Cần làm gì nếu khó đi đại tiện sau khi cắt trĩ

Chăm sóc bệnh nhân sau khi cắt trĩ là một giai đoạn rất quan trọng quyết định sự lành thương và hồi phục của người bệnh. Một số bệnh nhân sau thường gặp tình trạng khó đi đại tiện sau khi cắt trĩ. Vậy cắt trĩ xong có đi vệ sinh được không? cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Cắt trĩ là gì

Trĩ là bệnh liên quan đến hệ thống mạch máu xung quanh ống hậu môn, bao gồm tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối tĩnh mạch đến cơ trơn và các mô liên kết được lót bởi biểu mô bình thường.

Bệnh trĩ xuất hiện thường do nguyên nhân người bệnh rặn khi đi cầu, ứ máu liên tục do ngồi lâu, các nguyên nhân này sẽ dẫn đến một kết quả chung là phình giãn tạo các búi trĩ vào trong lòng ống hậu môn. Với trĩ ở người lớn tuổi, các mô liên kết nâng đỡ càng ngày càng yếu thì các búi trĩ tụt dần ra lỗ hậu môn thì tình trạng này gọi là trĩ nội sa. Với các tình trạng búi trĩ ở cấp độ 3 và 4 (trĩ sà ra ngoài) thì sẽ được chỉ định cắt trĩ

Cắt trĩ là một phẫu thuật nhằm loại bỏ các búi trĩ của người bệnh. Phẫu thuật cắt trĩ thường sẽ được thực hiện theo một số phương pháp như:

  • Chích xơ búi trĩ: Tiêm cồn hoặc chất gây xơ vào búi trĩ, khiến búi trĩ co lại hoặc teo dần đi theo thời gian. Đây là phương pháp thường được dùng vì ít gây biến chứng và ít gây đau hơn cắt bỏ hẳng các búi trĩ
  • Thắt búi trĩ: Búi trĩ sẽ được thắt đáy bằng vòng cao su, sau một thời gian thì búi trĩ sẽ tự co và rụng dần. Hạn chế của phương pháp này là phải thực hiện nhiều lần, người bệnh đôi khi phải chịu đau, và phương pháp thắt búi trĩ chỉ thực hiện được với các búi có kích thước nhỏ
  • Cắt trĩ bằng PPH: PPH là phương pháp dùng máy kẹp PPH đưa vào trong niêm mạc trực tràng rồi cắt bỏ các búi trĩ đi. Phương pháp hiện đại này chỉ mất từ 20-30 phút và gần như không có trường hợp tái phát trĩ sau điều trị.
  • Cắt chỉ bằng phương pháp Longo: Đây là phương pháp sử dụng máy cắt, khâu tự động và kéo búi trĩ lại. Sau đó sẽ khâu phần tĩnh mạch cung cấp máu cho búi trĩ. Bằng phương pháp này, búi trĩ một thời gian sau sẽ tự teo nhỏ và rụng đi. Phương pháp Longo chỉ áp dụng cho các trường hợp trĩ độ 3 và 4.

2. Các biến chứng sau mỗ trĩ mà người bệnh thường gặp

Các biến chứng sau phẫu thuật là điều khó tránh khỏi, phẫu thuật cắt bỏ trĩ không nằm ngoài số đó. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc sau mổ trĩ một cách tốt, các biến chứng có thể sẽ ít xuất hiện thậm chí không xuất hiện.

2.1. Chảy máu sau cắt trĩ

Thông thường, khi phẫu thuật cắt búi trĩ không cầm máu tốt cũng dễ dẫn đến tình trạng chảy nhiều máu trong giai đoạn hồi phục. Dĩ nhiên, nếu phát hiện ra tình trạng này không giảm, phải báo ngay với bác sĩ để được can thiệp phẫu thuật cầm máu.

2.2. Nhiễm trùng hậu môn

Vệ sinh hậu môn sau mỗi lần đi đại tiện là điều rất quan trọng. Do đó, người bệnh cần chú ý điều này hoặc có chế độ chăm sóc sau mỗ trĩ tốt để tránh sưng viêm và mưng mủ ở hậu môn.

2.3. Không đi đại tiện được sau cắt trĩ

Mổ trĩ là một loại can thiệp ở hậu môn, khi thực hiện phẫu thuật cắt trĩ thì các nhóm cơ trơn gồm cơ thắt trong và cơ thắt ngoài (cơ vân). Cơ thắt ngoài cùng với bó mu trực tràng của cơ nâng hậu môn là một trong những nhóm cơ giúp cho con người kiểm soát được việc đi đại tiện. Sau phẫu thuật cắt trĩ, nhóm cơ quanh hậu môn ít nhiều bị ảnh hưởng, dẫn tới việc người bệnh khó điều khiển được việc đi đại tiện hoặc không đi được. Dưới đây sẽ là một số phương pháp giải quyết tình trạng trên

3. Làm gì khi khó đi đại tiện sau khi cắt trĩ

Thực tế, tình trạng sau cắt trĩ không đi đại tiện được cũng gặp ở nhiều trường hợp bệnh nhân. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ sớm hết sau một vài ngày, khi các nhóm cơ ở quanh hậu môn hồi phục chức năng. Nếu tình trạng táo bón, không đi đại tiện được kéo dài sau khi cắt trĩ, người bệnh hãy thử áp dụng một số phương pháp dưới đây

3.1. Chế độ ăn sau mỗ trĩ

Sau khi cắt trĩ, người bệnh chỉ nên dùng các thức ăn loãng và dễ tiêu như cháo hoặc súp trong vòng 4 ngày đầu tiên. Những ngày sau đó thì có thể ăn thức ăn mềm, tránh các thực phẩm chua hoặc cay, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ.

Nếu tình trạng táo bón không đi đại tiện được sau cắt trĩ kéo dài, người bệnh cần bổ sung các rau củ quả như rau xanh, các thực phẩm có tính nhuận tràng dễ đi đại tiện hơn.

Lưu ý, uống nhiều nước để có sự phục hồi tốt. Uống ít nước cũng sẽ làm phân ở dạng khô dẫn đến khó đi đại tiện

3.2. Chế độ vệ sinh và đi đại tiện phù hợp

Không nên đi đại tiện nhiều lần trong ngày, không cố gắn rặng hoặc ngồi lâu trong nhà vệ sinh. Việc này có thể gây ra tổn hại cho vết thương sau phẫu thuật cắt trĩ. Có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để dùng thuốc thụt hậu môn hoặc uống thuốc nhuận tràng. Ngoài ra, cần tránh đi xe máy trong 2 tuần để ngăn ngừa chảy máu vết thương.

Không đi đại tiện được sau cắt trĩ là một biến chứng khá phổ biến sau khi phẫu thuật cắt trĩ. Do đó, người bệnh cần có một chế độ ăn hợp lý và chăm sóc sau mỗ trĩ phù hợp thì sẽ hạn chế được tình trạng trên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe