Dấu hiệu bị Gout ở chân đặc trưng là những cơn đau khớp dữ dội, gây tổn thương nhiều khớp ở chân. Bài viết này sẽ cung cấp chi tiết những thông tin về bệnh Gout và cách điều trị có hiệu quả cao.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về bệnh Gout
Trước khi tìm hiểu về các phương pháp chữa bệnh Gout ở chân, bệnh nhân cần nắm rõ những thông tin cơ bản về căn bệnh này. Bệnh Gout, còn được gọi là thống phong, là một trong những bệnh lý viêm xương khớp phổ biến.
Cơ chế của bệnh Gout liên quan đến nồng độ Acid Uric trong máu. Thông thường, nồng độ Acid Uric trong máu được duy trì ở mức 210 – 420 micromol/L ở nam giới và 150 – 350 micromol/L ở nữ giới. Khi có vấn đề ảnh hưởng đến nồng độ Acid Uric, chẳng hạn như thận giảm bài tiết, cơ thể tăng sản xuất hoặc chu trình tạo ra Acid Uric bị rối loạn, bệnh Gout có nguy cơ xuất hiện.
Khi nồng độ Acid Uric trong máu tăng cao, các tinh thể Urat sẽ hình thành và dần dần tích tụ tại các khớp mà không biểu hiện triệu chứng ngay lập tức. Tuy nhiên, dù các tinh thể Urat có kích thước rất nhỏ, chúng lại rất cứng và sắc nhọn. Khi cọ xát, chúng sẽ gây viêm, sưng và đau cho màng hoạt dịch khớp. Tình trạng này được gọi là các đợt viêm khớp Gout cấp.
Acid Uric được sản sinh khi cơ thể tiêu hóa Purin. Do đó, những người tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa Purin sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa Acid Uric. Theo các chuyên gia, một số nhóm thực phẩm như thịt, cá và hải sản có hàm lượng Purin tương đối cao.
Về nguyên nhân dẫn đến bệnh Gout, các bác sĩ cho biết có hai nhóm chính như sau:
- Nguyên nhân chính (vô căn): Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, trong đó bệnh Gout thường liên quan đến yếu tố di truyền hoặc đặc điểm cơ địa của từng cá nhân. Những bệnh nhân bị viêm khớp Gout vô căn có quá trình tổng hợp Purin nội sinh bất thường, dẫn đến tăng nồng độ Acid Uric trong máu.
- Nguyên nhân thứ phát: Tình trạng tăng nồng độ Acid Uric trong máu có thể liên quan đến một số bệnh lý huyết học như đa hồng cầu, bạch cầu kinh thể tủy, Hodgkin, Sarcoma hạch, đau tủy xương, hoặc do việc sử dụng thuốc điều trị ung thư.
2. Những dấu hiệu bị Gout ở chân
Dấu hiệu bị Gout ở chân điển hình là những cơn đau đột ngột và dữ dội, thường xảy ra ở các khớp chân như ngón chân, đầu gối, kèm theo tình trạng sưng đỏ và hạn chế vận động do đau.
2.1. Đau dữ dội
Bệnh Gout thường ảnh hưởng đến các khớp ở chân như ngón chân cái, bàn chân, mắt cá chân, đầu gối, và một số vị trí khác như bàn tay, cổ tay...Đặc điểm của tình trạng đau do viêm khớp Gout là cơn đau dữ dội, các ngón chân bị gout có cảm giác như bốc cháy hoặc như có mảnh thủy tinh kẹt trong khớp.
2.2. Đau kéo dài
Sau khi cơn đau khớp dữ dội đã giảm đi, bệnh nhân vẫn có thể cảm thấy khó chịu ở các khớp trong một khoảng thời gian kéo dài, có thể là vài ngày hoặc thậm chí vài tuần. Khi đợt Gout cấp tái phát, cơn đau khớp sẽ trở nên nặng nề hơn và cảm giác khó chịu ở các khớp cũng kéo dài hơn.
Theo các bác sĩ, giảm cân là một phương pháp chữa bệnh Gout tại nhà giúp giảm thiểu cơn đau do Gout, tuy nhiên không thể loại bỏ hoàn toàn cảm giác đau này.
