Ung thư đại tràng dù thường gặp ở người lớn tuổi nhưng có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nguy cơ mắc bệnh tăng cao do nhiều yếu tố có thể thay đổi được như thừa cân béo phì, hút thuốc lá, rượu bia hoặc do các yếu tố cố định như tuổi tác hoặc mắc hội chứng di truyền hiếm gặp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng có thể thay đổi
Lối sống đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của bệnh ung thư đại trực tràng. Điều này được thể hiện rõ ràng qua mối liên hệ mật thiết giữa chế độ ăn uống, cân nặng, thói quen vận động và nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng so với các loại ung thư khác.
1.1 Thừa cân béo phì
Người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc và tử vong do ung thư đại tràng cao hơn so với người có cân nặng bình thường. Nguy cơ này đặc biệt cao ở những người có vòng eo lớn. Điều này đúng với cả nam và nữ, tuy nhiên nam giới dễ bị ảnh hưởng hơn.
1.2 Không tập thể dục
Thiếu vận động làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết. Do đó, tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh này.
1.3 Một số loại chế độ ăn kiêng
Việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ (bao gồm thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và gan) và thịt chế biến sẵn (như xúc xích, thịt hộp) có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Việc chế biến thịt ở nhiệt độ cao như chiên, nướng hoặc quay có thể tạo ra các hóa chất làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng cụ thể của yếu tố này và tác động của các thành phần khác trong chế độ ăn uống (ví dụ như chất béo) đến nguy cơ ung thư đại trực tràng vẫn đang được nghiên cứu và chưa có kết luận rõ ràng.
1.4 Hút thuốc lá
Người hút thuốc lá lâu năm có nguy cơ mắc bệnh và tử vong do ung thư đại trực tràng cao hơn nhiều so với người không hút thuốc. Hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân chính gây ung thư phổi mà còn liên quan đến nhiều loại ung thư khác.
1.5 Nghiện rượu nặng
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên quan giữa việc sử dụng rượu bia ở mức độ vừa đến nặng và nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Uống rượu bia có chừng mực, với nam giới tối đa 2 ly và nữ giới tối đa 1 ly mỗi ngày, có thể mang lại lợi ích sức khỏe to lớn, bao gồm giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều loại ung thư.
2. Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
2.1 Tuổi tác
Nguy cơ mắc ung thư đại tràng gia tăng theo độ tuổi, tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở người trẻ, nhưng tỷ lệ mắc thấp hơn nhiều so với người sau 50 tuổi.
2.2 Có polyp đại trực tràng hoặc ung thư đại trực tràng
Người có tiền sử polyp tuyến (Adenomatous polyps) có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn. Nguy cơ này càng tăng nếu có nhiều polyp, kích thước polyp lớn hoặc có polyp bị loạn sản.
Bệnh nhân ung thư đại tràng sau khi điều trị thành công vẫn có khả năng tái phát ung thư mới ở các vị trí khác trong đại tràng và trực tràng. Nguy cơ này cao hơn ở những bệnh nhân được chẩn đoán ung thư khi còn trẻ.
2.3 Có tiền sử bệnh viêm ruột (inflammatory bowel disease)
Người mắc bệnh viêm ruột (IBD) như viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn có nguy cơ cao bị ung thư đại tràng.
Bệnh viêm ruột (IBD) là tình trạng viêm đại tràng kéo dài. Nếu không được điều trị, người bệnh IBD lâu năm có nguy cơ cao phát triển loạn sản. Loạn sản là tình trạng các tế bào trong niêm mạc đại tràng hoặc trực tràng trở nên bất thường nhưng chưa phải ung thư. Tuy nhiên, theo thời gian, những tế bào này có thể tiến triển thành ung thư thực sự.
2.4 Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng hoặc polyp tuyến
Mặc dù phần lớn trường hợp ung thư đại tràng không xuất hiện trong gia đình có người mắc bệnh, nhưng đáng chú ý là vẫn có đến 1/3 số bệnh nhân có người thân trong gia đình từng mắc căn bệnh này.
Người có thân nhân trực hệ (bố mẹ, anh chị em, con cái) từng bị ung thư trực đại tràng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguy cơ này càng cao hơn nếu người thân mắc bệnh khi còn trẻ (dưới 45 tuổi) hoặc có nhiều hơn một người thân trong gia đình mắc bệnh.
Lý do khiến nguy cơ ung thư tăng cao không phải lúc nào cũng rõ ràng. Bệnh ung thư có thể di truyền trong gia đình do gen di truyền, do ảnh hưởng bởi môi trường sống chung hoặc cũng có thể do sự kết hợp của nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau.
Bệnh sử gia đình có polyp tuyến hoặc ung thư đại trực tràng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột kết. Do đó, nếu ai đó có tiền sử gia đình mắc các bệnh này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bắt đầu sàng lọc ung thư sớm hơn trước 45 tuổi.
2.5 Có hội chứng di truyền
Xấp xỉ 5% trường hợp ung thư trực đại tràng bắt nguồn từ di truyền, khi những người bệnh mang đột biến gen di truyền cho con cái, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho thế hệ sau.
Hội chứng Lynch và hội chứng polyp gia đình (Familial adenomatous Polyposis) là hai hội chứng di truyền phổ biến nhất liên quan đến ung thư trực tràng. Ngoài ra, một số hội chứng di truyền hiếm gặp khác cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra loại ung thư này.
2.5.1 Hội chứng Lynch
Hội chứng Lynch là hội chứng di truyền phổ biến nhất liên quan đến ung thư đại tràng, chiếm 2-4% các trường hợp. Hầu hết các ca bệnh do khiếm khuyết di truyền ở gen MLH1 hoặc MSH2, tuy nhiên, hội chứng cũng có thể phát sinh do biến đổi ở các gen khác.
Hội chứng Lynch khiến người bệnh có nguy cơ cao mắc ung thư ở độ tuổi trẻ, thường đi kèm với sự xuất hiện của polyp, tuy nhiên số lượng polyp thường ít. Nguy cơ ung thư đại trực tràng suốt đời ở người bệnh có thể lên đến 80%, tùy thuộc vào gen bị đột biến.
Phụ nữ mắc hội chứng Lynch không chỉ có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng mà còn có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, dạ dày, ruột non, tuyến tụy, thận, tuyến tiền liệt, vú, não, niệu quản và ống mật.
2.5.2 Hội chứng polyp gia đình (Familial adenomatous Polyposis - FAP)
Nguyên nhân chính của hội chứng polyp gia đình (FAP) là do đột biến gen APC di truyền từ cha mẹ. Đây là nguyên nhân gây ra khoảng 1% các ca ung thư đại tràng.
Loại FAP phổ biến nhất thường xuất hiện ở độ tuổi 10-12, khiến người bệnh có hàng trăm đến hàng ngàn polyp phát triển trong đại tràng và trực tràng. Một hoặc những polyp này có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư ngay từ khi người bệnh còn trẻ, khoảng 20 tuổi.
Nếu không cắt bỏ đại tràng để phòng ngừa, hầu hết người mắc FAP cũng sẽ bị ung thư đại trực tràng trước 40 tuổi. Người bệnh cũng có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày, ruột non, tuyến tụy, gan và một số cơ quan khác.
2.5.3. Các hội chứng di truyền hiếm gặp tiềm ẩn nguy cơ ung thư đại trực tràng
- Hội chứng Peutz-Jeghers (PJS) là bệnh di truyền khiến người bệnh có các đốm tàn nhang quanh miệng (và đôi khi trên tay, chân) và xuất hiện polyp hamartomas trong đường tiêu hóa. Nguy cơ ung thư đại tràng cũng như các loại ung thư khác, ở những người mắc hội chứng này cao hơn nhiều so với người bình thường và bệnh nhân thường được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ. Nguyên nhân gây bệnh là do đột biến gen STK11 (LKB1).
- Hội chứng đa nang liên quan đến MYH (MAP) là một bệnh di truyền đặc trưng bởi sự phát triển nhiều polyp đại tràng có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư, nếu không được theo dõi và tầm soát thường xuyên bằng nội soi thương quy. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư khác về đường tiêu hóa và tuyến giáp. Nguyên nhân gây bệnh là do đột biến gen MYH, thường dẫn đến ung thư ở độ tuổi trẻ.
Việc xác định các gia đình có hội chứng di truyền liên quan đến ung thư đại tràng ở người trẻ tuổi (và các loại ung thư khác) là rất quan trọng vì điều này giúp các bác sĩ đưa ra các biện pháp phòng ngừa và sàng lọc phù hợp cho những người có nguy cơ cao.
2.6 Bệnh tiểu đường loại 2
Bệnh nhân tiểu đường loại 2 có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng hơn do đều có chung các yếu tố nguy cơ như thừa cân và ít vận động. Tuy nhiên, ngay cả khi đã loại trừ các yếu tố này, nguy cơ mắc bệnh vẫn cao hơn so với người bình thường. Hơn nữa, tiên lượng sau chẩn đoán ung thư đại tràng ở bệnh nhân tiểu đường loại 2 thường xấu hơn.
3. Các biện pháp sàng lọc
Sàng lọc ung thư đại trực tràng ở người từ 50 tuổi trở lên giúp giảm 15-33% nguy cơ tử vong. Các cơ quan y tế khuyến cáo:
- Tầm soát ung thư đại tràng bằng nội soi cho cả nam và nữ từ 50 tuổi trở lên.
- Test tìm hồng cầu trong phân mỗi 1-2 năm một lần.
- Nội soi đại tràng ống mềm giúp bác sĩ kiểm tra trực tràng và đại tràng. Người có nguy cơ cao, bao gồm có yếu tố gia đình, nên bắt đầu soi đại tràng từ 40 tuổi. Nếu kết quả bình thường, bệnh nhân nên tái khám định kỳ 5-10 năm một lần.
4. Các biện pháp phòng ngừa
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
- Vận động thường xuyên.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Bổ sung đầy đủ các loại trái cây và rau quả, ngũ cốc;
- Giảm thiểu lượng thịt đỏ và thịt nguội (thịt đã qua chế biến và bảo quản) trong chế độ ăn uống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.