Sử dụng dầu tràm cho trẻ sơ sinh có thể giúp làm lành vết muỗi đốt, côn trùng cắn trên da bé, chữa đầy hơi, khó tiêu, trị ho... Tuy nhiên, cha mẹ cần biết cách sử dụng dầu tràm đúng cách để đảm bảo an toàn và không gây kích ứng trên làn da của trẻ sơ sinh. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết cách bôi dầu tràm cho trẻ sơ sinh.
1. Cách bôi dầu tràm cho trẻ sơ sinh
Dầu tràm được chiết xuất từ các bộ phận của cây tràm như cành, lá, thân qua phương pháp chưng cất hơi nước. Vì vậy, các thành phần có trong dầu tràm đều lành tính và an toàn. Cụ thể trong dầu tràm có chứa thành phần chính là Cineol. Đây là một hợp chất tự nhiên rất tốt cho sức khỏe, có công dụng kháng khuẩn, ngăn ngừa virus gây bệnh. Vì khá lành tính và sở hữu nhiều công dụng hữu ích trong việc chăm sóc tốt cho sức khỏe, chính vì thế dầu tràm là một món đồ cần thiết phải có, đặc biệt ở những gia đình có trẻ nhỏ.
Dưới đây là một số cách bôi dầu tràm cho trẻ sơ sinh bao gồm:
- Hỗ trợ giúp làm lành vết côn trùng cắn trên da bé: Do trong thành phần của dầu tràm có chứa hoạt chất Eucalyptol có tác dụng sát khuẩn. Vì vậy, khi bị muỗi đốt hay côn trùng cắn, có thể dùng dầu tràm và thoa một chút lên vết cắn nhằm làm giảm tình trạng sưng đỏ, ngứa và đau cho trẻ sơ sinh.
- Hỗ trợ chữa đầy hơi, khó tiêu: Trẻ sơ sinh thường hay gặp phải tình trạng bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Khi gặp phải trường hợp này, có thể dùng vài giọt dầu tràm cho vào lòng bàn tay rồi massage nhẹ nhàng lên vùng bụng của trẻ theo chiều kim đồng hồ, từ trong ra ngoài. Hoạt chất Cineol có trong dầu tràm sẽ nhanh chóng thấm vào da và làm nóng vùng bụng của bé. Việc này sẽ giúp cho máu lưu thông tốt hơn, kích thích nhu động ruột và đẩy khí ứ hơi thừa ra ngoài, làm giảm các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu ở trẻ.
- Dùng dầu tràm massage cho trẻ sơ sinh: Hoạt chất Cineol có trong dầu tràm có tác dụng lưu thông khí huyết tốt hơn. Theo nghiên cứu của y học cổ truyền, các hoạt chất có trong dầu tràm có mùi thơm, tính ấm, có tác dụng hoạt huyết khu phong. Hơn nữa, dầu tràm không có tính nóng nên có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng để massage cho trẻ sơ sinh với làn da dễ nhạy cảm.
- Dùng dầu tràm hỗ trợ trị ho: Khi thời tiết thay đổi, trẻ rất dễ bị ho, mẹ chỉ cần dùng vài giọt dầu tràm để massage vùng lưng, ngực và cổ cho bé theo chiều kim đồng hồ, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Kiên trì thực hiện thì sau 2 - 3 ngày theo cách này, triệu chứng ho của bé sẽ được cải thiện nhanh chóng.
- Dầu tràm giúp hỗ trợ kháng khuẩn: Đây là một trong những công dụng nổi trội nhất của dầu tràm. Đối với trẻ sơ sinh, chỉ cần nhỏ vài giọt dầu tràm vào chén nước nóng hoặc thấm vào miếng bông gòn, rồi đặt tại các góc nhà. Việc này sẽ giúp cho bầu không khí trở nên sạch và thơm mát hơn. Mùi hương của dầu tràm cũng tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho trẻ sơ sinh.
- Dùng dầu tràm pha loãng để tắm cho trẻ sơ sinh: Việc này có công dụng giữ ấm, hỗ trợ phòng các bệnh cảm mạo, viêm da, ho... Khi tắm cho trẻ, nên pha loãng khoảng 3 - 5 giọt dầu tràm, sau đó dùng tay hòa tan đều. Tiến hành tắm bé như bình thường, đối với những bé sơ sinh chưa rụng rốn, không nên để nước tắm có pha loãng dầu tràm rơi vào, vì sẽ làm ướt hoặc gây xót cho trẻ. Tránh rơi vào mắt, mũi sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây kích ứng, vì vậy không nên rửa mặt cho bé với nước tắm có pha loãng dầu tràm.
