tiên tiến hơn như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
- MRI đặc biệt hữu ích trong việc đánh giá tổn thương mô mềm. Khi một người bị trật khớp hoàn toàn, MRI thường ghi nhận hình ảnh bầm tím đặc trưng ở xương đùi bên và xương bánh chè giữa. Hình ảnh này giúp chẩn đoán tổn thương sụn khớp mặt giữa và dự báo nguy cơ trật bánh chè tái diễn.
4. Các biến chứng liên quan của trật bánh chè đầu gối
Trật khớp xương bánh chè cấp tính tiềm ẩn nguy cơ gãy xương sụn khớp, trật khớp tái diễn và thoái hóa khớp.
Sau phẫu thuật trật xương bánh chè đầu gối, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng chung như nhiễm trùng, tổn thương mạch máu và thần kinh, huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi.
Mặt khác, sau phẫu thuật cắt xương, nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng đau nhức tại vị trí bắt vít và gặp khó khăn khi quỳ gối. Nguy hiểm hơn, biến chứng gãy xương chày đoạn gần cũng có thể xảy ra.
5. Các cách điều trị trật xương bánh chè đầu gối
Mục tiêu chính của việc điều trị trật xương bánh chè đầu gối là để hạn chế trật khớp. Quy trình thường diễn ra tại khoa cấp cứu, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc an thần nếu cần thiết.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ chỉnh hình sẽ thực hiện các thao tác sau:
- Gập hông.
- Tạo áp lực nhẹ lên cực bên xương bánh chè.
- Hướng áp lực về chính giữa.
- Mở rộng đầu gối từ từ.
Đối với những người bị trật khớp lần đầu mà không kèm theo tình trạng lỏng lẻo khớp hoặc tổn thương bên trong khớp, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị bảo tồn, bao gồm các phương pháp sau: giảm đau, chườm đá, sử dụng thuốc NSAID để giảm đau và sưng, khuyến khích bệnh nhân tham gia vật lý trị liệu và điều chỉnh hoạt động.
Nẹp J hoặc nẹp ổn định xương bánh chè có thể hỗ trợ trong giai đoạn ngắn (2-4 tuần) để các mô mềm sau chấn thương có thời gian hồi phục. Sau giai đoạn này, bệnh nhân nên bắt đầu tham gia vật lý trị liệu, tập trung vào tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu và cơ bụng theo phương xiên. Bệnh nhân có thể điều chỉnh dần dần khả năng chịu trọng lượng theo mức độ phù hợp với bản thân.
Phẫu thuật có thể được cân nhắc cho trong một số trường hợp trật xương bánh chè đầu gối cụ thể:
- Lần đầu trật khớp kèm vỡ xương bánh chè.
- Hình ảnh MRI cho thấy đứt dây chằng MPFL (dây chằng nối xương bánh chè với xương đùi).
- X-quang phát hiện xương bánh chè phụ.
- Có bất thường về cấu trúc khớp dẫn đến nguy cơ trật khớp tái diễn.
- Trật bánh chè tái diễn nhiều lần.
Quá trình hồi phục sau phẫu thuật trật xương bánh chè đầu gối có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm và việc tập vật lý trị liệu đóng vai trò then chốt sau thời gian bất động. Tuy nhiên, bệnh nhân cần kiên nhẫn và không vội vàng quay lại các hoạt động thể thao trước khi hoàn thành đầy đủ liệu trình vật lý trị liệu. Lý do là vì các bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cơ xung quanh khớp gối.
Mặt khác, nẹp đầu gối chống trượt có thể hỗ trợ trong giai đoạn phục hồi sau trật khớp gối, tuy nhiên điều quan trọng nhất là tuân thủ theo kế hoạch vật lý trị liệu. Việc tuân thủ tốt kế hoạch này sẽ giúp giảm nguy cơ trật khớp lại và tránh phải phẫu thuật.
Trật bánh chè cấp thường do chấn thương ở đầu gối. Hầu hết các trường hợp có thể điều trị bảo tồn bằng cách sử dụng nẹp và vật lý trị liệu tập trung vào việc tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu đùi.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân tiềm ẩn gây trật xương bánh chè đầu gối, đặc biệt là ở những người bị trật bánh chè tái diễn. Việc tìm ra nguyên nhân có thể giúp thay đổi kế hoạch điều trị lâu dài và duy trì chức năng khớp gối tốt nhất cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.