2.3. Sưng tấy và đỏ
Những dấu hiệu bị Gout ở chân thường xuất hiện ở các khớp của chân, bao gồm đau, sưng và tấy đỏ. Khi các tinh thể Urat tấn công, chúng kích thích cơ thể tạo ra phản ứng viêm để ngăn chặn, dẫn đến tình trạng sưng tấy của các khớp.
Do đó, một trong các phương pháp chữa bệnh Gout phổ biến được bác sĩ đề xuất là sử dụng thuốc chống viêm thuộc nhóm NSAIDs hoặc Corticosteroid.
2.4. Sờ khớp thấy ấm nóng
Khi chạm vào vùng khớp bị tổn thương, người bệnh thường thấy ấm nóng do lưu lượng máu (đặc biệt là tế bào bạch cầu) đến khớp tăng cao. Điều này là một cơ chế tự nhiên để chống lại sự tích tụ của các tinh thể urat. Tuy nhiên, tình trạng ấm nóng ở các khớp thường biến mất sau một thời gian ngắn, khoảng vài ngày.
2.5. Khớp bị cứng và khó cử động
Những tinh thể muối urat lắng đọng có thể gây tổn thương cho các khớp. Đặc biệt, các khớp ở chân thường phải chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Do đó, khi một cơn Gout cấp tấn công, có thể xảy ra hiện tượng cứng khớp, làm ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và vận động của cơ thể.
2.6. Ngứa và bong tróc nhẹ sau cơn gout cấp
Cơn Gout thường xuất hiện theo từng đợt khác nhau. Thông thường, sau khoảng 7-10 ngày, cơn đau sẽ dần giảm và các khớp sẽ trở lại bình thường. Khi cơn đau Gout dần giảm, người bệnh có thể cảm thấy ngứa và bong tróc nhẹ.
3. Đối tượng nguy cơ bị viêm khớp Gout
Mặc dù các dấu hiệu bị Gout ở chân chủ yếu xuất hiện ở các khớp, cần lưu ý rằng bệnh Gout thực chất là một bệnh lý toàn thân và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau.
Hiện nay, bệnh Gout rất phổ biến và có xu hướng trẻ hóa, do đó bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh. Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc bệnh hơn:
- Nam giới trên 40 tuổi: Thống kê cho thấy trên 80% bệnh nhân Gout là nam giới trên 40 tuổi. Điều này được cho là liên quan đến các vấn đề như chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, sử dụng nhiều bia rượu, hút thuốc lá, nghiện các chất kích thích, và thói quen tiêu thụ nhiều đạm động vật.
- Phụ nữ mãn kinh: Trong giai đoạn mãn kinh, phụ nữ phải đối diện với tình trạng rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là Estrogen, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình đào thải Acid Uric tại thận. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nam giới, nếu phụ nữ có lối sống không lành mạnh hoặc sử dụng rượu bia, nguy cơ bị viêm khớp Gout vẫn tồn tại.
- Di truyền: Nghiên cứu cho thấy bệnh Gout liên quan đến 5 loại gen di truyền. Vì vậy, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh Gout sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Người nghiện hoặc lạm dụng rượu bia: Các thức uống có cồn gây cản trở quá trình đào thải Acid Uric, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gout.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc, như thuốc lợi tiểu và nhóm salicylate, có thể làm tăng nồng độ Acid Uric trong máu.
- Thừa cân, béo phì: Cân nặng dư thừa làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gout do tăng sản xuất Acid Uric dưới dạng chất thải chuyển hóa.
- Các vấn đề sức khỏe khác: Suy thận và các bệnh lý thận khác ảnh hưởng đến khả năng đào thải chất độc của cơ thể, bao gồm cả Acid Uric, dẫn đến tăng nồng độ chất này trong máu. Ngoài ra, một số bệnh lý khác liên quan đến Gout bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường…
4. Cách chữa trị chân bị gout
Các bệnh nhân mắc viêm khớp Gout có thể kiểm soát các đợt cấp bùng phát bằng cách thường xuyên thăm khám với bác sĩ, duy trì việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn và kết hợp với một số phương pháp tự chăm sóc tại nhà như điều chỉnh chế độ ăn uống.
