Thang điểm Japanese Severity Score (JSS) trong tiên lượng nặng viêm tụy cấp

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tiến Ngọc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Viêm tụy cấp (VTC) là một bệnh lý cấp cứu nội, ngoại khoa thường gặp. Biểu hiện VTC hầu hết là ở thể nhẹ, có thể tự phục hồi (80-85%), còn lại 15-20% có thể diễn tiến nặng với những biến chứng trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao (có thể lên đến 30-40%). Một số trường hợp ban đầu biểu hiện lâm sàng VTC mức độ nhẹ nhưng sau đó diễn tiến VTC nặng dẫn đến sốc, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và tử vong.

Do đó, việc đánh giá ban đầu, tiên lượng diễn tiến nặng của bệnh nhân là vô cùng quan trọng nhằm giúp phát hiện sớm các biến chứng nặng và từ đó có những biện pháp can thiệp tức thời giúp giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.


Viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp

1.Các thang điểm đánh giá mức độ viêm tụy cấp

Có nhiều thang điểm đánh giá mức độ nặng của VTC như: tiêu chuẩn Ranson, bảng tiên lượng APACHE II, thang điểm Imrie (Glasgow cải tiến), thang điểm Balthazar, BISAP,...

Những thang điểm này tuy đã được sử dụng rộng rãi nhiều năm nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Chẳng hạn, tiêu chuẩn Ranson là thang điểm được sử dụng phổ biến nhất từ trước đến nay nhưng đánh giá ở thời điểm 48 giờ đầu nhập viện, để thu thập đủ những xét nghiệm cần thiết.

Do đó, có thể dẫn đến điều trị chậm trễ VTC nặng. Đối với bảng tiên lượng APACHE II, tuy có thể đánh giá tại bất kỳ thời điểm nào nhưng lại đòi hỏi nhiều thông số tính toán phức tạp và khó nhớ nên ít phổ biến trên lâm sàng.

Riêng với thang điểm Balthazar thì việc đánh giá tiên lượng yêu cầu phải dựa trên kết quả chụp cắt lớp điện toán; vì vậy, đòi hỏi cơ sở y tế phải trang bị kỹ thuật cao, chi phí đắt tiền và hơn nữa, chỉ nên chụp cắt lớp điện toán sau khi khởi phát bệnh ít nhất 48-72 giờ để làm rõ hình ảnh hoại tử tụy (nếu có) nên chưa áp dụng được cho tất cả bệnh nhân.

2.Thang điểm Japanese severity score (JSS)

Thang điểm Japanese severity score (JSS) đã đưa vào áp dụng tại Nhật từ năm 1990 (do Ủy ban nghiên cứu bệnh lý tuyến tụy của Nhật đề xuất) dùng để tiên lượng mức độ nặng của VTC.

Thang điểm gồm 5 dấu hiệu lâm sàng, SIRS, tuổi, 10 thông số cận lâm sàng và chụp cắt lớp điện toán. Chia làm 5 độ (0-4), tổng số điểm 27 điểm và được đánh giá là nặng khi JSS ≥ 2 điểm. Theo nghiên cứu của tác giả Rawad M, năm 2012 thì độ nhạy và độ đặc hiệu lần lượt của thang điểm JSS lần lượt là (59% và 92%), giá trị tiên đoán dương (70%) và giá trị tiên đoán âm (88%).

Từ năm 2008, thang điểm JSS được cải tiến gồm 9 thông số, mỗi thông số 1 điểm, được đánh giá là nặng khi JSS cải tiến ≥ 3 điểm:

Thang điểm Japanese Severity Score (JSS) trong tiên lượng nặng viêm tụy cấp

Tác giả Phạm Tiến Ngọc, nghiên cứu giá trị của thang điểm JSS trên 148 bệnh nhân VTC nhập viện bệnh viện Nhân Dân Gia Định từ 5/2015 đến 5/2016, rút ra một số kết luận sau:

  • Điểm JSS ≥ 3 liên quan có ý nghĩa thống kê với nguy cơ viêm tụy cấp nặng (p < 0,001).
  • Trong tiên lượng VTC nặng theo tiêu chuẩn Atlanta 2012. Với chỉ số JSS ≥ 3 thì độ nhạy là 100%, độ đặc hiệu 84,17%, giá trị tiên đoán dương 29,03%, giá trị tiên đoán âm 100%, diện tích dưới đường cong đạt 0,969.
  • Các thang điểm JSS, BISAP và Ranson đều có khả năng tiên lượng VTC nặng tốt ngang nhau, với diện tích dưới đường cong ROC lần lượt là 0,969, 0,929 và 0,928. Với ngưỡng chẩn đoán là 3 điểm, cả 4 thang điểm đều có độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán dương và giá trị tiên đoán âm tương đối ngang nhau trong tiên lượng VTC nặng. Tuy nhiên, điểm JSS có độ nhạy cao nhất (100%), kế đến là BISAP (88,89%), thứ ba là Ranson (77,78%) và cuối cùng là Imrie (44,44%).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe