Bài viết được viết bởi BS Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Sự trẻ hóa bệnh ung thư đại tràng gần đây khiến cho nhu cầu khám sàng lọc để phát hiện sớm căn bệnh này ngày càng trở nên cần thiết hơn. Để khách hàng có được kết quả tối ưu khi đi thăm khám sàng lọc căn bệnh này, BS khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đã có những hướng dẫn và tư vấn cụ thể.
1. Ung thư đại tràng cần được kiểm tra sàng lọc từ độ tuổi nào?
Phần lớn các trường hợp ung thư đại trực tràng đều bắt nguồn từ các polyp đại trực tràng. Thời gian trung bình để poyp đại tràng tiến triển thành ung thư là 5 – 10 năm. Nếu phát hiện polyp, bác sĩ nội soi sẽ cắt bỏ để ngăn ngừa mầm mống ung thư. Lý tưởng nhất, cả nam lẫn nữ, từ 40 tuổi trở đi, cần được kiểm tra sàng lọc ung thư đại trực tràng. Hằng năm, bạn có thể kiểm tra phân tìm hồng cầu (test phân) là phương pháp đơn giản nhất. Nếu xét nghiệm dương tính tức là có máu vi thể trong phân thì cần nội soi đại trực tràng ngay. Bởi rất có thể đó là triệu chứng của ung thư đại trực tràng. 3 đến 5 năm cần nội soi trực tràng. Biện pháp tốt nhất là nội soi trực tràng mỗi 10 năm nếu không có yếu tố nguy cơ nào khác được ghi nhận.
2. Người bệnh cần làm gì để chuẩn bị nội soi?
Nội soi đại tràng cũng như nội soi ống tiêu hóa nói chung, để quan sát rõ ràng được thì ống tiêu hóa phải sạch. Do vậy, một ngày trước khi soi đại tràng người thầy thuốc thường khuyên bạn chế độ ăn nhẹ dễ tiêu và hướng dẫn cụ thể cách thức làm sạch đại tràng trước khi soi. Có thể chỉ dẫn cách làm sạch đại tràng của mỗi Trung tâm nội soi khác biệt vài điểm nhỏ. Nhưng dù bằng phương thức nào cũng dựa trên một vài biện pháp cơ bản: Dùng thuốc uống để làm sạch toàn ống tiêu hoá hay thụt thuốc qua đường hậu môn và kết hợp với thụt nước.Bạn nên thông báo cho thầy thuốc biết bạn bị dị ứng với những thuốc gì, hiện tại đang uống thuốc gì (chống viêm giảm đau, chống đông máu, các thuốc có chế phẩm sắt); bạn có bị bệnh mãn tính khác nào không, có dùng thuốc cao huyết áp, thuốc tiểu đường hay không, ....
3. Nội soi diễn ra trong bao lâu, có gây khó chịu hay không?
Nếu bạn lựa chọn phương pháp nội soi không gây mê, trong quá trình soi bạn sẽ cảm thấy một số khó chịu như: Tức - đầy bụng do bơm hơi; cảm giác đau do bị co thắt và vận động của đại tràng khi máy soi đưa vào. Để hạn chế và giảm bớt các khó chịu này, trước khi soi bác sĩ sẽ cho bạn dùng một số thuốc giảm đau và giảm vận động ống tiêu hóa. Ưu điểm của phương pháp này là bạn hoàn toàn có thể chủ động tương tác với thầy thuốc trong quá trình soi.
Nếu bạn chọn nội soi gây mê, trong quá trình soi bạn sẽ ngủ và không cảm nhận thấy các khó chịu kể trên. Nhưng nhược điểm của phương pháp này là bạn hoàn toàn không thể trao đổi với thầy thuốc trong quá trình soi.
4. Các thủ thuật gì thường được bác sĩ tiến hành trong khi soi?
Để chẩn đoán bệnh chính xác hơn, trong nhiều trường hợp bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng cắt một chút niêm mạc đại tràng (sinh thiết) và làm giải phẫu bệnh. Trong quá trình nội soi, nếu phát hiện bệnh, tùy theo bệnh lý cụ thể, thầy thuốc có thể tiến hành làm các thủ thuật điều trị cầm máu qua nội soi (tiêm cầm máu, cặp clips, đốt điện...), cắt polyp đại trực tràng...
Với trang thiết bị hiện đại và trình độ của các thầy thuốc nội soi hiện nay, nội soi đại tràng thông thường chỉ mất từ 7-10 phút (không tính thời gian chuẩn bị và hồi tỉnh sau mổ). Tuy nhiên một vài trường hợp, dù thầy thuốc giỏi và giàu kinh nghiệm cũng có thể mất tới 30-40 phút mới xong hoặc hãn hữu có một số trường hợp không thể soi hết được toàn bộ đại tràng. Trong trường hợp thầy thuốc có tiến hành các thủ thuật điều trị qua nội soi thì thời gian soi sẽ lâu hơn.
5. Sau khi nội soi, người bệnh có thể bị ảnh hưởng gì không?
Nếu nội soi không gây mê, sau khi soi bạn hoàn toàn tỉnh táo, bạn có thể tiến hành các công việc khác một cách bình thường.
Nếu nội soi gây mê, sau khi soi xong bạn sẽ được đưa ra nằm tại vị trí hồi tỉnh khoảng 30 phút – 1 tiếng. Để đảm bảo an toàn, bạn không nên lái xe và làm các công việc phức tạp hay đòi hỏi tập trung cao và nên có người thân đi cùng.
Một số biểu hiện thường gặp sau khi soi đại tràng toàn bộ: Đầy bụng (do trong khi soi phải bơm hơi – mặc dù khi rút dây soi đã hút hơi, nhưng không bao giờ hút triệt để được), kích thích muốn đại tiện và trung tiện, có thể có đau rát nhẹ vùng ống hậu môn, cảm giác này sẽ giảm dần vài giờ sau nội soi và hết hẳn.
6. Ngoài kiểm tra sức khỏe định kỳ, cần làm gì để phòng ung thư đại trực tràng?
Đó là việc ăn uống hợp vệ sinh, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, tập thể dục ít nhất 30 phút/lần và 3 lần/tuần... Ngoài ra, bạn không nên ăn nhiều dưa muối – cà muối còn sống, hạn chế thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thịt nướng... nên ăn nhiều rau, trái cây, cá, đạm thực vật,... Đặc biệt là nếu hay bị rối loạn tiêu hóa, phân lỏng, phân nát kéo dài, phân màu bất thường (phân đen, có máu) thì bạn cần đi khám bác sĩ tiêu hóa ngay. Nhất là khi trong gia đình, có người thân trực hệ bị ung thư đại trực tràng hay ung thư khác.
Việc tầm soát ung thư đại trực tràng cần được tiến hành tại các cơ sở uy tín, đảm bảo cả về chuyên môn và trang thiết bị, để đảm bảo việc tầm soát được diễn ra an toàn, chính xác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.