Có một số phương pháp chữa một số dấu hiệu bị Gout ở chân tại nhà như sau:
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc giảm đau và kháng viêm có thể giúp ngăn ngừa các đợt Gout cấp như Colchicine, kháng viêm không steroid, Corticosteroid hoặc Allopurinol.
- Tuân thủ chế độ ăn uống: Hạn chế thực phẩm giàu purin như nội tạng động vật, hải sản, và một số loại đậu. Đồng thời, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không sử dụng bia rượu và tránh các chất kích thích.
- Luyện tập và duy trì cân nặng hợp lý: Thực hiện các bài tập sức khỏe lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý và giảm cân nếu cần thiết để giảm nguy cơ mắc bệnh Gout.
- Uống nhiều nước: Để tăng cường quá trình đào thải chất dư thừa qua thận và giảm triệu chứng sưng viêm ở các khớp.
- Chườm lạnh: Sử dụng chườm lạnh nhằm giảm sưng, đau và kháng viêm ở các khớp.
- Kiểm soát căng thẳng: Cố gắng hạn chế căng thẳng và tìm các biện pháp để giảm stress, vì những yếu tố này có thể kích thích đợt bùng phát của bệnh Gout.
- Phẫu thuật nội soi khớp: Trong trường hợp viêm khớp Gout kéo dài, phẫu thuật nội soi khớp có thể được xem xét, bao gồm việc cắt bớt bao hoạt dịch khớp hoặc thay khớp nhân tạo nếu cần thiết.
Kết hợp với các biện pháp trên, bác sĩ cũng có thể kê đơn các loại thuốc phù hợp để điều trị và ngăn ngừa các dấu hiệu bị Gout ở chân bùng phát, giúp giảm nguy cơ biến chứng như sự phát triển của hạt Tophi do tinh thể urat lắng đọng.
4.1. Thuốc giảm đau
Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) bao gồm Ibuprofen và Naproxen sodium (Aleve), có thể được sử dụng mà không cần kê đơn hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc Colchicine nổi tiếng với khả năng giảm đau và chống viêm hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng Colchicine có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, đặc biệt khi sử dụng ở liều cao.
Corticosteroid, như Prednisone, Dexamethasone, hay Methylprednisolone, cũng là các loại thuốc có thể được sử dụng để kiểm soát các dấu hiệu bị Gout ở chân gây ra như tình trạng viêm đau.
4.2. Thuốc hạ acid uric máu
Những bệnh nhân chỉ trải qua vài cơn Gout cấp mỗi năm hoặc có tần suất triệu chứng ít thường xuyên hơn, nhưng vẫn gặp đau khớp liên tục, thường sẽ được bác sĩ đề xuất sử dụng các loại thuốc giúp giảm nguy cơ biến chứng.
Trong trường hợp khớp bị tổn thương và xuất hiện các hạt tophi, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc như sau để giảm nồng độ Acid Uric máu:
- Nhóm ức chế sản xuất Acid Uric: Nhóm này có tác dụng hạn chế sự tiến triển của viêm khớp Gout.
- Nhóm đào thải Acid Uric: Còn được gọi là Uricosurics, loại thuốc này tăng cường việc bài tiết acid uric qua nước tiểu, giúp loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Các thuốc trong nhóm này bao gồm Allopurinol, Febuxostat...
4.3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị Gout
Nhằm giảm các dấu hiệu bị Gout ở chân bằng thuốc, người bệnh có thể phải chịu các tác dụng phụ như sau:
- Nhóm chống viêm không steroid: Có thể gây đau dạ dày và xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày.
- Colchicine: Có thể gây ra buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy khi sử dụng ở liều cao.
- Thuốc nhóm Corticosteroid: Có thể gây ra thay đổi tâm trạng, tăng đường máu và tăng huyết áp.
- Allopurinol: Có thể gây ra phản ứng dị ứng muộn sau 2-3 ngày sử dụng thuốc.
Do đó, việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh Gout cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Quan trọng là cần đảm bảo sử dụng đúng liều lượng và cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ hiệu quả điều trị cho từng bệnh nhân cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.