Loét đường tiêu hóa là những tổn thương cấp tính ở bề mặt niêm mạc đường tiêu hóa, có thể xuất hiện ở người bệnh nặng hoặc trải qua biến cố căng thẳng do chịu tổn thương tâm lý lớn, người trải qua phẫu thuật, chấn thương... hoặc do sử dụng thuốc. Vậy làm cách nào để dự phòng loét dạ dày tá tràng?
1. Loét dạ dày tá tràng do stress
Loét đường tiêu hóa do stress thường xảy ra ở vị trí đáy vị và thân dạ dày, nhưng đôi khi tình trạng loét tiêu hóa cũng phát triển ở hang vị, đoạn tá tràng và đoạn thực quản xa. Những vết loét đường tiêu hóa do stress gây ra thường là vết loét nông, gây chảy máu từ các mao mạch ở bề mặt của niêm mạc đường tiêu hóa. Trong một số trường hợp nặng sẽ có các tổn thương sâu hơn làm ăn mòn lớp dưới niêm mạc, gây xuất huyết nhiều hoặc thủng dạ dày tá tràng.
Tác hại của loét đường tiêu hóa do stress mang lại là rất lớn. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do loét xảy ra ở đường tiêu hóa có biến chứng chảy máu lên đến 50% và kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 4 - 8 ngày, làm gia tăng chi phí điều trị.
Loét dạ dày tá tràng do stress xuất hiện rất phổ biến nhất ở các bệnh nhân điều trị ở khoa ICU. Bằng chứng nội soi cho thấy sau khi bệnh nhân nhập ICU từ 1 - 2 ngày,loét dạ dày tá tràng do stress sẽ xuất hiện ở hầu hết bệnh nhân (76% - 100%), đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh tình nặng thêm và làm tăng tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân ICU.
2. Khi nào cần dự phòng loét dạ dày tá tràng do stress?
Để dự phòng loét dạ dày tá tràng do stress, các thuốc chủ yếu được khuyến cáo sử dụng bao gồm thuốc kháng thụ thể histamin H2 và các thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton (PPI). Trong đó thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy PPI đang được sử dụng lạm dụng quá mức và thường được chỉ định không hợp lý. Tỷ lệ sử dụng PPI với mục đích dự phòng không phù hợp dao động từ 50 - 70% về đối tượng chỉ định, liều dùng, đường dùng và thời gian dự phòng. Việc dự phòng không hợp lý sẽ làm tăng thêm gánh nặng về chi phí và tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc.
Đến nay trên thế giới chỉ có duy nhất hướng dẫn dự phòng loét đường tiêu hóa do stress của Hội Dược sĩ thuộc hệ thống chăm sóc Y tế Hoa Kỳ (ASHP) năm 1999 khuyến cáo đầy đủ về chỉ định và chiến lược dự phòng loét dạ dày tá tràng do stress. Theo đó dự phòng loét đường tiêu hóa do stress bằng PPI chỉ khuyến cáo đối với các bệnh nhân của khoa ICU có các yếu tố nguy cơ. Không có khuyến cáo dự phòng loét đường tiêu hóa do stress ở bệnh nhân nội trú thông thường Bệnh nhân được chỉ định thuốc PPI để dự phòng loét dạ dày - tá tràng do stress khi người bệnh có ít nhất một yếu tố nguy cơ:
- Suy hô hấp: bệnh nhân thở máy trên 48 giờ;
- Rối loạn đông máu: Số lượng tiểu cầu < 50.000 tế bào/mm3 hoặc thời gian aPTT > 2 lần so với con số chứng hoặc giá trị INR > 1.5;
- Có tiền sử loét hoặc chảy máu tiêu hóa trong vòng 1 năm trước khi nhập viện;
- Chấn thương sọ não điểm Glasgow ≤ 10;
- Bệnh nhân đa chấn thương có điểm số ISS ≥ 16;
- Tổn thương do bỏng > 35% diện tích cơ thể;
- Cắt gan một phần;
- Chấn thương cột sống;
- Ghép tạng;
- Suy gan;
- Có ít nhất 02 trong số các yếu tố sau: Tình trạng nhiễm trùng huyết, nằm tại khoa điều trị tích cực > 1 tuần, xuất huyết tiêu hóa ẩn kéo dài trong 6 ngày hoặc dài hơn, sử dụng liều cao thuốc corticosteroid (trên 250mg/ngày tính theo hoạt chất hydrocortison hoặc tương đương).
