Bệnh trĩ là một bệnh lành tính, tuy nhiên sự ảnh hưởng của nó đến chất lượng cuộc sống là không hề ít. Do đó, người bệnh thường chọn đến phương pháp cắt trĩ để giải quyết dứt điểm tình trạng bệnh của mình. Vậy thường cắt trĩ bao lâu thì lành, cắt trĩ xong có những dấu hiệu nào để cảnh báo nhiễm trùng?
1. Cắt trĩ là gì
Trĩ là một bệnh lý mà ở đó tình trạng các tĩnh mạch ở vùng hậu môn của người bệnh bị phình đại, gây ứ đọng máu và tạo nên các búi trĩ gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như đại tiện. Hầu hết, các trường hợp bị trĩ gây khó chịu và ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt đều được tư vấn cắt trĩ, loại bỏ búi trĩ hoàn toàn.
Với sự phát triển của y học hiện đại thì cắt trĩ hiện nay có nhiều phương pháp cho người bệnh lựa chọn
1.1. Cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT
Đây là phương pháp tương đối hiện đại khi cắt các búi trĩ bằng sóng điện từ ở tần số cao. Các bác sĩ sẽ dùng sóng điện từ ở mức nhiệt 70-80 độ C để làm cầm các mạch máu ở phần tĩnh mạch của búi trĩ. Phương pháp này sẽ tạo thành các mô sẹo làm búi trĩ thắt lại, không có mạch máu đi qua. Sau đó sẽ tiến hành cắt búi trĩ.
1.2. Cắt trĩ bằng PPH
Các bác sĩ sẽ dùng máy kẹp PPH đưa vào trong niêm mạc trực tràng của bệnh nhân rồi cắt bỏ các búi trĩ đi. Phương pháp hiện đại này điều trị dứt điểm bệnh trĩ và chưa ghi nhận ca bệnh nào tái phát. Nhưng bù lại, chi phí thực hiện cắt trĩ bằng PPH khá cao khiến ít người lựa chọn.
1.3. Cắt trĩ bằng phương pháp Longo
Phương pháp cắt trĩ Longo được đưa vào điều trị từ những năm cuối của thế kỷ XX. Cho đến bây giờ Longo vẫn là một trong những phương pháp cắt trĩ ít gây đau và tỷ lệ tái phát thấp. Trong phương pháp này thì bác sĩ sẽ dùng máy khâu khâu xung quanh để hạn chế máu chảy về nuôi dưỡng búi trĩ. Một thời gian sau búi trĩ sẽ không còn nguồn dinh dưỡng và dễ dàng bị loại bỏ
1.4. Cắt trĩ bằng phương pháp Milligan Morgan
Các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ búi trĩ, khâu các niêm mạc da nằm giữ các búi trĩ lại để giảm tổn thương trên bề mặt ống hậu môn. Đây là phương pháp được lựa chọn nhiều vì chi phí không quá cao và loại được tận gốc búi trĩ.
1.5. Khoanh niêm mạc cắt trĩ
Đây là phương pháp ít được lựa chọn do người bệnh dễ bị đau lâu sau khi phẫu thuật, nhiều biến chứng ở hậu môn và tỉ lệ tái phát cao. Ở phương pháp này thì bác sĩ sẽ khoanh cắt niêm mạc và lớp dưới niêm mạc hậu môn của người bệnh, sau đó kéo niêm mạc ở trên liền xuống và khâu với vùng da hậu môn.
2. Khi nào thì nên cắt trĩ
Theo các bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị trĩ, người bệnh có búi trĩ ở tình trạng nặng (trĩ độ 3 hoặc trĩ độ 4) thì sẽ được chỉ định cắt. Ở giai đoạn 3 và 4 của bệnh trĩ, các búi trĩ lúc này đã sa ra bên ngoài hậu môn và gây khó chịu cho người bệnh, không thể co vào trong hậu môn và điều trị bằng phương pháp nội khoa không còn hiệu quả.
Do đó, nếu được chẩn đoán đang có búi trĩ độ 3 hoặc 4 thì cách tốt nhất là nên đến bệnh viện để cắt trĩ.
