Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Lỵ trực trùng là bệnh nhiễm trùng ruột cấp và là bệnh tiêu chảy nguy hiểm nhất trong các bệnh tiêu chảy. Nguyên nhân đa phần là do trực khuẩn lỵ gram âm Shigella gây nên (50%) ngoài ra có thể do vi trùng khác hoặc ký sinh trùng. Thể bệnh nhẹ có thể sẽ tự hết cho đến dạng rất nặng với nhiễm độc nặng, co giật, tăng thân nhiệt, phù não và tử vong nhanh chóng mà không có nhiễm trùng huyết hay mất nước đáng kể.
1. Bệnh lỵ trực tràng là gì?
Bệnh lỵ trực tràng hay lỵ trực trùng là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương ruột già và đoạn cuối ruột non. Khác với người lớn, lỵ ở trẻ em có diễn biến cấp tính và thường rất nặng. Bệnh có ở mọi lứa tuổi và thường gặp vào mùa hè. Bệnh có nguy cơ lây cao ở những vùng không có nguồn nước sạch để dùng trong sinh hoạt. Trẻ em hay mắc hội chứng lỵ do chưa có ý thức về vấn đề vệ sinh.
Bệnh lỵ trực trùng, hay còn gọi là lỵ trực khuẩn hoặc xích lỵ, là bệnh kiết lỵ do trực khuẩn lỵ Shigella gây nhiễm trùng ruột và trực tràng. Trực khuẩn lỵ (Shigella) thuộc họ Enterobacteriae, là trực khuẩn gram âm. Chúng không có bao, không di động và không có khả năng tạo bào tử, là vi khuẩn ái khí, nhưng cũng có thể sống trong môi trường thiếu O2.
Trực khuẩn lỵ có thể sống ở đất được vài tháng, ở ruồi nhặng từ 2 - 3 ngày, ở đồ chơi, đồ dùng, giường chiếu được vài ngày. Ở sữa và các chế phẩm của sữa, trực khuẩn lỵ có khả năng phát triển mạnh. Trực khuẩn lỵ dễ bị chết nếu phơi dưới ánh nắng mặt trời, nếu đun sôi sẽ chết trong 10 phút. Lỵ có khả năng sinh sôi và nhiễm thành bệnh rất mạnh.
Con người là nguồn lây bệnh chủ yếu, nhất là những người bị bệnh cấp tính. Ở giai đoạn đầu của bệnh sẽ có một lượng lớn vi khuẩn thải ra ngoài theo phân. Tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm lại hay gặp ở những người bị bệnh mạn tính vì họ ít được cách ly. Những người này có thể mang mầm bệnh từ vài tháng tới vài năm. Ở động vật, linh trưởng cũng có thể là nguồn lây bệnh.
Bệnh lưu hành trên toàn thế giới. Mỗi năm có khoảng 600.000 bệnh nhân tử vong do lỵ trực khuẩn. 2/3 số trường hợp mắc và tử vong là ở trẻ em dưới 10 tuổi. Bệnh ít gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bệnh hay gặp ở những nơi đông người: trại tị nạn, nhà tù, trung tâm nuôi dưỡng trẻ, trại mồ côi, vùng lũ lụt.
Tại Việt Nam, bệnh lưu hành trên cả nước và gia tăng trong mùa hè. Biểu hiện lâm sàng của bệnh do Shigella có thể thay đổi từ thể tiêu chảy nhẹ phân lỏng nước cho đến các thể nặng nề với đau bụng quặn, mót rặn, tiêu phân nhầy máu, sốt và dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc.
2. Cơ chế bệnh sinh
Trực khuẩn đi qua miệng tới dạ dày, do tính đề kháng với axit cao nên nó vượt qua được hàng rào axit ở dạ dày tới ruột non rồi xuống tới đại tràng mới đột nhập vào niêm mạc đại tràng và gây bệnh. Trực khuẩn lỵ có thể xâm nhập tới hạch mạc treo đại tràng nhưng thường không tràn vào máu (Chỉ ở những cơ địa suy giảm miễn dịch nặng như bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn AIDS thì trực khuẩn Shigella mới đột nhập vào máu).
Tại niêm mạc đại tràng, trực khuẩn lỵ nhân lên nhanh chóng trong tế bào lớp niêm mạc, sau đó vi khuẩn chết, giải phóng ra độc tố gây xung huyết, xuất tiết.. Độc tố tác động lên toàn thân gây hội chứng nhiễm trùng - nhiễm độc, nhưng chủ yếu là nhiễm trùng.. Tại chỗ, độc tố tác động lên thần kinh tác động lên thần kinh giao cảm gây co thắt và tăng nhu động ruột. Những tác động đó làm bệnh nhân đau bụng quặn, buồn đi ngoài và đi ngoài nhiều lần, phân có nhày và máu. Gây ra rối loạn các chức năng của ruột, mất thăng bằng nước, điện giải và kiềm toan.
Trước tác động của vi khuẩn và độc tố lỵ, cơ thể sẽ huy động mọi cơ chế tự vệ nhằm thải trừ vi khuẩn ra khỏi cơ thể.
3. Những ai thường có nguy cơ nhiễm lỵ trực trùng
Bất cứ ai cũng có khả năng lây nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ em do thói quen hay bỏ tay vào miệng của trẻ.
Bệnh lỵ trực trùng lây qua đường tiêu hóa, do tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với nguồn bệnh. Ruồi nhặng là mối đe dọa tiềm tàng do chúng thường mang vi khuẩn cho người. Bệnh đặc biệt phát triển ở các nước ôn đới, ở vùng khí hậu nóng, dân sống chen chúc tại các thành phố trong khi vệ sinh cá nhân và cộng đồng kém.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Trẻ 1 - 5 tuổi dễ mắc bệnh.
- Quan hệ đồng giới.
- Bệnh dễ nhiễm ở những nơi sống chật chội và ý thức vệ sinh cá nhân kém, thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường kém.
- Bệnh hay bộc phát trong các tập thể nhà dưỡng lão, bệnh viện tâm thần, các trung tâm nuôi trẻ chậm phát triển, nhà trẻ, trường học, trại tân binh, ký túc xá, nhà giam...
- Tiếp xúc trực tiếp với phân của người bệnh.
4. Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán lỵ trực tràng
Để có thể đưa ra các chẩn đoán chính xác, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm sau:
4.1.Công thức máu
Bạch cầu thường tăng trong khoảng từ 5.000 - 15.000/mm3, với tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính chiếm ưu thế. Hồng cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.
4.2.Xét nghiệm phân
Mẫu bệnh phẩm thường là phân tươi hoặc phết trực tràng.
- Soi phân: Khi không rõ máu đại thể; có hồng cầu, bạch cầu đa nhân
- Cấy phân: Được thực hiện trong những trường hợp nặng. Thấy trực khuẩn Shigella có giá trị chẩn đoán quyết định. Trong điều kiện không cấy được phân thì xem tính chất phân là quan trọng để chẩn đoán.
Nuôi cấy định danh vi khuẩn và ngưng kết kháng huyết thanh
4.3.Soi trực tràng
Hình ảnh viêm lan tỏa cấp tính niêm mạc, có nhiều vết loét nông đường kính 3-7 mm, có thể xuất huyết chỗ loét. Ca điển hình không cần soi trực tràng. Tổn thương đại tràng do lỵ trực trùng là hình ảnh viêm lan tỏa cấp tính niêm mạc, có nhiều vết loét cạn, cần lấy chất nhầy tại chỗ để cấy tìm vi khuẩn.
4.4.Huyết thanh chẩn đoán
Phản ứng ngưng kết phát hiện kháng thể trong huyết thanh bệnh nhân nặng và có sốt nhưng không có giá trị chẩn đoán sớm.
Bên cạnh những xét nghiệm trên, bác sĩ có thẻ chỉ định thêm một số xét nghiệm sau:
- Ion đồ, khi có rối loạn tri giác, triệu chứng thần kinh, chướng bụng, giảm trương lực cơ.
- Đường huyết: Khi nghi ngờ hạ đường huyết.
- X-quang bụng, siêu âm bụng khi có biểu hiện chướng bụng, khi cần loại trừ lồng ruột.
- Phết máu, đếm tiểu cầu, chức năng thận khi nghi ngờ có Hội chứng tán huyết ure huyết cao.
Nếu bệnh nhân mắc bệnh không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng phức tạp thậm chí là tử vong. Nếu bạn thấy xuất hiện triệu chứng như tiêu chảy ra máu, tiêu chảy cùng lúc với mất máu, sụt cân và sốt 38 độ C trở lên bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn hiểu rõ hơn về lỵ trực trùng và những xét nghiệm cần làm để chẩn đoán bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Trần Thị Vượng sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa đã có thời gian 2 năm đào tạo chuyên ngành vi sinh tại Nhật Bản. Với kinh nghiệm giảng dạy 9 năm tại trường Đại Học Y Dược Hải Phòng, tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, được đào tạo liên tục về An toàn sinh học phòng xét nghiệm và Đảm bảo chất lượng xét nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương, có kinh nghiệm xét nghiệm chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và virus. Hiện đang là bác sĩ tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Bộ Y tế