3. Thuốc được sử dụng để dự phòng loét dạ dày tá tràng do stress
Thuốc được sử dụng để dự phòng loét dạ dày tá tràng do stress là những loại thuốc sau đây:
- Cimetidin: dùng đường uống, sonde dạ dày, tiêm tĩnh mạch với liều 300mg x 4 lần/ngày hoặc truyền tĩnh mạch: 50mg/giờ. Với người suy giảm chức năng thận Clearance Creatinin (Clcr ) < 30ml/phút thì dùng đường uống, sonde dạ dày, tiêm tĩnh mạch liều 300mg x 2 lần/ ngày hoặc truyền tĩnh mạch: 25mg/giờ;
- Famotidin: dùng theo đường uống, sonde dạ dày, tiêm tĩnh mạch với liều 20mg x 2 lần/ngày hoặc truyền tĩnh mạch: 1,7mg/giờ. Nếu Clcr < 30ml/phút thì dùng đường uống, sonde dạ dày, tiêm tĩnh mạch liều 20mg/lần/ngày hoặc truyền tĩnh mạch: 0,85mg/giờ;
- Ranitidin: dùng theo đường uống, sonde dạ dày, tiêm tĩnh mạch với liều 150mg x 2 lần/ngày hoặc truyền tĩnh mạch: 6,25mg/giờ. Nếu Clcr < 50ml/phút có thể dùng đường uống, sonde dạ dày theo liều 150mg 1 hoặc 2 lần/ngày, tiêm tĩnh mạch liều 50mg/12 - 24 giờ hoặc truyền tĩnh mạch: 2 - 4mg/giờ;
- Omeprazole: liều nạp: 40mg và liều duy trì: 20 - 40mg/ngày (dùng theo đường uống, sonde dạ dày hoặc đường tiêm tĩnh mạch). Không cần hiệu chỉnh Omeprazole với người suy giảm chức năng thận;
- Lansoprazol: dùng theo đường uống, đường sonde dạ dày hoặc đường tiêm tĩnh mạch với liều 30mg/ngày và không cần hiệu chỉnh với người suy giảm chức năng thận;
- Esomeprazol: dùng theo đường uống, đường sonde dạ dày hoặc đường tiêm tĩnh mạch với liều 20 - 40mg/ngày và không cần hiệu chỉnh với người suy giảm chức năng thận;
- Rabeprazole: dùng theo đường uống hoặc sonde dạ dày với liều 20mg/ngày và không cần hiệu chỉnh với người suy giảm chức năng thận;
- Pantoprazol: dùng theo đường uống, đường sonde hoặc đường tiêm tĩnh mạch với liều 40mg/ngày và không cần hiệu chỉnh với người suy giảm chức năng thận;
- Sucralfat dùng với liều 1g x 4 lần/ ngày (đường uống hoặc sonde dạ dày) và không cần hiệu chỉnh với người suy giảm chức năng thận.
