Cách điều trị bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ là một trong những bệnh tự miễn có liên quan đến thần kinh cơ với nhiều các triệu chứng đặc trưng khác nhau. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự mất liên lạc giữa thần kinh và cơ, dẫn tới giảm trương lực cơ.

1. Bệnh nhược cơ là gì?

Bệnh nhược cơ là một bệnh tự miễn tương đối hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng rối loạn sự dẫn truyền thần kinh-cơ, do kháng thể của hệ miễn dịch tấn công lên thụ thể acetylcholine (thụ thể có tác dụng dẫn truyền thần kinh) trên màng tế bào cơ của cơ thể. Sự tấn công này gây ra hậu quả là các cơ trong cơ thể không tiếp nhận đầy đủ các tín hiệu thần kinh và trở nên suy yếu. Bệnh nhược cơ thường gặp ở cả nam và nữ tuy nhiên nữ giới mắc nhiều hơn với tỉ lệ gần gấp đôi nam giới, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở nữ giới < 40 tuổi và nam giới > 60 tuổi.

2. Bệnh nhược cơ có chữa được không?

Tuy rằng chưa có loại thuốc nào có thể điều trị được bệnh nhược cơ nhưng hiện nay việc điều trị căn bệnh này đã có nhiều thành tựu đáng kể. Với phương pháp điều trị bệnh hiện nay, những trường hợp mắc bệnh nhược cơ đã có thể có một cuộc sống gần như bình thường giống mọi người, tuổi thọ của họ cũng không bị giảm đi so với những người khác. Tuy nhiên, người bệnh có thể phải lệ thuộc và các loại thuốc này trong nhiều năm hoặc gần như suốt đời, dù bạn có nguy cơ mắc phải những tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc điều trị bệnh.

3. Phương pháp điều trị bệnh nhược cơ


Bác sĩ thường phối hợp các phương pháp nội khoa và ngoại khoa để điều trị bệnh nhược cơ
Bác sĩ thường phối hợp các phương pháp nội khoa và ngoại khoa để điều trị bệnh nhược cơ

Trong việc điều trị bệnh nhược cơ, các bác sĩ thường phối hợp các phương pháp nội khoa và ngoại khoa, tùy vào tình trạng bệnh của bạn.

3.1. Điều trị nội khoa

Hiện nay, y học vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh nhược cơ. Các thuốc được sử dụng chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng chẩn đoán bệnh nhược cơ, ức chế sự tiến triển của bệnh nhưng không chữa được tận gốc bệnh. Một số loại thuốc được các bác sĩ chỉ định điều trị nhược cơ như sau:

  • Nhóm thuốc ức chế enzym cholinesterase (pyridostigmin, neostigmin), có tác dụng ức chế sự hoạt động của enzym cholinesterase, có vai trò phân hủy acetylcholin trong khe synap thần kinh - cơ. Do đó, thuốc làm gia tăng nồng độ acetylcholine, nên tăng cường sự dẫn truyền thần kinh đến các cơ, giúp cơ cải thiện sức mạnh. Mặt khác, không làm giảm số lượng các thụ thể sau khe synap thần kinh-cơ. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng trong điều trị ban đầu bệnh nhược cơ nhẹ hoặc mới được chẩn đoán mắc nhược cơ. Tuy nhiên khi người bệnh sử dụng loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như: co cơ, chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn...
  • Nhóm thuốc ức chế miễn dịch (các thuốc corticosteroid, azathioprine, methotrexat...) đây là phương pháp sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ức chế hoạt động tự miễn dịch ở khe synap thần kinh - cơ. Corticoid hoặc nhóm thuốc không chứa steroid là những nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh nhược cơ, loại thuốc này cũng có các tác dụng phụ như buồn nôn, viêm loét dạ dày, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương gan, thận.
  • Nhóm thuốc kháng thể đơn dòng: Rituximab là một nhóm kháng thể đơn dòng có tác dụng làm suy yếu bạch cầu, thay đổi hệ miễn dịch nên thường được sử dụng để cải thiện triệu chứng của bệnh nhược cơ. Tuy nhiên, tác dụng phụ của Rituximab là nhức đầu, sốt, ớn lạnh, nôn ói, viêm dạ dày...

Hầu hết các thuốc sử dụng trong điều trị bệnh nhược cơ đều là những thuốc kê đơn và có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, vì vậy người bệnh cần tuân theo đúng chỉ định của thầy thuốc, tránh tự ý sử dụng gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh nhược cơ thì người bệnh cần nghỉ ngơi, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh căng thẳng stress... giúp thuyên giảm nhanh các triệu chứng của bệnh nhược cơ hiệu quả.

3.2. Điều trị ngoại khoa

  • Phẫu thuật tuyến ức: Những người mắc bệnh nhược cơ gặp những triệu chứng bất thường về tuyến ức, vì thế phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức cũng là một cách điều trị bệnh nhược cơ. Kết quả điều trị bệnh nhược cơ bằng phương pháp này tương đối khả quan nhưng điều trị hậu phẫu lại ngược lại, vì vậy việc phẫu thuật cần phải thực hiện ở những cơ sở điều trị có kinh nghiệm và hồi sức tốt. Lưu ý rằng phẫu thuật cắt tuyến ức chỉ có khả năng giảm liều các thuốc điều trị nội khoa nói trên chứ không có tác dụng điều trị khỏi bệnh hoàn toàn

Ngoài các phương pháp kể trên, bác sĩ còn có thể sử dụng các phương thức điều trị bệnh nhược cơ ngắn hạn như truyền immunoglobulin miễn dịch hay thay huyết tương (nếu tình trạng nhược cơ diễn tiến xấu, trầm trọng và điều trị bệnh nhược cơ trước phẫu thuật tuyến ức) khi các triệu chứng nhược cơ chưa được kiểm soát tốt. Hai phương pháp điều trị bệnh nhược cơ ngắn hạn này cho kết quả rất tốt nhưng không có tác dụng lâu dài.

4. Bệnh nhược cơ sống được bao lâu?


Hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh nhược cơ
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ là một căn bệnh thần kinh cơ liên quan đến sự tự miễn dịch trong cơ thể. Bệnh hiện nay vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị bệnh nhược cơ khỏi hoàn toàn. Để đảm bảo sức khỏe, khi đã được chẩn đoán mắc bệnh, bạn cần lưu ý:

  • Lên kế hoạch hàng ngày giữ gìn sức khỏe một cách tốt nhất;
  • Các loại thuốc điều trị bệnh nhược cơ đều có tác dụng phụ, khi sử dụng thuốc kéo dài cần chú ý và thực hiện đúng các chỉ định của bác sĩ điều trị để hạn chế các tác dụng phụ đó;
  • Tránh lao động quá sức và những mệt mỏi không cần thiết;
  • Tránh những căng thẳng hay cảm xúc quá mức;
  • Tránh để cơ thể bị nhiễm trùng (ví dụ: tránh tiếp xúc với đám đông, tránh nhiễm lạnh);
  • Tránh dùng các loại thuốc trực tiếp ảnh hưởng đến dẫn truyền thần kinh-cơ, chẳng hạn như kháng sinh nhóm aminoglycosid (ví dụ: gentamicin), ketolide (ví dụ: telithromycin).

Cần lưu ý, nếu bạn sử dụng quá liều thuốc kháng cholinesterase như Pyridostigmine hoặc neostigmine, có thể làm tăng sự yếu cơ hoặc thậm chí gây ra các rối loạn cholinergic (tăng tiết nước bọt, nước mắt, mồ hôi hay nôn mửa).

Tuy rằng chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn nhưng bạn vẫn có thể sống với bệnh nhược cơ trong nhiều chục năm nhưng phải có chế độ ăn uống, lao động, sinh hoạt phù hợp và không được điều trị chậm trễ. Nếu thấy mình có dấu hiệu của bệnh nhược cơ, bạn cần sớm đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám cụ thể, tránh trường hợp bệnh tiến triển gây những hậu quả đáng tiếc.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe