Các yếu tố nguy cơ của viêm tụy cấp

Mục lục

Việc hiểu rõ yếu tố nguy cơ của viêm tụy cấp và chủ động phòng ngừa là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bệnh có thể xuất hiện chỉ sau một lần tiêu thụ rượu quá mức hoặc bữa ăn quá nhiều dinh dưỡng. Đặc biệt, khi xuất hiện các biến chứng, người bệnh còn có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.  

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Viêm tụy cấp là gì?

Viêm tụy cấp là hiện tượng viêm cấp tính tại tuyến tụy, làm tổn hại tế bào nang tuyến vì sự tiêu hủy của các men tụy. Trong đó, mức độ tổn thương sẽ thay đổi từ nhẹ đến nặng và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

2. Sinh lý bệnh viêm tụy cấp  

Dịch tụy thường được bài tiết bởi tụy ngoại tiết, sau đó sẽ được đưa qua ống tụy vào tá tràng đoạn 2. Dịch tụy này chứa các enzyme tiêu hóa có chức năng tiêu hủy chính cả tụy. Vì vậy, tụy sẽ có các cơ chế bảo vệ để tránh bị tự tiêu.

Ban đầu, các protein sẽ chuyển thành dạng tiền enzyme và được lưu giữ trong những ngăn chuyên biệt nhờ Golgi. Tiếp đó, dịch tụy sẽ được bài tiết dưới dạng bị bất hoạt. Khi dịch tụy đi từ ống tụy vào tá tràng, các enzyme tiêu hóa sẽ được hoạt hóa.

Đường lưu thông dịch tụy bị tắc nghẽn khi sỏi từ đường mật rơi xuống hoặc giun từ ruột chui lên, dẫn đến ứ đọng dịch trong lòng ống tụy. Nếu tắc nghẽn chỉ xảy ra tạm thời, tổn thương thường chỉ giới hạn và nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài, enzyme được hoạt hóa sẽ tích tụ bên trong tuỵ nhiều hơn chất ức chế.

Lượng enzyme đã được kích hoạt sẽ tấn công và làm tổn thương dẫn đến viêm tụy nặng. Các chất hóa học đã giải phóng cũng sẽ thu hút các tế bào viêm. Ngoài ra, tình trạng tổn thương còn trở nên nghiêm trọng hơn khi bạch cầu trung tính được kích hoạt. Cuối cùng, các cytokine gây viêm sẽ được đại thực bào tiết ra gây viêm tại chỗ.

Khi tiêu thụ đồ uống có nhiều cồn liên tục và kéo dài, các ống tụy nhỏ trong tụy sẽ dần bị thu hẹp và có nguy cơ bị tắc nghẽn, gây ra viêm tụy.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm tụy cấp, bao gồm:

  • Sỏi mật.
  • Bia rượu.
  • Tăng Triglyceride máu.
  • Sau phẫu thuật vùng quanh tụy, sau nội soi mật - tụy ngược dòng.
  • Di truyền.
  • Thuốc.
  • Chấn thương đụng dập vùng tụy gây tổn thương ống tụy.
  • Ngoài ra, bệnh còn xảy ra do các nguyên nhân khác: Rối loạn chuyển hóa như tăng canxi máu, cặn bùn vi sỏi ở túi mật và đường mật, tắc mật bởi giun chui ống mật, túi thừa quanh nhú Vater, u ở tụy hoặc vùng quanh nhú, viêm tụy tự miễn, viêm tá tràng và hẹp nhú thứ phát do bệnh celiac, nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, bệnh viêm mạch, dị dạng cấu trúc đường mật hoặc viêm tụy vô căn.
Nghiện rượu, thuốc lá có thể là nguyên nhân gây viêm tụy cấp.
Nghiện rượu, thuốc lá có thể là nguyên nhân gây viêm tụy cấp.

4. Yếu tố nguy cơ của viêm tụy cấp

Các yếu tố nguy cơ của viêm tụy cấp bao gồm:

  • Sỏi mật.
  • Lạm dụng thức uống có cồn.
  • Giun chui ống mật-tụy.
  • Các thuốc cụ thể như furosemide và azathioprine.
  • Sử dụng estrogen.
  • Hội chứng cường giáp và tăng nồng độ canxi trong máu.
  • Quai bị.
  • Hội chứng tăng lipid máu (nhất là tăng triglyceride).
  • Tổn thương tụy do phẫu thuật ổ bụng hoặc nội soi.
  • Tổn thương tụy do vết thương đâm thấu hoặc chấn thương do vật tù (đấm, đá, tai nạn giao thông).
  • Ung thư tuyến tụy.
  • Giảm tưới máu trầm trọng (sốc kéo dài).
  • Viêm tụy di truyền.
  • Ghép thận.
Sử dụng một số loại thuốc như azathioprine cũng là một trong những yếu tố nguy cơ của viêm tụy cấp.
Sử dụng một số loại thuốc như azathioprine cũng là một trong những yếu tố nguy cơ của viêm tụy cấp.

5. Một số biến chứng

Một số biến chứng của bệnh sẽ được liệt kê dưới đây, bao gồm:

  • Giảm thể tích máu: Hội chứng đông máu nội mạch có thể xuất hiện khi thể tích máu giảm, chẳng hạn như trong trường hợp viêm ruột xuất huyết hoại tử.
  • Hoại tử tụy: Nhiễm trùng nặng, kèm theo sốt cao 39 - 40 độ kéo dài (trên 1 tuần), vùng tụy rất đau.
  • Nang giả tụy: Vùng tụy xuất hiện khối u, căng tức khi ấn vào. Báng do thủng hoặc vỡ của ống tụy hoặc khi nang giả tụy xâm nhập vào ổ bụng. Trong viêm tụy cấp xuất huyết thì nguyên nhân là hoại tử mạch máu, dẫn đến xuất huyết trong ổ bụng.
  • Suy hô hấp cấp: Xuất hiện tràn dịch, xẹp phổi hoặc viêm đáy phổi trái.
  • Suy thận cấp.
  • Liệt ruột co nặng.
  • Sốc nhiễm độc.
  • Nhiễm trùng huyết...
  • Tiêu hóa: Viêm loét dạ dày, tá tràng cấp.
Viêm tụy cấp có thể gây biến chứng nhiễm trùng nặng, kèm theo sốt cao 39 - 40 độ kéo dài.
Viêm tụy cấp có thể gây biến chứng nhiễm trùng nặng, kèm theo sốt cao 39 - 40 độ kéo dài.

6. Làm sao để phòng ngừa?

Để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh viêm tụy cấp, mọi người nên:

  • Kiểm soát và sử dụng rượu, bia, thuốc lá ở mức độ cho phép.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, vệ sinh, giảm thiểu nguy cơ hình thành sỏi mật.
  • Người bệnh mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, rối loạn mỡ máu, sỏi mật cần được theo dõi thường xuyên để ngăn ngừa biến chứng viêm tụy cấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