4. Nguy cơ loét dạ dày – tá tràng khi dùng NSAID
NSAID là thuốc giảm đau kháng viêm có khả năng ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày và đường tiêu hóa trên của người bệnh, bao gồm: loét dạ dày tá tràng và các biến chứng phức tạp, nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và thậm chí là thủng đường tiêu hóa. Có đến 25% bệnh nhân dùng NSAID lâu dài sẽ phát triển thành loét đường tiêu hóa và 2 - 4% là chảy máu hoặc thủng đường tiêu hóa. Các chuyên gia y tế khuyến cáo khi bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc NSAID nên chú ý đến 2 vấn đề sau:
- Phát hiện những bệnh nhân có nguy cơ cao;
- Lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp cho bệnh nhân để ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng và các biến chứng của bệnh.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn NSAID dùng cho bệnh nhân cũng cần cân nhắc khả năng giảm đau, chống viêm của thuốc và độc tính trên tiêu hóa, hệ tim mạch trên từng cá nhân. Theo đó các yếu tố nguy cơ có khả năng gây các biến chứng trên đường tiêu hóa liên quan đến thuốc NSAID là bao gồm:
- Tiền sử gặp biến cố ở đường tiêu hóa, đặc biệt tình trạng biến chứng;
- Tuổi trên 65;
- Bệnh nhân có dùng thuốc chống đông máu, các NSAID khác gồm sử dụng Aspirin liều thấp hoặc NSAID liều cao;
- Rối loạn khiến cơ thể suy nhược mạn tính, đặc biệt các bệnh lý ở tim mạch;
- Liều thấp aspirin cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng đường tiêu hóa;
- Nhiễm vi khuẩn H. pylori làm tăng nguy cơ gặp biến chứng tiêu hóa khi sử dụng NSAID. Tất cả bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày – tá tràng khi dùng NSAID thì nên ưu tiên xét nghiệm H. pylori, nếu dương tính với H. pylori cần áp dụng liệu pháp kháng sinh để diệt trừ.
5. Phương pháp dự phòng loét dạ dày tá tràng do thuốc
- Các thuốc ức chế bơm proton PPI có tác dụng làm giảm đáng kể tình trạng loét dạ dày tá tràng và các biến chứng của nó ở những bệnh nhân đang dùng NSAID hoặc các thuốc ức chế COX-2 để trị bệnh;
- Thuốc Misoprostol sử dụng liều tối đa (800 mcg/ngày) cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa viêm loét và các biến chứng liên quan đến loét ở bệnh nhân đang dùng NSAIDs. Tuy nhiên, tính hữu dụng của hoạt chất này bị hạn chế bởi các tác dụng phụ gây ra trên đường tiêu hóa. Khi dùng Misoprostol với liều thấp hơn, các tác dụng phụ của Misoprostol sẽ tương tự như các thuốc nhóm PPI và cũng tương tự về hiệu quả dự phòng loét dạ dày tá tràng do thuốc.
Theo cơ chế tác dụng của thuốc, việc sử dụng các thuốc NSAID nhóm ức chế COX-2 có tỷ lệ thấp hơn đáng kể tình trạng loét dạ dày – tá tràng so với sử dụng các NSAIDs truyền thống thế hệ cũ hơn. Tuy nhiên, các tác dụng có lợi này của các NSAID nhóm ức chế COX-2 sẽ bị giảm đáng kể khi bệnh nhân dùng đồng thời thuốc này với Aspirin liều thấp. Lợi ích này của các NSAID nhóm ức chế COX-2 cũng bị giảm vì một số nghiên cứu đã chỉ ra có mối liên quan giữa nhồi máu cơ tim và biến cố khác về tim mạch khi sử dụng thuốc ức chế COX-2. Do đó, liều thấp nhất của celecoxib nên được sử dụng để giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến cố về tim mạch.
Mặc dù việc sử dụng các thuốc thuộc nhóm kháng H2 liều cao có thể làm giảm nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng khi chẩn đoán qua nội ở bệnh nhân sử dụng NSAID (nghiên cứu được thực hiện khi so với placebo). Tuy nhiên, các thuốc nhóm kháng H2 kém hiệu quả hơn đáng kể so các thuốc thuộc nhóm PPI, và cũng không có dữ liệu lâm sàng nào chứng minh việc dùng thuốc kháng H2 có khả năng dự phòng loét dạ dày tá tràng do thuốc.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.