Âm đạo là một trong những cơ quan đóng vai trò quan trọng trong cơ thể phụ nữ, giúp thỏa mãn nhu cầu sinh lý và thực hiện chức năng sinh sản. Tuy nhiên, theo thời gian, dưới tác động của quá trình lão hóa âm đạo sẽ không được duy trì trạng thái như ban đầu. Vậy làm thế nào để giữ cho âm đạo khỏe mạnh ở mọi độ tuổi?
1. Chăm sóc âm đạo ở độ tuổi 20
Ở độ tuổi 20 là khoảng thời gian mà âm đạo phụ nữ ở trạng thái tốt nhất nhờ nồng độ các hormone giới tính như estrogen, testosterone và progesterone đều ở mức cao nhất. Trong đó, estrogen là hormone có vai trò quan trọng giữ cho âm đạo luôn được bôi trơn, đàn hồi và tăng tính acid, ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Âm đạo được bao quanh bởi hai bộ nếp gấp da được gọi là môi bé và môi lớn. Môi lớn có chứa một lớp mô mỡ và trong độ tuổi 20 môi lớn thường căng đầy còn môi bé thường mỏng, có màu sáng và nằm bên trong môi lớn. Đây cũng là độ tuổi mà ham muốn tình dục cao nhất. Những người quan hệ tình dục thường xuyên sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn di chuyển từ âm đạo vào niệu đạo. Vì vậy, để giảm nguy cơ này, hãy đi tiểu ngay sau khi quan hệ để loại bỏ vi khuẩn ra khỏi niệu đạo.
Âm đạo có khả năng tự làm sạch bằng cách tạo ra chất dịch màu trắng đục hoặc trong suốt, hay còn được gọi là khí hư hay dịch tiết âm đạo. Lượng khí hư sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nội tiết tố diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, ở đội tuổi 20 chỉ cần vệ sinh hằng ngày bằng dung dịch vệ sinh nhẹ hoặc nước là đủ để giữ cho âm đạo khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu xuất hiện những triệu chứng như đau khi quan hệ, ngứa ngáy, dịch tiết có mùi hôi hoặc nóng rát thì cần được chăm sóc đặc biệt.
2. Chăm sóc âm đạo tuổi 30
Ở độ tuổi 30, môi trong có thể sẽ sẫm màu hơn do thay đổi hormone trong cơ thể. Khi mang thai, dịch tiết âm đạo sẽ tăng và có màu trắng đục, hơi có mùi. Tuy nhiên, nếu dịch tiết có màu vàng, xanh hoặc mùi hôi tanh khó chịu thì đây là dấu hiệu cho thấy có vấn đề bất thường ở vùng kín.
Sau khi sinh con, âm đạo sẽ bị kéo giãn và sự đàn hồi sẽ giảm đi theo thời gian, đa phần âm đạo sẽ trở lại kích thước và tình trạng gần giống với trước sinh. Để giữ cho âm đạo khỏe mạnh bạn hãy thử các bài tập thể dục sau sinh như các bài tập Kegel sẽ giúp tăng cường cơ sàn chậu và khôi phục trạng thái săn chắc, đàn hồi cao cho âm đạo.
Các loại thuốc tránh thai đường uống cũng có thể sẽ gây ra những thay đổi ở âm đạo như tăng tiết dịch, chảy máu và khô. Những triệu chứng này thường tự hết khi ngừng dùng thuốc nhưng nếu vẫn tiếp diễn thì bạn cần đi khám bác sĩ phụ khoa. Thông thường, bạn sẽ phải thử qua nhiều loại thuốc tránh thai khác nhau thì mới có thể tìm ra loại phù hợp với mình.
3. Chăm sóc âm đạo tuổi 40
Độ tuổi 40 là độ tuổi tiền mãn kinh, đây là giai đoạn trước khi ngừng kinh nguyệt hoàn toàn. Vì vậy, âm đạo trải qua những thay đổi đáng kể ở độ tuổi này. Khi nồng độ estrogen trong cơ thể giảm đi, thành âm đạo sẽ trở nên mỏng và khô hơn. Hiện tượng này còn được gọi là teo âm đạo và có thể gây ra những vấn đề như:
- Nóng rát
- Đau đớn khi quan hệ
- Giảm dịch tiết âm đạo gây khô rát
- Nóng rát khi đi tiểu
- Âm đạo bị teo nhỏ
- Ngứa ngáy
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Quan hệ thường xuyên ở độ tuổi 40 sẽ làm tăng lưu lượng máu đến âm đạo và giữ cho âm đạo đàn hồi, từ đó giúp làm chậm quá trình teo âm đạo. Ngoài ra, các loại gel hay kem dưỡng ẩm âm đạo hoặc estrogen dạng bôi cũng có tác dụng chống khô âm đạo. Hiện nay, trên thị trường estrogen có nhiều dạng khác nhau như dạng viên nén, gel, dạng xịt, miếng dán và dạng vòng đặt âm đạo.
4. Chăm sóc âm đạo tuổi 50
Khi bước sang độ tuổi 50, nhiều phụ nữ đã mãn kinh và nồng độ estrogen ở mức khá thấp hoặc thậm chí cạn kiệt. Âm đạo sẽ co lại và nhăn nheo. Teo âm đạo chính là vấn đề phổ biến thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi này. Nồng độ estrogen thấp không chỉ ảnh hưởng đến âm đạo mà còn tác động đến cả đường tiết niệu. Tình trạng teo âm đạo có thể diễn ra ở các niệu đạo, dẫn tới rò rỉ nước tiểu và bàng quang hoạt động quá mức, làm tăng tần suất đi tiểu, buồn tiểu bất chợt, tiểu rắt và tiểu không tự chủ.
Liệu pháp hormone chính là cách giữ cho âm đạo khỏe mạnh, bằng cách dùng thuốc uống hoặc thuốc đặt âm đạo sẽ cải thiện được triệu chứng teo âm đạo và teo đường tiết niệu. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với liệu pháp hormone và có thể cần thực hiện các biện pháp khắc phục khác như:
- Thực hiện các bài tập rèn luyện bàng quang
- Sử dụng máy giãn âm đạo nhằm giúp cải thiện độ đàn hồi
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
- Giữ cân nặng khỏe mạnh
- Giảm thiểu hoặc bỏ các thực phẩm có chứa caffeine
- Không hút thuốc
- Tập các bài tập Kegel và tập cơ sàn chậu khác giúp phục hồi chức năng sàn chậu
- Sử dụng chất bôi trơn âm đạo
- Sử dụng kem dưỡng ẩm âm đạo
Ở phụ nữ sau mãn kinh còn có nguy cơ bị sa âm đạo, đặc biệt là ở những người sinh thường và có thời gian chuyển dạ kéo dài. Sa âm đạo là vấn đề xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ âm đạo bị xệ xuống cửa vào âm đạo. Sa âm đạo còn ảnh hưởng đến cả các cơ quan khác như bàng quang, tử cung và trực tràng. Các dấu hiệu sa âm đạo như có cảm giác tức ở vùng chậu, khó chịu ở âm đạo, đau mỏi vùng lưng dưới khi ngồi hoặc đứng. Các phương pháp điều trị sa âm đạo bao gồm đặt vòng nâng cổ tử cung để giữ cho vùng âm đạo bị sa được cố định, cùng với đó là kết hợp các bài tập cơ sàn chậu và phương pháp cuối cùng là phẫu thuật đối với những trường hợp bị sa âm đạo nghiêm trọng.
Âm đạo là một trong những cơ quan đóng vai trò quan trọng trong cơ thể phụ nữ, giúp thỏa mãn nhu cầu sinh lý và thực hiện chức năng sinh sản. Tuy nhiên theo thời gian, dưới tác động của quá trình lão hóa, âm đạo sẽ không được duy trì trạng thái như ban đầu. Vì vậy, để giữ cho âm đạo khỏe mạnh ở mọi lứa tuổi bạn cần đi khám phụ khoa thường xuyên, quan hệ tình dục an toàn, tập các bài tập cơ sàn chậu,... và khi có những dấu hiệu bất thường như có mùi hôi, đau khi quan hệ, ngứa âm đạo,... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com