Cách làm giảm sưng mắt khi bị dị ứng thuốc giúp bệnh nhân làm dịu các triệu chứng khó chịu ở mắt. Hãy cùng tìm hiểu những phương pháp có thể thực hiện đơn giản tại nhà thông qua bài viết này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Dị ứng thuốc sưng mắt to
Dị ứng với thuốc là hiện tượng cơ thể không dung nạp được một hoặc nhiều thành phần có trong thuốc, gồm các loại thuốc uống, tiêm, truyền và bôi, từ đó gây ra các phản ứng quá mẫn của cơ thể. Tình trạng này không phụ thuộc vào liều lượng sử dụng mà tuỳ thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Dị ứng thuốc gây sưng mắt to là một phản ứng của cơ thể, dẫn đến tình trạng mắt sưng to sau khi sử dụng thuốc. Ngay cả với những người có cơ địa dễ dị ứng với thuốc, việc sử dụng cả vitamin cũng có thể gây ra dị ứng.
Một số loại thuốc thường gây ra dị ứng bao gồm:
- Kháng sinh
- Vitamin dạng tiêm
- Paracetamol
- Thuốc tê
- Thuốc mê
- Thuốc nội tiết
Dị ứng thuốc sưng mắt to có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Tình trạng mắt sưng to có thể đi kèm với ngứa, nổi mề đay,... Trong trường hợp này, việc theo dõi, phát hiện và áp dụng cách làm giảm sưng mắt khi bị dị ứng tại nhà hoặc các cơ sở y tế là rất quan trọng để khắc phục tình trạng này.
2. Các cách làm giảm sưng mắt khi bị dị ứng thuốc
Dị ứng thuốc khiến mắt sưng to có thể gây ra đau, khó chịu và làm mờ tầm nhìn. Dù có nhiều cách để giảm sưng mắt khi gặp phải dị ứng nhưng quan trọng nhất là bệnh nhân cần đánh giá tình trạng sưng mắt như thế nào.
Liệu có cảm giác đau hoặc có các biểu hiện bất thường khác không? Nếu dị ứng thuốc gây sưng mắt nhưng không nghiêm trọng, không đi kèm với các biểu hiện đặc biệt, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp sau:
2.1 Ngưng sử dụng thuốc
Để khắc phục tình trạng mắt sưng to đã được xác định do dị ứng thuốc, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức. Trong tình huống này, bệnh nhân cần dừng việc sử dụng thuốc và nhận tư vấn từ bác sĩ hoặc dược sĩ.
2.2 Rửa sạch mắt
Khi gặp phải dị ứng, người bệnh có thể dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để rửa sạch vùng mắt để làm dịu kích ứng và giảm sưng mắt. Thay vì dùng tay, bệnh nhân nên sử dụng một chiếc khăn mềm để lau sạch vùng quanh mắt và rửa sâu vào bên trong mắt một chút. Phương pháp này giúp loại bỏ các tác nhân xâm nhập vào trong nhãn cầu gây dị ứng ở mắt, đồng thời cũng giúp mắt điều tiết đào thải chúng ra ngoài.
Rửa sạch mặt trong tình huống này là một biện pháp vô cùng hiệu quả giúp giảm sưng mắt khi bị dị ứng. Cách làm giảm sưng mắt khi bị dị ứng này có thể giúp loại bỏ các chất gây dị ứng dính vào mặt và lông mi.
2.3 Chườm lạnh
Một cách làm giảm sưng mắt khi bị dị ứng là chườm lạnh. Đây là một biện pháp hữu ích có thể thực hiện tại nhà, giúp giảm sưng tấy và cảm giác ngứa khó chịu ở mắt khi dị ứng thuốc.
Phương pháp này rất đơn giản, người bệnh chỉ cần sử dụng một khăn lạnh hoặc khăn dấp nước lạnh để chườm lên mắt bị sưng. Nhiệt độ thấp giúp da co lại và làm giảm căng thẳng các mạch máu xung quanh mắt, từ đó cải thiện lưu thông máu.
2.4 Sử dụng thuốc nhỏ mắt
Để giảm sưng mắt do dị ứng, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc nhỏ mắt không cần kê đơn. Những loại thuốc này thường có tác dụng giảm ngứa và sưng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn khi gặp phải dị ứng mắt sưng to.
Tuy nhiên, dù là thuốc không kê đơn, người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.
2.5 Sử dụng thuốc kháng histamin
Người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc kháng histamin không cần kê đơn khi mắt sưng to do dị ứng thuốc. Những loại thuốc này giúp giảm các phản ứng quá mẫn của cơ thể với loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng, từ đó giảm sưng phù và cảm giác khó chịu ở mắt do dị ứng thuốc gây ra.
Mặc dù là thuốc kháng histamin không cần kê đơn nhưng bệnh nhân cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng cách làm giảm sưng mắt khi bị dị ứng này.
