Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp khá phổ biến có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như mất khả năng vận động, tăng nguy cơ mắc bệnh teo cơ, rối loạn đại tiện tiểu tiện... Đặc biệt là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Vậy cách chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?
1. Thoát vị đĩa đệm là gì?
Đĩa đệm là một bộ phận nằm giữa các khoang đốt sống. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu của nó, khiến cho phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài ảnh hưởng đến các dây thần kinh và tủy sống khác.
Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có thể để xảy ra tình trạng thoát vị. Tuy nhiên hai vị trí trí thường gặp nhất là ở cột sống thắt lưng và cột sống cổ.
2. Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm, các nguyên nhân phổ biến nhất là:
- Bệnh do di truyền, thoái hóa cột sống bẩm sinh
- Người bệnh bị chấn thương hoặc gặp tai nạn ảnh hưởng đến cột sống
- Nguyên nhân do lao động quá sức, vận động sai tư thế
- Nguyên nhân do tuổi tác, quá trình lão hóa ảnh hưởng đến đĩa đệm cột sống, gây xơ cứng và mất nước.
3. Biểu hiện của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng?
3.1. Triệu chứng biểu hiện bên ngoài
Khi người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng sẽ gặp triệu chứng: Đau dây thần kinh tọa nếu có chèn ép rễ thần kinh, cơn đau này thường là cơn đau nhói kèm theo cảm giác tê cứng, nóng đỏ chạy từ dọc mông xuống bàn chân, đi theo đường của hệ thống dây thần kinh tọa.
3.2. Chuẩn đoán bệnh bằng hình ảnh thoái hóa cột sống thắt lưng
- Chụp X quang quy ước: Phương pháp này không cho kết quả chuẩn đoán chính xác 100% nhưng thông qua một số hình ảnh như: lệch vẹo cột sống, hẹp khoang gian đốt sống.. có thể giúp bác sĩ xác định vị trí thoát vị và giúp phát hiện các tổn thương về cột sống lưng.
- Chụp cộng hưởng từ: Đây được coi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, có độ tin cậy cao. Kết quả hình ảnh chụp cộng hưởng từ có thể xác định chính xác hình thái thoát vị, số tầng thoát vị, vị trí.
- Chụp cắt lớp vi tính kết hợp với chụp bao rễ cản quang: Áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân bị nghi ngờ thoát vị đĩa đệm mà không thể sử dụng phương pháp chụp được cộng hưởng từ. Ưu điểm của phương pháp này là có thể cho phép xác định chính xác vị trí, mức độ chèn ép của thoát vị đĩa đệm với độ nhạy cao
4. Cách chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng?
Hiện nay có rất nhiều phương pháp được ứng dụng trong điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
4.1. Hỗ trợ điều trị tại nhà
Ưu điểm của phương pháp này: Mức độ an toàn cao, lành tính và dễ thực thiện.
- Sử dụng lá lốt: Lá lốt đem rửa sạch để ráo nước. Sau đó người bệnh sao nóng lá lốt cùng với muối hạt và chườm lên lên vùng bị đau. Hoặc người bệnh có thể xay nhuyễn lá lốt, lấy nước rồi cho thêm sữa tươi vào đun sôi để nguội ngày uống 2 lần.
- Sử dụng lá ngải cứu: Đem lá ngải cứu đi rửa sạch cùng với nước muối và xay nhuyễn vắt lấy nước. Sau đó thêm một chút mật ong vào khuấy đều, sử dụng để uống 2 lần ăn trong ngày.
4.2. Luyện tập bằng các bài tập thể dục, yoga
Bài tập hiệu quả dành cho thoát vị đĩa đệm cột sống lưng: Ôm tay bó gối, tư thế rắn hổ mang, tư thế bắc cầu.
Lưu ý: Các biện pháp áp ở trên chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh và giảm đau, chứ không thể điều trị triệt để bệnh, trước khi sử dụng các bài thuốc dân gian hay bài tập nào trên đây, người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn.
4.3. Trị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng bằng thuốc tây y
Phương pháp này có ưu điểm là giảm đau nhanh, hiệu quả nhanh chóng, đây cũng là phương pháp được nhiều người bệnh sử dụng.
Nhóm thuốc thường được bác sĩ chỉ định sử dụng bao gồm:
- Nhóm thuốc giảm đau dùng để giảm các cơn đau ở mức độ nhẹ như Paracetamol, Aspirin, Neurontin..
- Nhóm thuốc kháng viêm không Steroid: Dùng để tiêm, bôi hoặc uống tại chỗ như Meloxicam, Diclofenac...
- Vitamin cho thần kinh: Nhóm thuốc B1, B6, B12 là thuốc vitamin bác sĩ thường chỉ định sử dụng cho các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm.
4.4. Trị thoát vị đĩa đệm bằng Đông y
Ưu điểm của phương pháp này là hỗ trợ đẩy lùi căn bệnh từ gốc rễ, giúp người bệnh giảm đau và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó phương pháp đông y là phương pháp an toàn lành tính và không mang lại các tác dụng phụ không mong muốn..
Nhược điểm của phương pháp này là: Cần lựa chọn các đơn vị uy tín có kinh nghiệm lâu năm trong việc khám chữa bệnh thoát vị đĩa đệm bằng Đông y.
4.5. Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Trường hợp bệnh nhân cần áp dụng: Điều trị nội khoa thất bại sau 5 đến 8 tuần, bệnh gây chèn ép thần kinh cấp tính, bệnh gây rách bao xơ, thoát vị di trú. Thoát vị đĩa đệm gây đau quá mức và khi dùng thuốc giảm đau không có tác dụng, bệnh gây liệt hoặc gây hội chứng chùm đuôi ngựa.
Các phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến bao gồm:
- Phẫu thuật mổ mở hoặc qua ống banh nhằm mục đích lấy bỏ nhân thoát vị giải chèn ép thần kinh
- Phẫu thuật nội soi cột sống nhằm lấy bỏ nhân thoát vị bên trong.
Cụ thể:
Mổ mở: Nhược điểm của phẫu thuật này có thể gây đau lưng dai dẳng, làm tổn thương dây thần kinh cột sống, rò rỉ dịch não tủy.
Đây là phương pháp giải nén cột sống sau. Bác sĩ sẽ thực hiện mở một đường rạch trên lưng hoặc cổ để cắt bỏ phần Lamina (một phần của vòng khung xương bao phủ tủy sống) giúp mở rộng ống sống, nhằm giải phóng áp lực lên tủy sống cắt bỏ gai xương gây chèn ép các rễ thần kinh.
Vi phẫu: Sau khi gây mê, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một vết rạch nhỏ và sử dụng các dụng cụ đặc biệt để loại bỏ phần đĩa đệm gây áp lực lên rễ thần kinh.
Nội soi: Bác sĩ sẽ sử dụng hệ thống ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào tiếp cận cột sống nhằm giải phóng áp lực cho dây thần kinh, tủy sống. Phương pháp này chỉ sử dụng cho các bệnh nhân bị chèn ép thần kinh cấp tính do thoát vị đĩa đệm, điều trị nội khoa thất bại.
Hợp nhất cột sống: Đây là phương pháp cố định vĩnh viễn cột sống của người bệnh, biện pháphợp nhất hai đốt sống sẽ ngăn xương di chuyển và giúp người bệnh không giảm đi cảm giác đau đớn.
Thay đĩa đệm nhân tạo: Phương pháp này thường được chỉ định ở những bệnh nhân bị thoát vị một đĩa đệm ở lưng dưới, đã điều trị quá nhiều biện pháp nhưng không đặt được hiệu quả.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành rạch 1 vết ở bụng. Thông qua kính vi phẫu, bác sĩ sẽ nới rộng khoảng cách giữa hai đốt sống lưng, thay đĩa đệm bị hư bằng đĩa nhân tạo có chất liệu nhựa hoặc kim loại.
Mỗi cách điều trị bệnh sẽ có những ưu và nhược điểm riêng việc lựa chọn phương pháp sẽ phụ thuộc vào tính chất tổn thương của người bệnh.
5. Phòng ngừa bệnh tái phát
Để bảo vệ cột sống cũng như ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh thoát vị đĩa đệm người bệnh nên chú ý các biện pháp sau:
- Ngồi và đứng thẳng đúng tư thế
- Hạn chế việc bên, khiêng vác các vật nặng
- Trong trường hợp phải đứng lâu người bệnh nên gác một chân lên vật nào đó để giảm áp lực cho lưng.
- Nên duy trì cân nặng ổn định để không gây áp lực cho cột sống
- Không nên hút thuốc lá vì thuốc lá có thể gây ra tình trạng xơ cứng động mạch toàn làm hỏng các đĩa đệm
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý và nên bổ sung các thực phẩm tốt cho xương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.