3. Cắt trĩ bao lâu thì lành?
Cắt trĩ là phẫu thuật can thiệp ở vùng hậu môn, do đó cần một thời gian nhất định để hồi phục hoàn toàn sức khỏe của người bệnh lẫn lành vết thương. Thời gian hồi phục hoàn toàn của người bệnh cắt trĩ có thể dao động từ 15 - 25 ngày nếu được chăm sóc sức khỏe tốt ngay sau khi phẫu thuật cắt trĩ.
Chăm sóc bệnh nhân sau cắt trĩ cần một chế độ ăn uống tốt, vệ sinh hậu môn tốt và tránh các vận động mạnh. Cụ thể, người bệnh cần tránh vận động nặng, ngồi quá lâu, không sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, không quan hệ tình dục trong vòng 4 - 6 tuần, không lái xe máy trong 2 tuần thì thời gian hồi phục sau cắt trĩ sẽ được rút ngắn.
4. Dấu hiệu nhiễm trùng sau cắt trĩ
Bên cạnh các trường hợp lành thương sau cắt trĩ một cách bình thường, thì cũng có những trường hợp bị nhiễm trùng sau cắt trĩ. Nhiễm trùng sau cắt trĩ có nhiều lý do như quá trình phẫu thuật không đảm bảo đúng kỹ thuật, người bệnh không được chăm sóc đúng cách sau khi phẫu thuật, chế độ ăn sai, vệ sinh không đảm bảo, hệ miễn dịch của người bệnh yếu.
Một số dấu hiệu sau đây trong giai đoạn hậu cắt trĩ có thể giúp người bệnh nhận biết mình có bị nhiễm trùng hay không
- Sưng đỏ.
- Mưng mủ.
Thông thường, nếu vùng phẫu thuật sau cắt trĩ bị nhiễm trùng, người bệnh có thể kèm theo triệu chứng như sốt cao.
5. Làm sao để hết ngứa hậu môn sau khi cắt trĩ
Ngứa hậu môn sau khi cắt trĩ là một trong những biến chứng thường gặp, nguyên nhân thường do:
- Vết phẫu thuật ở niêm mạc trực tràng - hậu môn, lúc phục hồi có lên da non gây ra ngứa.
- Búi trĩ chưa được cắt hết, điều này có thể gây ra ngứa và sung huyết, tấy đỏ, triệu chứng rất khác với lên da non.
- Vùng da non tiếp xúc với đồ lót gây ngứa.
- Người bệnh vệ sinh xung quanh hậu môn và vết mổ không đúng cách, lười vệ sinh gây tụ mủ, ngứa rát.
Thông thường, ngứa hậu môn sẽ tự hết trong một vài ngày hoặc vài tuần sau khi quá trình lành thương diễn ra hoàn tất. Tuy nhiên, để giảm bớt khó chịu thì người bệnh có thể sử dụng các cách sau đây
- Ngâm rửa hậu môn với nước muối có nhiệt độ ở mức ấm.
- Chế độ ăn uống hợp lý, không ăn các món quá mặn, cay, chua, nhiều gia vị dầu mỡ.
- Sử dụng nghệ tươi giã nát hoặc nghệ trộn với nước thoa lên vùng hậu môn, rửa sạch sau 15 phút với nước sạch, tốt hơn nếu rửa với nước ấm.
- Nghỉ ngơi từ 5 - 7 ngày sau khi cắt trĩ, không nên mang các trang phục gò bó, khó chịu cho vùng hậu môn để tránh kích thích vết mổ.
- Vệ sinh sạch sẽ tay nếu chuẩn bị tiếp xúc với vùng hậu môn.
- Không dùng dung dịch tẩy rửa mạnh để rửa hậu môn, hạn chế dùng xà phòng càng tốt.
Nếu tình trạng ngứa hậu môn sau khi cắt trĩ gây khó chịu nhiều và khiến cho quá trình lành thương của bạn gặp vấn đề, hãy liên hệ bác sĩ ngay để đặt lịch khám, vì triệu chứng này kéo dài có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hay hoại tử hậu môn.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh trĩ
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.