Bài viết của Thạc sĩ Bùi Thị Hậu - Chuyên viên Tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Trẻ nhỏ rất hiếu động, đôi khi những cơn khủng hoảng có thể khiến con có những hành vi kỳ lạ. Việc hiểu tâm lý, ngôn ngữ của trẻ sẽ giúp cha mẹ biết cách hỗ trợ khi con có những hành vi không phù hợp và dạy con cách ứng xử, giao tiếp trong xã hội.
Xin chào các bạn, ngày hôm nay chúng ta cùng trao đổi một chút về những rào cản trong ngôn ngữ, khiến trẻ gặp khó khăn khi phát triển ngôn ngữ và dẫn đến kém thích nghi sau này nhé.
Chắc hẳn, chúng ta sẽ thường thấy một số hành vi thường nhật ở trẻ trong sinh hoạt hàng ngày như: ném đồ khắp phòng, thả đồ từ trên cao xuống, hoặc ném đồ qua khung cửa với một tâm trạng rất chi phấn khích, thích thú...Hay những hành vi như: khóc, lăn ra sàn, cắn tay, đập đầu khi không vừa ý...
Cũng có khi là gặm đồ vật, chạy nhảy leo trèo một cách khó kiểm soát... Có những trẻ lại có hành vi kiễng chân, xoay tròn người, xoay tròn bánh xe, nghịch dậy, hay cọ/tỳ cằm của mình vào người khác. Cũng có những trẻ lại hay mân mê những đồ vật nhỏ trên tay và cho chúng cho chúng vào miệng...
Tất cả những hành vi trên, đôi khi chúng ta chỉ thấy một vài biểu hiện ở trẻ này, nhưng cũng có nhiều biểu hiện ở trẻ khác. Và chúng ta đã từng cố gắng, nỗ lực để thay đổi...nhưng dường như đâu đó chúng ta vẫn bất lực.
Trong tâm lý học, các nhà khoa học phát hiện ra rằng: bất kể hành vi nào của trẻ đều có lý do của nó. Và bất kể hành vi nào cũng không hẳn là xấu, có chăng chúng chưa được học để có cách thức cư xử phù hợp hơn.
Vì vậy, muốn giải quyết được chúng, chúng ta cần tìm ra nguyên nhân của chúng là gì? Hay nói cách khác: Hành vi đó xảy ra để trẻ mong muốn điều gì?
Thông thường, các hành vi thường quy vào vào 4 nhóm nguyên nhân chính:
- Hành vi nhằm đòi hỏi: Ví dụ ném đồ vật khắp sàn khi cô/mẹ vừa ngừng cho xem điện thoại; hét, khóc để đòi bằng được đồ chơi mà không chịu nói...
- Hành vi gây sự chú ý: đánh bạn, đẩy bạn để có được sự chú ý can ngăn của người khác, cố tình làm đổ đồ chơi để mẹ/cô ra giúp... Lưu ý: chỉ xảy ra khi có người ở trong phòng.
- Hành vi nhằm mục đích trốn tránh: Ví dụ khóc lăn ra sàn để khỏi phải ngồi vào học, hay để trốn tránh một nhiệm vụ nào đó được giao. Lưu ý: hành vi này có thể xuất hiện ngay khi trẻ thấy trẻ thấy có dấu hiệu phải hoàn thành một nhiệm vụ nào đó theo thói quen.
- Hành vi nhằm mục đích tìm kiếm cảm giác: Ví dụ kiễng chân thường xuyên để tìm kiếm cảm giác thăng bằng, xoay tròn đồ vật để tìm kiếm kích thích thị giác, cọ, kỳ cằm vào người khác để tìm kiếm xúc giác...
Ngoài ra, còn có hành vi nhằm mục đích kiểm soát, ví dụ kiểm soát môi trường, trẻ có thể thể hiện hành vi thách đố không phải do đòi quà, không phải do trốn tránh, ngay cả những hoạt động trẻ thích giờ cũng trở nên ít hiệu quả với chúng. Thực tế, chúng muốn kiểm soát môi trường tại thời điểm đó.
Hành vi định hình, rập khuôn: hành vi thách đố cho phép đứa trẻ đạt được những nghi thức, thói quen, sự rập khuôn theo ý thích của trẻ. Hữu hình: xé giấy, ấn cầu thang máy. Những thứ gì đó mang tính trừu tượng: Ví dụ đi theo một cung đường nhất định.
Chúng ta vẫn luôn nhắc lại và giữ một quan điểm nhất quán: Không có hành vi nào của trẻ là xấu xa, tội lỗi; cũng không thể coi một đứa trẻ không nghe lời chúng ta là một trẻ ương ạnh hay bướng bỉnh. Bởi, đôi khi chúng ta có thể chưa biết cách để dạy “tới nơi tới chốn" và đôi khi đứa trẻ cần chúng ta kiên trì và triệt để hơn,
Với mỗi ngày, tôi lại nhận được một phản hồi của phụ huynh. Rằng họ than phiền ở nhà, trẻ hay nhổ nước bọt mà trên lớp lại không, bố mẹ đánh mắng đủ kiểu mà không ăn thua. Hay đôi khi làm sao con cứ khóc mỗi khi con tan học về nhìn thấy mẹ?
Nếu chúng ta phân tích kỹ, chúng ta sẽ dự đoán được một số khả năng trẻ muốn đạt mục đích gì trong hành vi đó, đôi khi 1 hành vi xảy đến có thể bao gồm 2 đến 3 lại mục đích khác nhau.
- Thay vì trẻ dùng hành vi tiêu cực để có được sự chú ý, chúng ta hãy cung cấp cho trẻ sự quan tâm chú ý trước khi chúng xuất hiện hành vi tiêu cực này. đồng thời dạy con biết rằng, có rất nhiều cách để tạo được sự chú ý với người khác: một cái ôm và gọi "mẹ ơi", hoặc cụm từ ngắn "chơi với con!" Nếu con bạn chưa nói được một câu; một nụ hôn, thay vì nhổ nước bọt - một đôi tay nhỏ bé vỗ vào vai mẹ hay vuốt má... cũng là những cử chỉ hết sức có ý nghĩa. Đặc biệt, chúng ta cũng có thể dạy con làm trò như: mặt hề, ú òa... theo một cách để gây sự chú ý từ người khác...
- Thay vì trẻ dùng hành vi tiêu cực để trốn tránh nhiệm vụ: Chúng ta cân nhắc tạm thời giảm nhẹ nhiệm vụ đó xuống, ví dụ: khi con gặp khó khăn trong bài tập viết, thay vì viết cả trang giấy ngay từ lần đầu tiên - bây giờ chúng ta cùng nhau viết 2 dòng rồi nghỉ, con được chơi và tiếp tục nâng dần nhiệm vụ lên phù hợp với khả năng hợp tác của con. Chúng ta cũng có thể thiết kế một mẫu bìa đẹp, màu sắc ấn tượng để con thêm phần hứng thú. Hoặc khi con không muốn hoặc không thích thực hiện theo yêu cầu của người lớn thì hãy dạy con đưa ra yêu cầu ngừng – stop như: Không, tớ không thích (thay vì nhổ nước bọt để phản ứng), không-cảm ơn, giúp, xong, xin “nghỉ”
- Thay vì trẻ dùng hành vi tiêu cực để đòi một đồ vật/đồ chơi hay đồ ăn: hãy dạy trẻ "ạ" cho mọi tình huống khi muốn gì, hoặc đơn giản là xòe tay xin, hoặc chỉ tay đến đồ vật đó và chờ đợi... Đôi khi chúng ta cần làm mẫu thường xuyên để trẻ luôn nhớ và bắt chước theo đến khi thành thục.
Và với các hành vi khác thì các bạn cũng đã biết mình sẽ làm gì để giúp con bạn có được một cách cư xử tốt hơn rồi! Phải không ạ?
Hi vọng nhưng chia sẻ trong bài viết trên đẽ cung cấp thông tin thật bổ ích giúp cha mẹ nuôi dạy con thật tốt.
Chúc các bậc cha mẹ thành công!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.