Kén khoeo chân là bệnh gì? Có hay gặp không?

Kén khoeo chân là một tình trạng bệnh lý có thể gặp phải ở khớp gối. Căn bệnh này tuy không gây nguy hiểm nhưng nó lại có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh khi kén có kích thước lớn, chèn ép vào các bộ phận xung quanh.

1. Kén khoeo chân là bệnh gì?

Khớp gối cũng giống như tất cả các khớp khác đều được bao quanh bởi một bao khớp (capsule articulaire), bên trong bao khớp có phủ kín lớp áo trong là màng hoạt dịch. Màng hoạt dịch này tiết dịch khớp có tác dụng nuôi dưỡng và bôi trơn khớp.

Do một nguyên nhân nào đó từ bên trong hay do chấn thương, màng hoạt dịch khớp gối phản ứng bằng cách tiết nhiều dịch hơn gọi là tràn dịch khớp (hydarthrose).

Khi tràn dịch nhiều, áp lực trong khớp gối tăng lên và có thể xảy ra thoát vị phía sau khớp gối (vùng khoeo) được gọi là kén khoeo chân, vì nó nằm ở vị trí hố khoeo, ở phía sau gối. Kén ở khoeo được gọi với tên khác là kén Baker “Hyste de Baker”.

Kén khoeo chân không gây nguy hiểm, không bao giờ tiến triển thành ung thư. Nhưng khi kén tăng kích thước quá lớn, nó sẽ cản trở chức năng của khớp gối, gây đau khó đi lại, hạn chế động tác gấp gối và khó ngồi xổm.

Trong một số trường hợp kén quá to chèn ép tĩnh mạch, thần kinh ở vùng khoeo chân, gây sưng, cảm giác kiến bò hoặc rát bỏng vùng cẳng chân nên dễ nhầm với viêm tắc tĩnh mạch chi dưới. Trong một số ít trường hợp, do vận động gắng sức, kén có thể bị rách, dịch từ trong kén chảy xuống phía trong bắp chân gây tai biến cho cơ cẳng chân.

Kén Baker hay còn được gọi là u nang bao hoạt dịch khoeo là tình trạng phổ biến. Nếu như bạn bị viêm khớp hoặc viêm khớp dạng thấp thì bạn có thể đã quen với tình trạng này.

2. Nguyên nhân hình thành kén Baker khớp gối

Bất kỳ ai cũng có thể bị kén khoeo chân, đặc biệt là sau một chấn thương khớp gối hoặc do bệnh khớp gối mạn tính. Kén khoeo chân hình thành sau khi bao hoạt dịch bị tổn thương hoặc bị yếu do sự sưng nề khớp gối gây ra bởi viêm khớp hoặc một chấn thương như rách sụn hoặc rách sụn chêm.

Điều quan trọng là cần phải xác minh xem liệu tình trạng của bạn có phải là kén Baker hay không. Vì những trạng thái sức khỏe nghiêm trọng khác như huyết khối tĩnh mạch sâu dẫn đến sự hình thành cục máu đông cũng gây ra những triệu chứng dễ nhầm lẫn với kén khoeo chân.


Ai cũng có thể bị kén khoeo chân, đặc biệt là sau một chấn thương khớp gối
Ai cũng có thể bị kén khoeo chân, đặc biệt là sau một chấn thương khớp gối

3. Biểu hiện của kén Baker khoeo chân

Kén Baker khoeo chân có những biểu hiện bệnh như sau:

  • Kén Baker có đặc điểm mềm và căng nhẹ khi bạn chạm vào.
  • Bạn có thể không có triệu chứng nào khác ngoài việc nhìn thấy một khối cục u lên phía sau khoeo chân hoặc cảm giác căng tức khi có thứ gì đó chèn ở phía sau khớp gối. Khi bạn dang rộng khớp gối có thể khiến cho kén Baker bị siết chặt hoặc gây đau đớn.
  • Kén Baker có thể bị sưng to hoặc co lại. Kén này có thể vỡ ở bên trong và hậu quả là những triệu chứng giống như khi có cục máu đông ở chân như đỏ và đau ở bắp chân.
  • Dịch từ kén vỡ ra sẽ được cơ thể hấp thu. Khi đó kén Baker sẽ tạm thời biến mất, nhưng nó vẫn có thể tái phát.

4. Chẩn đoán và điều trị kén khoeo chân như thế nào?

Khám lâm sàng cơ bản cũng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán kén Baker. Tuy nhiên, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh chụp MRI hoặc siêu âm để khẳng định kén chứa dịch hay kén cứng.

Phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh và trong hầu hết các trường hợp, kén khoeo chân có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật. Điều trị kén Baker không phẫu thuật bao gồm:

  • Chọc dịch từ kén bằng kim
  • Tiêm cortisone để giảm viêm
  • Nghỉ ngơi
  • Nâng cao chân
  • Chườm đá để giảm viêm
  • Liệu pháp vật lý để kiểm soát sự sưng nề
  • Điều trị tình trạng tiềm ẩn

Phẫu thuật điều trị kén Baker được chỉ định nếu bạn cảm thấy đau và khó chịu khi cử động. Tuy nhiên, kén Baker vẫn có thể tái phát lại sau khi phẫu thuật. Song trong hầu hết các trường hợp, điều trị nguyên nhân gây nên kén Baker sẽ giảm triệu chứng và giảm khả năng tái phát.

Bạn có thể kiểm soát tốt diễn tiến của kén khoeo chân bằng cách:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được bác sĩ theo dõi diễn biến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe khác nếu có.
  • Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý sử dụng thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong đơn thuốc của bạn được bác sĩ kê.
  • Giữ cân nặng cơ thể ở mức lý tưởng và tập luyện thể dục thường xuyên để ngăn ngừa viêm khớp gối hoặc chấn thương.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe