Trong khi nhiều bé thích nằm nghiêng khi ngủ, một số trẻ sơ sinh khác lại được đặt nằm ngửa hoặc nằm sấp. Nhiều ý kiến cho rằng, trẻ sơ sinh nằm nghiêng một bên khi ngủ là sự lựa chọn tốt nhất để đảm bảo giấc ngủ và sự an toàn của trẻ. Tuy nhiên, không có tư thế nằm ngủ nào là tối ưu có thể áp dụng được cho mọi trẻ.
1. Vai trò của tư thế ngủ an toàn dành cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh dành phần nhiều thời gian để ngủ trong những tháng tuổi đầu tiên. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Quan sát có thể thấy nhiều bé thích nằm nghiêng khi ngủ, một số trẻ khác lại lựa chọn tư thế nằm ngửa hoặc thậm chí nằm sấp. Một tư thế ngủ an toàn cần được quan tâm và lựa chọn kỹ lưỡng để bảo vệ giấc ngủ cho trẻ sơ sinh. Theo thống kê, nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tử vong do mắc phải hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh (tên tiếng anh là sudden infant death syndrome) có liên quan đến các tư thế ngủ không an toàn. Hơn 80% các ca tử vong bất ngờ của trẻ em tại Mỹ được xếp vào hội chứng này.
Bố mẹ và những người chăm sóc cần hiểu rõ vai trò của một tư thế ngủ an toàn đối với sức khỏe và đời sống của trẻ sơ sinh. Lựa chọn một tư thế ngủ an toàn cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ và chuyên gia với các bằng chứng khoa học rõ ràng. Việc áp dụng các thói quen hoặc những kinh nghiệm truyền miệng trong dân gian có khả năng đặt trẻ vào những nguy cơ nguy hiểm. Một số việc nên tránh thực hiện trong khi trẻ ngủ để đảm bảo an toàn cho trẻ như:
- Che kín mặt mũi của trẻ sơ sinh bằng mền, khăn. Việc này dễ khiến trẻ bị nóng và nguy hiểm hơn có thể ngạt thở.
- Giường ngủ của trẻ quá mềm, khiến trẻ dễ bị lún sâu vào bên dưới gây ngạt thở. Nếu lựa chọn ngủ trên ghế sofa, đệm mềm, gối bông, trẻ sơ sinh cần được quan sát và theo dõi kỹ lưỡng bởi người lớn.
- Để trẻ sơ sinh ngủ một mình. Trong những tháng đầu đời, hệ thần kinh và các phản xạ bảo vệ cơ thể chưa hoàn chỉnh, bố mẹ không nên để trẻ nằm ngủ một mình trong phòng để hạn chế tối đa những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
- Đặt trẻ nằm ngủ trong một tư thế cố định quá lâu như khi nằm sấp lâu khiến trẻ khó thở, nằm ngửa lâu gây lép đầu vùng chẩm ...
Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ
Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Tại sao nên cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng một bên khi ngủ?
Nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh nằm nghiêng một bên khi ngủ là tư thế tốt mang lại nhiều lợi ích. Bố mẹ đặt trẻ nằm nghiêng người hẳn về một phía và nên cuốn người trẻ bằng một tấm vải mỏng, giữ cho tay và chân nằm dọc theo ổ cuốn, tạo cho trẻ cảm giác ấm cúng và an toàn khi ngủ. Gối ngủ dành riêng cho trẻ sơ sinh có thể được sử dụng kết hợp để giúp trẻ thay đổi tư thế nghiêng trái nghiêng phải trong giấc ngủ.
Lợi ích nổi bật khi cho trẻ nằm nghiêng là giữ an toàn cho đường thở của trẻ. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ không có nhiều nguy cơ ngạt thở, đặc biệt là khi trẻ bị nôn trớ, thức ăn từ đường tiêu hóa không đi ngược trở lại vào đường thở gây sặc. Tư thế nằm nghiêng còn có vai trò giảm các chứng ngủ ngáy hay khò khè khi ngủ. Tuy nhiên nằm nghiêng một bên quá lâu có thể khiến đầu trẻ bị lép ở vùng thái dương hoặc gây biến dạng tai, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
Tư thế nằm ngủ nào cũng có những lợi ích và nguy cơ riêng biệt. Việc xác định một tư thế ngủ có lợi ích tuyệt đối là điều không thể. Tùy từng đặc điểm, lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ để lựa chọn tư thế ngủ phù hợp. Trẻ sơ sinh còn quá nhỏ để có thể tự thay đổi tư thế trong khi ngủ như ở người lớn vì thế khi chăm sóc trẻ, bố mẹ cần ghi nhớ đặt trẻ ngủ ở nhiều tư thế khác nhau, không duy trì cố định bất kỳ một tư thế nào để phát huy được những lợi ích và hạn chế những nhược điểm của mỗi tư thế.
3. Lợi ích và nguy cơ của một số tư thế khác
Ngoài tư thế nằm nghiêng, khi ngủ trẻ có thể được đặt ở những tư thế khác như:
- Nằm ngửa: Đây là tư thế ngủ tự nhiên của mọi đứa trẻ. Hai cánh tay mở rộng, khuỷu tay gấp và hướng lên phía đầu, hai chân gập nhẹ ở gối và đùi. Người chăm sóc trẻ sơ sinh nên đặt một chiếc gối mỏng dưới vai trẻ để giữ vùng hầu họng được thông thoáng và duy trì trục thẳng của đường thở trên. Ở tư thế này, trẻ sơ sinh hoàn toàn có cảm giác thoải mái, thả lỏng, hỗ trợ việc hô hấp do đường thở được giữ thông thoáng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, vệ sinh thân thể cho trẻ. Tuy nhiên, ngủ cố định ở tư thế nằm ngửa trong một khoảng thời gian dài khiến cho đầu trẻ dễ bị biến dạng do lép vùng chẩm, ảnh hưởng nhiều đến hình dạng đầu khi trưởng thành và gây giảm thẩm mỹ.
- Nằm sấp: Nhiều trẻ sơ sinh thích tư thế nằm sấp khi ngủ vì tạo được cảm giác ấm cúng và an toàn. Trẻ nằm sấp khi ngủ nên để chân gập vào bụng một góc vừa phải, không quá 90 độ, hai tay đặt ở hai bên một cách thoải mái. Tư thế nằm sấp được xem như gần giống với tư thế nằm trong tử cung của người mẹ, khiến trẻ có cảm giác được bảo vệ. Ngoài ra tư thế này còn giúp hạn chế sự nôn trớ thức ăn và dịch tiêu hóa từ dạ dày ngược lên thực quản, kích thích sự phát triển của trẻ do thúc đẩy trẻ vận động, xoay người, lật ngửa ... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không khuyến cáo thường xuyên cho trẻ nằm sấp vì có khá nhiều nguy cơ như dễ ngạt thở, gây nóng do mồ hôi tích tụ ở các lớp da và khó bay hơi, khó theo dõi trẻ để phát hiện được các dấu hiệu bất thường.
Một số trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý đang được điều trị tại các trung tâm y tế sẽ được đặt nằm ở những tư thế đặc biệt, phù hợp riêng với từng bệnh cảnh khác nhau.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.