Sỏi mật cần được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả để tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Dưới đây là một số cách đẩy sỏi mật ra ngoài mà người bệnh có thể tham khảo và áp dụng khi mắc bệnh.
1. Sỏi mật là gì và cơ chế hình thành sỏi mật
Sỏi mật là sự kết tinh của các thành phần có trong trong dịch mật thành khối rắn chắc. Sỏi mật có thể xuất hiện ở túi mật (sỏi túi mật), hay ống mật chủ (sỏi ống mật chủ), hoặc đường dẫn mật trong gan (sỏi gan).
Sỏi mật có thể nhỏ vài milimet hoặc cũng có thể lớn vài centimet. Sỏi có hình tròn, bầu dục hoặc có thể có nhiều hình dạng khác tùy theo cấu tạo. Số lượng sỏi trong túi mật thì cũng tùy từng bệnh nhân, có bệnh nhân chỉ có một vài sỏi nhưng cũng có người bị rất nhiều sỏi.
Sỏi mật được hình thành là do sự mất cân bằng của các thành phần có trong dịch mật, bao gồm cholesterol, sắc túi mật và muối canxi, cụ thể như sau:
- Dịch mật có chứa nhiều cholesterol:
Thường thì trong mật sẽ có đủ hóa chất để làm hòa tan cholesterol mà gan bài tiết ra. Tuy nhiên, nếu gan bài tiết quá nhiều cholesterol và mật không thể hòa tan được hết sẽ gây ứ đọng cholesterol. Lâu dần sẽ hình thành tinh thể và nó kết tinh lại thành sỏi mật.
- Mật chứa nhiều bilirubin:
Bilirubin là một hóa chất được tạo ra khi mà các tế bào hồng cầu trong cơ thể bị phá vỡ. Khi gặp phải các vấn đề như rối loạn về máu, xơ gan, nhiễm trùng đường mật sẽ khiến cho gan tạo ra nhiều bilirubin. Lượng bilirubin dư thừa sẽ bị tích tụ lại và hình thành nên sỏi mật.
- Túi mật không được làm trống:
Thỉnh thoảng, túi mật cần phải được làm trống, còn nếu như lúc nào túi mật cũng chứa đầy mật thì mật có thể sẽ bị cô đặc lại và lâu dần sẽ hình thành sỏi mật.
2. Dấu hiệu của bệnh sỏi mật
Bệnh sỏi mật thường không có triệu chứng điển hình và rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác nếu như không được thăm khám chính xác. Tuy nhiên, dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh sỏi mật là các cơn đau quặn bụng, những cơn đau này thường có các đặc điểm:
- Vị trí: Đau ở vùng thượng vị hoặc xảy ra ở vùng bụng bên phải, nhưng chủ yếu vẫn là đau nhiều ở vùng thượng vị.
- Mức độ: Cơn đau thường nhiều và kéo dài liên tục khiến người bệnh vô cùng đau đớn.
- Tính chu kỳ: Cơn đau thường theo từng cơn riêng biệt, không âm ỉ và các cơn đau kéo dài từ 30 phút đến khoảng vài giờ.
- Thời điểm: Các cơn đau thường xảy ra nhiều trong vài giờ sau khi ăn hoặc đau vào ban đêm.
Bên cạnh những cơn đau quặn bụng thì người bị bệnh sỏi mật ở giai đoạn nặng còn có biểu hiện sốt, vàng da.
3. Bệnh sỏi mật nguy hiểm không?
Bệnh sỏi mật nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như là:
- Viêm túi mật: Nếu các viên sỏi mật bị mắc kẹt ở cổ túi mật có thể sẽ gây viêm túi mật khiến người bệnh thường xuyên bị đau và sốt.
- Tắc nghẽn ống tụy: Sỏi mật có thể gây chèn ép và gây tắc ống tụy, lâu dần có thể dẫn tới viêm tụy gây đau bụng dữ dội và cần phải nhập viện để được xử lý.
- Ung thư túi mật: Bệnh nhân sỏi mật có nguy cơ bị ung thư túi mật cao hơn so với người bình thường. Vì vậy, khi phát hiện bị sỏi mật thì cần chữa trị ngay để bảo vệ sức khỏe.
- Sốc nhiễm khuẩn đường mật: Đây là biến chứng rất nặng và nguy hiểm của sỏi mật với các biểu hiện như là tim đập nhanh, khó thở, rối loạn tâm thần,...
- Chảy máu đường mật: Sỏi mật gây tắc ống mật sẽ dẫn đến tình trạng ứ mật trong gan và làm suy giảm chức năng gan, gây tổn thương thành ống dẫn mật. Từ đó làm ảnh hưởng đến các mạch máu và có thể dẫn đến chảy máu đường mật.
- Xơ gan: Sỏi khiến mật ứ trệ lại trong gan gây viêm gan cấp tính và mãn tính, dần dần dẫn tới xơ gan do viêm.
Vì những biến chứng trên của bệnh sỏi mật, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi phát hiện bệnh sỏi mật thì nên tiến hành thăm khám và điều trị. Vậy sỏi mật và cách điều trị như thế nào?
4. Những cách đẩy sỏi mật ra ngoài hiệu quả
Để có cách đẩy sỏi ra ngoài hiệu quả thì người bệnh cần phải thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Dựa vào tình trạng bệnh cụ thể, kích thước của sỏi mà bác sĩ sẽ có chỉ định và điều trị phù hợp. Một số cách trị sỏi mật hiệu quả thường được bác sĩ chỉ định bao gồm:
4.1. Cách đẩy sỏi mật ra ngoài bằng phương pháp nội khoa
Điều trị sỏi mật bằng phương pháp nội khoa được áp dụng đối với những trường hợp sỏi mật có kích thước nhỏ dưới 1cm và thể tích của tất cả sỏi trong túi mật nhỏ hơn 1/3 thể tích của túi mật. Bên cạnh đó, chức năng túi mật vẫn còn tốt, ống dẫn mật không bị tắc và bệnh nhân đang không sử dụng thuốc giảm mỡ, thuốc dạ dày,...
Thuốc điều trị sỏi mật thường được chỉ định là những loại thuốc có acid mật giúp làm tan sỏi và ngăn ngừa sỏi mật phát triển, giúp đẩy sỏi mật ra ngoài.
4.2. Cách đẩy sỏi mật ra ngoài bằng phương pháp ngoại khoa
Đối với cách điều trị sỏi mật bằng phương pháp ngoại khoa thì hiện nay chủ yếu có 2 cách đó là:
- Điều trị ngoại khoa để tán sỏi:
- Cách này thường được sử dụng khi người bệnh sử dụng thuốc uống tan sỏi không có hiệu quả.
- Phương pháp ngoại khoa tán sỏi là cách sử dụng sóng xung kích để tán nhỏ viên sỏi mật rồi cơ thể sẽ đào thải ra ngoài bằng đường tiểu. Phương pháp này chỉ sử dụng cho bệnh nhân sỏi đơn, sỏi canxi và có đường kính dưới 2cm.
- Phẫu thuật:
- Cách đẩy sỏi mật ra ngoài bằng phẫu thuật là giải pháp dứt điểm nhất giúp chấm dứt tình trạng tái phát sỏi mật. Một số cách phẫu thuật sỏi mật được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa như cắt túi mật nội soi, cắt túi mật mổ mở. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp và hiệu quả.
5. Lưu ý sau khi điều trị sỏi mật
Để nhanh chóng hồi phục sau khi điều trị sỏi mật, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, ăn thực phẩm giàu chất xơ như hoa quả tươi, các loại rau xanh.
- Hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên, ra mà thay vào đó là những món hấp, luộc. Người bệnh nên kiêng ăn đồ ăn cay nóng và kích thích làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và túi mật.
- Không nên ăn quá no, đặc biệt là vào buổi tối vì nó khiến cho hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng khiến cho quá trình hồi phục sau điều trị chậm hơn.
- Uống đủ nước khoảng từ 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể đủ nước và giúp cho việc đào thải sỏi mật ra ngoài bằng đường tiết niệu dễ dàng hơn.
- Hạn chế uống bia rượu hay các loại đồ uống có cồn khác, kiêng hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích. Bởi những thứ này đều không tốt cho sức khỏe tổng thể và không tốt cho túi mật.
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya, đi ngủ đúng giờ, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Duy trì cân nặng phù hợp, không nên giảm cân quá nhanh và kiêng khem quá khắt khe nhưng cũng không nên ăn quá nhiều gây tăng cân, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi mật.
Trên đây là những thông tin về bệnh sỏi mật và cách đẩy sỏi mật ra ngoài mà người bệnh có thể tham khảo. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh hiệu quả là do bác sĩ chỉ định. Vì thế, để có cách trị sỏi mật hiệu quả nhất thì người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.