2.6 Cần cân nhắc khi đeo kính áp tròng
Các loại kính áp tròng thường được thiết kế với bề mặt dễ bám, tích tụ các chất nguy hiểm có thể gây dị ứng trong không khí. Vì vậy, khi gặp phải dị ứng mắt, tốt nhất bệnh nhân nên tháo bỏ kính áp tròng ngay lập tức, ít nhất là cho đến khi các triệu chứng sưng và nhức ở mắt hoàn toàn biến mất.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên xem xét kỹ lưỡng việc đeo kính áp tròng, đặc biệt vào những mùa dễ gặp dị ứng. Một giải pháp tốt là chuyển sang sử dụng các loại kính áp tròng 1 lần để giảm thiểu sự tích tụ của chất gây dị ứng và các mảnh vụn còn sót lại trên bề mặt kính.
Hơn nữa, người sử dụng kính áp tròng nên chọn loại kính mắt có thấu kính quang sắc để giảm thiểu sự nhạy cảm đối với ánh sáng và thời tiết, cũng như bảo vệ mắt khỏi các chất gây hại trong không khí.
2.7 Massage vùng quanh mắt
Khi người bệnh gặp phải dị ứng và mắt sưng đau, nghỉ ngơi kết hợp với massage nhẹ nhàng quanh mắt có thể giúp cải thiện lưu thông máu, làm giảm sưng, giảm đau.
Cách thực hiện rất đơn giản: Sử dụng các ngón trỏ và ngón giữa của cả hai tay, nhẹ nhàng massage các vùng quanh đuôi mắt và bọng mắt, sau đó dịch chuyển lên các khu vực của thái dương và 2 gò má. Lưu ý giữ cho áp lực nhẹ nhàng và đồng đều, áp lực quá mạnh có thể gây phản tác dụng.
2.8. Dùng nước muối để chườm mắt
Một phương pháp thay thế cho việc chườm lạnh là đắp nước muối lên mắt. Nếu bệnh nhân không có đá lạnh sẵn, hãy dùng nước muối thông thường để giảm sưng bọng mắt.
Cách thực hiện như sau: Hòa 1/2 thìa muối tinh vào cốc nước ấm, khuấy đều cho đến khi muối tan hoàn toàn. Sau đó, lấy một chiếc khăn sạch và ngâm vào dung dịch muối rồi đắp lên mi mắt. Nghỉ ngơi và thư giãn trong khoảng 5-10 phút. Bệnh nhân có thể lặp lại quy trình thêm 1-2 lần để có kết quả tốt nhất.
3. Những trường trường hợp cần đến bác sĩ
Nếu trong quá trình xử trí với các cách làm giảm sưng mắt khi bị dị ứng thuốc trên, bệnh nhân cần đi khám ngay khi gặp các dấu hiệu:
- Đau nhức mắt
- Rát ở mắt
- Sưng đau kéo dài
- Khó mở/ nhắm mắt
- Mất thị lực
- Sốt cao
- Hoa mắt
- Chóng mặt
- Thở khò khè
- Phát ban
Những biểu hiện này có thể chỉ ra nguy cơ cao khi gặp phải dị ứng thuốc. Đừng ngần ngại đi đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
4. Những lưu ý cần biết khi thực hiện các cách làm giảm sưng mắt khi bị dị ứng thuốc tại nhà
Dù dị ứng mắt thường chỉ là tình trạng tạm thời và có thể tự điều trị đơn giản tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh không nên coi thường vì tình trạng này có thể gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến các biến chứng phức tạp khác ở mắt. Do đó, khi gặp phải tình trạng dị ứng mắt, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Theo dõi tình trạng sức khỏe của mình thường xuyên và cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
- Tuyệt đối không tự ý can thiệp y tế tại nhà đối với mắt, mọi thao tác đều cần được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn.
- Nếu người bệnh đã thử tất cả các phương pháp giảm sưng mắt nhưng không thấy cải thiện, thậm chí còn nặng hơn, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị đúng cách, tránh nguy cơ biến chứng phức tạp.
- Để bảo vệ sức khỏe mắt, hãy thiết lập thói quen khám mắt định kỳ từ 1 đến 2 lần mỗi năm để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nguy hiểm, bảo vệ thị lực.
5. Phòng ngừa dị ứng thuốc mắt sưng to
Dị ứng thuốc gây sưng mắt sẽ có những biểu hiện cụ thể khác nhau ở mỗi người. Do đó, nếu người bệnh thường xuyên gặp phải dị ứng thuốc và bị các triệu chứng như sưng mắt, ngứa, mề đay cần chú ý đến các điểm sau:
- Thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc.
- Luôn mang theo thuốc dị ứng và thông tin về chúng khi đi ra ngoài.
- Chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bài viết đã cung cấp các thông tin về cách làm giảm sưng mắt khi bị dị ứng thuốc hiệu quả cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân vẫn còn thắc mắc về tình trạng dị ứng thuốc, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn chi tiết hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.