Gai gót chân là một bệnh cơ xương khớp thường gặp, khiến người bệnh đau nhức khó chịu và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Bên cạnh các biện pháp điều trị hiện đại, bệnh nhân có thể trị gai gót chân bằng Đông y. Vậy các bài thuốc trị gai gót chân bằng thuốc nam thực hiện như thế nào?
1. Gai gót chân là gì?
Trước khi tìm hiểu về các phương pháp trị gai gót chân bằng thuốc nam (Đông y), chúng ta cần có những kiến thức cơ bản về tình trạng bất thường này. Gai gót chân là bệnh lý xảy ra do tình trạng thoái hóa mặt dưới của xương gót chân thúc đẩy sự tân tạo tại chỗ và dẫn đến hình thành các gai nhọn. Ngoài ra, các gai nhọn cũng có thể mọc tại vùng rìa các khớp.
Để chẩn đoán xác định gai gót chân, bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp thăm khám kết hợp phim X quang gót chân. Trên phim X quang sẽ ghi nhận hình ảnh các gai xương nhỏ mọc nhô ra khỏi mặt dưới của xương gót chân.
Bản chất của cơ chế hình thành gai gót chân là do tình trạng viêm cân gan chân. Thông thường, giải phẫu mặt dưới bàn chân của chúng ta sẽ có 1 lớp gân, gọi là cân bàn chân, bám từ phần xương gót và kéo dài đến 5 ngón chân. Lớp gân này chịu áp lực nhiều nhất mỗi khi chúng ta chạy nhảy hay vận động. Theo thời gian, phần gân này sẽ suy yếu dần, tạo điều kiện cho canxi lắng đọng và hình thành nên các gai xương và được gọi là các gai gót chân.
2. Nguyên nhân gai gót chân
Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh gai gót chân thường rất khó xác định và cũng rõ ràng, đặc biệt là ở bệnh nhân cao tuổi. Tuy nhiên, những chấn thương xảy ra liên tục, thường xuyên được xem là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến tình trạng này.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác dẫn đến hình thành gai gót chân có thể kể đến như:
- Bàn chân phải chịu áp lực liên tục, kéo dài bởi các hoạt động thông thường như chạy nhảy, đi bộ hoặc đứng;
- Thói quen sử dụng giày cao gót;
- Thừa cân, béo phì là yếu tố làm tăng áp lực lên bàn chân nói chung và cân gan chân nói riêng;
- Cân gan chân bị kéo căng đột ngột khi người bệnh thực hiện động tác nhón chân hoặc leo cầu thang;
- Viêm gân Achilles khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc duỗi chân, từ đó khiến cho cân gan chân bị tổn thương;
- Viêm khớp gout là một trong những nguyên nhân dẫn đến hình thành gai gót chân;
- Hệ thống mạch máu của phần xương gót chân bị tắc nghẽn, khiến cho máu không thể lưu thông đến gót chân và tạo điều kiện hình thành gai xương.
Để xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng mọc gai gót chân, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán cụ thể, qua đó đưa ra những hướng điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Đồng thời, bệnh nhân có thể tham khảo thêm các phương pháp điều trị gai gót chân bằng Đông y để tăng hiệu quả kiểm soát bệnh.
3. Gai gót chân có chữa được không?
Theo các bác sĩ, gai gót chân không phải là một bệnh lý nguy hiểm và hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu người bệnh chọn lựa đúng phương pháp điều trị. Theo Y học hiện đại, bệnh nhân có thể điều trị gai gót chân theo các biện pháp sau đây:
- Sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng như thuốc giảm đau, có thể kết hợp với nhóm thuốc chống viêm;
- Chườm lạnh lên vùng gót chân đau 4 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 15 đến 20 phút;
- Xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế những công việc hoặc hoạt động quá sức, đặc biệt trong thời gian gai gót chân gây đau nhiều;
- Lưu ý việc chọn lựa giày dép, trong đó ưu tiên sử dụng những đôi giày có miếng đệm ở giữa gan bàn chân để tránh những tổn thương lên gót chân.
4. Điều trị gai gót chân bằng Đông y
Bên cạnh các phương pháp điều trị theo y học hiện đại, bệnh nhân có thể trị gai gót chân bằng thuốc nam theo những bài thuốc sau đây:
- Bài thuốc trị gai gót chân bằng xương rồng: Chuẩn bị xương rồng gai một đoạn, sau đó tiến hành loại bỏ hết gai và dùng dao tách làm 2 mảnh. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, người bệnh sau khi rửa sạch và lau khô chân hãy lấy miếng xương rồng đã chuẩn bị đắp lên vị trí đau nhức ở gót chân, sau đó dùng vải băng chặt, cố định trong tối thiểu 12 giờ. Người bệnh cần thực hiện lặp lại 7 ngày liên tục và mỗi ngày thay một miếng xương rồng khác sẽ nhận thấy hiệu quả;
- Trị gai gót chân bằng rễ cây đỗ tương (phần dưới mặt đất): Chuẩn bị 500g rễ cây đỗ tương, rửa sạch sau đó sắc kỹ với nước rồi tiến hành ngâm chân hàng ngày vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ trong thời gian 40-60 phút;
- Trị gai gót chân bằng đậu phụ: Người bệnh chuẩn bị đậu phụ số lượng vừa đủ, sau đó cho vào nồi hấp cách thủy thật nóng rồi đổ ra chậu. Lúc bắt đầu chỉ đặt hờ bàn chân có gót bị đau ở phía trên để xông hơi, khi đậu phụ nguội bớt thì hạ chân xuống đặt lên trên đậu phụ để chườm. Khi đậu phụ nguội hoàn toàn thì hấp nóng trở lại và chườm tiếp, lặp đi lặp lại các bước như trên 3-5 lần;
- Giấm ăn trị gai gót chân: Chuẩn bị 2 lít giấm ăn, sau đó tiến hành đun nóng đến nhiệt độ có thể ngâm chân được. Người bệnh đổ ra chậu rồi ngâm chân khoảng 30-60 phút, có thể đun lại nếu giấm nguội trong quá trình ngâm. Theo các bác sĩ, biện pháp ngâm chân bằng giấm ăn từ 10 đến 15 ngày thì gót chân có gai bắt đầu đỡ đau, nếu ngâm liên tục trong 1 tháng có thể hết đau hoàn toàn;
- Chuẩn bị các vị thuốc nam như thảo ô, tế tân và phòng phong với lượng vừa đủ, tiến hành sấy khô tất cả, sau đó tán thành bột. Người bệnh gai gót chân trước khi di chuyển hãy lấy một chút bột thuốc rắc vào đế giày dép sẽ giúp kiểm soát cơn đau hiệu quả;
- Chuẩn bị 20g đương quy 20g, 15g xuyên khung, 15g nhũ hương, 15g một dược và 15g chi tử. Người bệnh đem tất cả nguyên liệu sấy khô, sau đó tán thành bột rồi tùy theo lòng bàn chân to hay nhỏ mà dùng vải để làm thành tấm lót chứa bột thuốc dày khoảng 0.5cm ở đế giày dép đi hằng ngày;
- Chuẩn bị các nguyên liệu như 1g băng phiến, 6g tế tân và 12g thấu cốt thảo. Nguyên liệu đã chuẩn bị đem đi sấy khô, tán vụn rồi làm thành tấm lót trong đế giày dép đi hàng ngày. Trường hợp không tìm được thấu cốt thảo người bệnh có thể thay bằng cây phượng tiên hoa (còn gọi là hoa bóng nước).
Trên đây là một số gợi ý về cách trị gai gót chân bằng thuốc nam. Hy vọng đã đem lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.