2. Một số lưu ý khi sử dụng dầu tràm cho trẻ
Mặc dù, dầu tràm có thành phần các hoạt chất khá lành tính và an toàn, tuy nhiên trong quá trình sử dụng cho trẻ sơ sinh, cần lưu ý một số điều sau đây để bảo vệ bé và phát huy tốt các công dụng như sau:
- Tuyệt đối không bôi dầu tràm lên vùng da nhạy cảm: Đối với dầu tràm nguyên chất, hoạt tính tương đối mạnh. Vì vậy, đối với các vùng da nhạy cảm như đầu, da mặt, cổ... nó có thể gây ra các kích ứng trên da khi bôi trực tiếp dầu tràm lên các vùng da đó. Bởi thế, đối với những vùng da này, cha mẹ có thể bôi một lượng rất nhỏ hoặc pha loãng trước hoặc bôi vào quần áo, khăn choàng cho bé. Đối với các vị trí khác như lòng bàn chân, lưng và ngực, có thể thoa dầu tràm trực tiếp lên những vị trí đó và massage nhẹ nhàng. Tuy nhiên, cần theo dõi làn da của trẻ sau khi bôi dầu tràm, nếu da của bé xuất hiện các nốt sưng đỏ hay mẩn ngứa thì nên ngưng bôi dầu tràm nhằm tránh những tổn thương cho da của trẻ. Đặc biệt, không nên bôi dầu tràm lên vết thương hở của trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân có thể làm cho vết thương hở trên da bị kích ứng, dẫn đến việc các mô cơ sẽ bị tổn thương nặng hơn dẫn đến vết thương sẽ khó lành, hoặc thậm chí có nguy cơ bị lở loét, sưng mủ do nhiễm trùng da.
- Dùng với liều lượng phù hợp: Nên bôi dầu tràm với liều lượng phù hợp nhất định với trẻ sơ sinh, tránh lạm dụng quá nhiều có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Trong trường hợp dùng dầu tràm để pha vào nước tắm cho trẻ nhỏ hoặc dùng để cho bé xông hơi, liều lượng an toàn được khuyến cáo là từ 3 - 5 giọt. Còn nếu dùng để massage cho bé thì chỉ cần 1 giọt là vừa đủ. Tương tự như khi cần thoa lên lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc vị trí vết côn trùng cắn thì liều lượng sử dụng cũng chỉ cần 1 giọt dầu tràm đã đủ. Việc dùng với liều lượng quá mức khuyến cáo có thể khiến cho làn da mỏng manh của trẻ bị tổn thương.
- Nên kiểm tra phản ứng trước khi dùng: Mặc dù các thành phần trong dầu tràm khá lành tính và an toàn, nhưng khi sử dụng cho trẻ sơ sinh không thể tránh khỏi một số trường hợp làn da của trẻ dễ bị kích ứng với dầu tràm. Vì vậy, để tránh trường hợp trên xảy ra, ba mẹ nên lưu ý kỹ lưỡng khi dùng cho trẻ. Trước khi cho trẻ sử dụng, cha mẹ có thể pha loãng 1 ít dầu tràm với nước rồi nhỏ thử lên vùng da của bé. Nếu như ở vị trí đó xuất hiện nốt mẩn đỏ, sưng viêm, dị ứng da... thì da trẻ có thể bị mẫn cảm với tinh dầu tràm. Vì thế, không nên sử dụng cho bé để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngược lại nếu da trẻ vẫn bình thường và không có bất kỳ dấu hiệu dị ứng gì thì có thể sử dụng dầu tràm bình thường cho trẻ.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp đầy đủ các thông tin giúp các bậc cha mẹ hiểu được cách sử dụng tinh dầu tràm cho trẻ sơ sinh. Việc dùng dầu tràm đúng cách không chỉ đem lại hiệu quả tốt nhất cho trẻ mà còn hạn chế tối đa những phản ứng có hại cho trẻ trong quá trình sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.